Xử lý như thế nào đối với phương tiện, công cụ phạm tội?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Ngọc Anh (Hà Nam) hỏi: Cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào với phương tiện, công cụ phạm tội trong 2 trường hợp: Phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản của người phạm tội đang thế chấp tại ngân hàng? Phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ, chồng?

Luật sư Nguyễn Đình Thi - Đoàn Luật sư tỉnh Hà Nam trả lời: Theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm…”.

Và quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì: “Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được thực hiện theo quy định đó”.

Như vậy, trường hợp bị can sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng vào việc phạm tội thì việc xử lý tài sản thực hiện theo quy định của Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tức là tài sản đó sẽ bị tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”.

Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định được vợ/chồng không có lỗi, không biết người phạm tội sử dụng phương tiện, công cụ thể thực hiện tội phạm thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Đọc thêm