Tiếng khóc xé lòng của người mẹ có ba con chết đuối cùng một lúc

(PLO) - Cả 3 chị em đều đang còn thơ dại, em lớn nhất mới 8 tuổi, bé  nhất mới 3 tuổi. Những tiếng khóc xé lòng đến ai oán cất lên trong đám tang khiến một người vô cảm nhất cũng cảm thấy mủi lòng. 
Chị Huê và mọi người ngất lịm khi đưa các em về nơi chín suối.
Buổi chiều định mệnh
Đến bây giờ, người nhà của 3 em vẫn chưa hết bàng hoàng và đau đớn. Với họ, hình bóng các em vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Chị Trần Thị Huê (28 tuổi, mẹ của 3 em) nói trong nước mắt: “Bố mẹ đi làm cả ngày, mọi việc đều giao cho cháu lớn quán xuyến, việc trông coi hai em nhỏ cũng do cháu Hoài đảm trách. Giờ các con đi hết rồi, tui không thiết sống nữa”.
Vào khoảng 17h ngày 20/7, trong lúc chị Huê và chồng đi làm, Trần Thị Thu Hoài (8 tuổi) dẫn 2 em của mình là Đặng Thị Thùy Giang (3 tuổi), Đặng Trần Tuấn Anh (5 tuổi) ra sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa bàn thôn 4 xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tắm sông.
Đến khi chị Huê và anh Đặng Văn Hữu (32 tuổi, bố của 3 em) đi làm về không thấy các con đâu, linh tính có chuyện chẳng lành, hai anh chị đều tức tốc đi tìm các con. Khi tới khúc sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 4 xã Sơn Quang, thấy quần áo của các con mình ở trên bờ, ngay lập tức cả hai anh chị đi hô hoán tìm người tới với một hy vọng nhỏ nhoi có thể tìm thấy các con của mình. Nhưng thật không may, các bé đã tử vong. Sau một tiếng nỗ lực, mọi người đã vớt được thi thể của 3 em lên bờ.
Ngay sau khi vớt thi thể của các em lên, người nhà đã đưa về quê nội ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê mai táng. Cả một quãng đường dài đằng đẵng 50km từ Hương Sơn lên Hương Khê là một hành trình đầy nước mắt, những giọt nước mắt của sự đau đớn đến tột cùng. Có rất đông người tiễn đưa các em về cõi vĩnh hằng, anh Sửu và chị Huê ngất lịm bên ba chiếc quan tài trong ngày đưa thi thể các con về quê nội.
Có nỗi đau nào hơn…
Trong buổi tiễn đưa các em, ai cũng cảm thấy thương cảm và xót xa cho chị Trần Thị Huê. Bên linh cữu của 3 con, những tiếng khóc xé lòng của chị làm mọi người cảm thấy bị ám ảnh làm sao. Khi thì chị gào khóc: “Các con ơi, sao các con đi sớm vậy, mẹ đã lo được gì cho các con đâu”, khi thì chị lại nói “Sao ông trời nỡ bất công với tui như vậy hả trời, số tui sao khổ thế này”, nói rồi chị lả đi, người thân phải lại đỡ chị.
Chị Huê sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, chị sớm cưới chồng, nhưng rồi một thời gian sau mỗi người đi mỗi ngả, để lại cho chị một đứa con thơ. Đang lúc đơn chiếc, chị đã đến với anh Sửu để cùng nhau xây dựng hạnh phúc mới và san sẻ bớt đi nỗi cô đơn.
Sống với anh Sửu được vài năm, tuy gia đình nghèo khổ, bữa rau bữa cháo qua ngày nhưng chị vẫn hạnh phúc. Chị với anh Hữu đã có với nhau 2 người con, đó là Thùy Giang và Tuấn Anh. Tưởng rằng từ đây cả gia đình nhỏ sẽ hạnh phúc bên nhau, nhưng không ngờ các con của anh chị đã ra đi mãi mãi. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ rách nát ấy thiếu đi những tiếng cười đùa, những lời nói của trẻ thơ.
“Tội nghiệp nó, cái số lận đận chú à. Đã đa đoan về chồng, nay lại chịu nỗi khổ tâm về con cái nữa. Một ngày mà mất đi 3 đứa con mình dứt ruột đẻ ra, thử hỏi có đau đớn nào hơn nữa không chú. Con Huê nó hiền, cả làng xóm ai cũng quý vợ chồng nó cả. Cũng tại số phận nó hẩm hiu nên mới qua 2 đời chồng, giờ thì các con của nó không còn nữa.” – một người hàng xóm nói trong sự chua xót.
Bên linh cữu của 3 con, chị Huệ liên tục gào thét: “Các con dậy đi, mẹ về đây rồi mà, sao không thấy đứa nào ra ôm mẹ vậy cả”. Khi thi thể các em chuẩn bị được mọi người chôn cất, anh Hữu đã chạy lại ôm chiếc quan tài và khóc lớn: “Sao lại một lúc lấy đi cả ba đứa con của tôi chớ, con ơi, cha nhớ các con quá. Giờ những khi cha buồn, ai lại động viên cha, ai lại an ủi cha nữa đây, cha không thiết sống nữa đâu”.
Trong buổi tiễn đưa các em, ông Trần Trọng Xướng (74 tuổi, ông ngoại của 3 em) chỉ biết im lặng. Vẻ mặt hốc hác, đôi mắt ngấn lệ, mái tóc đã ngả màu pha sương, ông chỉ biết đứng một mình, ai hỏi gì ông cũng chỉ gật và gật. Trong thâm tâm thì có thể cảm nhận được rằng ông đau đớn lắm.
“Bố mẹ của  mấy đứa hay sang dặn tui là nhớ để ý bọn trẻ, mấy đứa đi đâu cũng thường sang xin phép ông ngoại rồi mới đi. Chiều hôm qua chúng nó cũng có xin phép tui, mà giờ đã... Đau quá chú ơi”! – ông Khương nghẹn ngào nói.
Nhìn di ảnh các em mà lòng người lớn như nghẹn lại. Các em còn quá nhỏ để phải chịu sự bất công quá lớn này của số phận. Em Hoài đang là học sinh Trường Tiểu học Sơn Long, em là một học sinh ngoan, học rất khá và được thầy cô bạn bè yêu mến. Hai em của Hoài đang nhỏ, chưa đến tuổi đi học, một mình Hoài thường xuyên cáng đáng lo việc gia đình và chăm sóc em thay bố mẹ.
Ông Lê Đình Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, gia đình của anh Hữu và chị Huê là một trong những hộ nghèo nhất xã. Căn nhà anh chị đang sống là một căn nhà tồi tàn, dột nát, chủ yếu lợp bằng tranh và nứa phiên. Trước sự ra đi của các cháu, đây là một mất mát quá lớn và không thể nào bù đắp được. Chính quyền chỉ biết động viên và mong muốn cả hai anh chị sớm vượt qua nỗi đau này để ổn định, tiếp tục cuộc sống.
“Hiện giờ các em đã mất đi rồi, đây là một bài học rất lớn để các gia đình có con nhỏ phải cẩn thận hơn nữa, nhất là các gia đình sinh sống ở gần sông. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rất nhiều vụ đuối nước thương tâm, chính quyền sẽ thường xuyên tuyên truyền để người dân đề phòng tai nạn đuối nước. Mất đi một người mình dứt ruột đẻ ra thì không có gì để đong đếm hết nỗi đau, cũng mong gia đình có thể nhìn về tương lai phía trước để tiếp tục mưu sinh, trang trải cho cuộc sống bộn bề khó khăn này” – ông Nghĩa nói.
Có người nói “nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua”, tôi cũng không biết rằng với anh Hữu, và đặc biệt là chị Huê, thì nỗi đau này sẽ đeo đẳng anh chị tới biết bao giờ nữa. Rời Hương Khê mà lòng tôi nặng trĩu, tôi vẫn nhớ tiếng khóc tới xé lòng của người phụ nữ bạc phận kia, và tự hỏi rằng: “Những tai nạn thương tâm thế này bao giờ mới dừng lại?”.  

Đọc thêm