Tiền Nhị Hà - bí ẩn từ lòng sông cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách đây hơn 4.500 năm khi bờ biển rút dần từ khu vực Hà Nội ra tới Hải Phòng, vùng châu thổ sông Tiền Nhị Hà (tức sông Hồng cổ) đã dần hình thành với các dấu vết địa chất vẫn còn rõ nét gây tò mò lớn đối với thế hệ trẻ Gen Z ngày nay.
Bản đồ Hà Nội - Dấu vết đổi dòng hệ thống sông Hồng. (Ảnh: Atlas Hà Nội 1984)

Bản đồ Hà Nội - Dấu vết đổi dòng hệ thống sông Hồng. (Ảnh: Atlas Hà Nội 1984)

Dòng sông huyền thoại

Trong lịch sử, những dòng sông cổ và các hồ đầm liên quan là một sản phẩm đặc biệt của quá trình tiến hóa địa lý trong suốt hàng vạn năm. Khám phá bí ẩn về các hệ thống sông hồ trong quá khứ là vấn đề rất khó, bởi vì các thế hệ lòng sông trước thường bị tác động mạnh bởi các hoạt động của sông trong các giai đoạn sau. Nhưng chính điều này đã gây tò mò và hấp dẫn đặc biệt đối với thế hệ trẻ ngày nay. Và sau đây là một số thông tin thú vị được tập hợp trong đề tài nghiên cứu về dòng sông cổ Tiền Nhị Hà (tức sông Hồng) của em học sinh Đoàn Linh An, lớp chuyên Địa (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) và nhóm đồng sự dưới sự hướng dẫn của TS. Vũ Thế Long.

Tại Thành phố Hà Nội, hệ thống lòng sông và hồ đầm cổ còn bị tác động mạnh mẽ bởi hoạt động của con người do tốc độ đô thị hóa ở đây rất nhanh. Một trong những tài liệu công bố các nghiên cứu về lòng sông cổ ở Hà Nội được sử dụng nhiều nhất đó là bộ Atlas Hà Nội 1984. Đặc biệt trong đó là bản đồ “Dấu vết đổi dòng hệ thống sông Hồng” thể hiện hàng loạt lòng sông cổ.

Đoàn Linh An (thứ 2 từ trái sang) và các bạn học sinh trong nhóm nghiên cứu Giải cứu những dòng sông Hà Nội (Save Rivers) trong một chuyến khảo sát.

Đoàn Linh An (thứ 2 từ trái sang) và các bạn học sinh trong nhóm nghiên cứu Giải cứu những dòng sông Hà Nội (Save Rivers) trong một chuyến khảo sát.

Các tác giả đã liên kết và vẽ lại các dòng sông cổ là sông Tiền Nhị Hà ở phía Bắc - Đông Bắc và sông Tiền Hát Giang ở phía Tây (theo hướng của sông Đáy hiện nay), sông Tiền Thiên Đức (theo hướng chung của sông Đuống) cũng được thể hiện bằng một số đoạn lòng sông cổ. Còn riêng sông Tiền Nhị Hà (tức sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội ngày nay) được mô tả chảy từ Mê Linh nối với đầm Vân Trì tạo nên một khúc uốn rộng về phía Đông thành Cổ Loa, rồi vòng lại về phía Tây nối với hồ Tây uốn khúc và cắt qua khu vực trung tâm nội thành Hà Nội rồi chạy về Thanh Trì.

Quá trình dịch chuyển của lòng sông cổ Tiền Nhị Hà từ Tây Bắc sang Đông Nam đã hình thành nên hồ Tây, bãi Tầm Xá (Đông Anh) và trước đó là các hồ tại khu vực Yên Sở (Hoàng Mai) với các dấu vết còn lại khá rõ nét. Trong quá trình tiến hóa của dòng sông Tiền Nhị Hà đã nhiều lần phân nhánh khi thì bên tả, khi thì bên hữu tạo ra hàng loạt các chi lưu (sông Đáy, sông Nhuệ, Sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê,...), trong đó có chi lưu đã bị bỏ rơi (như sông Cà Lồ).

Khám phá dòng chảy

Theo các báo cáo nghiên cứu được công bố từ năm 2010, vào khoảng hơn sáu nghìn năm trước, thời biển tiến cực đại đã lấn vào khu vực của Hà Nội ngày nay tới tận phần Đông Nam của huyện Hoài Đức và khu vực Vân Canh - Nghĩa Tân - Cổ Loa. Sau đó từ khoảng bốn nghìn năm trước, biển lùi dần và bề mặt châu thổ Sông Hồng dần được lộ ra. Dòng sông cổ Tiền Nhị Hà rất lớn, dấu vết được ghi lại trong một không gian rộng, bao phủ phần lớn diện tích của các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn (thuộc Thành phố Hà Nội).

Theo các chuyên gia, xét về hình thái có lẽ hiếm nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam có được dấu vết về địa hình do sông uốn khúc tạo nên rõ ràng như ở đây. Đặc biệt, trong đó là lòng sông cổ của sông Cà Lồ với cấu trúc địa hình dạng vòng cung được cho rằng chính là sự kế thừa từ lòng sông cổ Tiền Nhị Hà hàng nghìn năm trước.

Các nhà nghiên cứu địa chất đã xác định được chín khúc uốn quan trọng của sông Tiền Nhị Hà cổ trên đoạn chảy qua Thành phố Hà Nội ngày nay. Dòng sông Tiền Nhị Hà và các chi lưu của nó thường có địa hình hai bên bờ sông thấp, chắc diện dọc và ngang đều thoải nên dòng nước lưu thông chậm, dễ phát sinh ngập úng. Hoạt động của các dòng chi lưu của sông Tiền Nhị Hà bị suy giảm, thậm chí bị chết hoàn toàn như sông Cà Lồ khi có tác động của con người với các con đê ngày càng cao và kiên cố. Do đó, phần rìa của các vùng đất cổ thường được nổi cao hơn do sông bồi đắp vào các thời kỳ lũ lớn và đây cũng chính là các vị trí định cư lâu đời nhất của cư dân Hà Nội cổ.

Vị trí khúc sông Tiền Nhị Hà (sông Hồng cổ) trên bàn đồ Hà Nội hiện nay.

Vị trí khúc sông Tiền Nhị Hà (sông Hồng cổ) trên bàn đồ Hà Nội hiện nay.

Khi chọn vùng đất làm kinh đô của bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào cũng đều chú ý đến điều kiện địa hình và vật chất cấu tạo nên địa hình ấy. Đã có nhiều học giả nghiên cứu về việc Cổ Loa đã hai lần trở thành kinh đô của nước Việt cổ và việc An Dương Vương chuyển kinh đô từ Phú Thọ về Cổ Loa.

Khám phá và tìm hiểu về điều này giúp cho chúng ta có được nhận thức đúng đắn về chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông chúng ta. Thậm chí còn cho phép thế hệ sau giải thích được những vấn đề chỉ mới được ghi nhận bằng câu chuyện truyền thuyết. Và đây còn là cơ sở khoa học cho việc đề xuất những giải pháp hợp lý nhất để bảo vệ, tôn tạo di sản phù hợp với bản chất vốn có. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của cư dân trên đất Việt từ các kinh đô tới khu định cư đều được hình thành trên các vùng đất ven sông thuận tiện cho việc giao thương và trao đổi hàng hóa giữa các vùng.

Tại những nơi người dân đã từng sinh sống ổn định thường để lại những dấu vết mà đến nay trở thành những di tích lịch sử, khảo cổ quan trọng đối với nhân loại. Quá trình biến đổi địa hình cũng là nguyên nhân chính chôn vùi hoặc phá hủy những di tích này, trong đó có những lòng sông cổ ở Hà Nội là nơi còn đang ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được giải đáp từ thời văn hóa Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Ngoài ra, nghiên cứu biến động của dòng sông cũng cho ta mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng ngập lụt và sự xói lở của bờ sông hoặc để chuẩn bị cho việc phát triển các công trình trên khu đất ngay bên trên các lòng sông cổ.

Các thông tin trong bài được trích dẫn từ các kết quả và tài liệu nghiên cứu được các học sinh chuyên Địa của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sưu tầm, bao gồm: Bản đồ Hà Nội dấu vết đổi dòng hệ thống sông Hồng (Atlas Hà Nội 1984), Bản đồ Hệ thống sông hồ và lòng sông cổ Thành phố Hà Nội và lân cận (thuộc tập sách Sông hồ Hà Nội 2010 do PGS. TS Đặng Văn Bào chủ biên), Sách địa lý Hà Nội 2010 (do GS. TS Nguyễn Viết Thịnh chủ biên).

Đọc thêm