Tiếp vụ “Dự án Hạnh Phúc” còn dân kêu khổ“: Người dân có quyền khiếu nại

(PLO) - "Người dân có quyền khiếu nại nếu thấy thông báo bồi thường chưa thỏa đáng" là ý kiến của ông Hồ Văn Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) TP. Cần Thơ, cũng là người ký văn bản bồi thường với mức giá 440 nghìn đồng/m2, hỗ trợ tái định cư tại Dự án khu đô thị tái định cư (KĐTTĐC) Cửu Long - (tự xưng TP. Hạnh Phúc - PV) vừa được Trung tâm này gửi đến các hộ dân khu vực Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy).
Công trường thi công dự án khu đô thị tái định cư Cửu Long

Dự án nhiều bất cập

Theo tìm hiểu của PLVN, vào ngày 22/6/2009, TP. Cần Thơ có Quyết định 1846/QĐ-UBND quy hoạch xây dựng KĐTTĐC Cửu Long. Theo quy hoạch thì phía Tây Nam của khu đô thị này giáp với lề 30m quốc lộ 91B hiện hữu (do quốc lộ 91 được quy hoạch 80m nhưng nay chỉ mới sử dụng mặt đường 20m, để lại mỗi bên 30m phục vụ việc mở rộng, gọi là lề 30). 

Cùng ngày, TP. Cần Thơ ra Quyết định 1850/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 KĐTTĐC Cửu Long, cũng như phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 KĐTTĐC Cửu Long nêu rõ: Quy hoạch 2 khu chức năng ở riêng biệt là khu chung cư thấp tầng và cao tầng bố trí dọc theo quốc lộ 91B, phần này đơi vị đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh. Phần diện tích còn lại bố trí dạng nhà ở liên kề tái định cư, sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng giao lại cho thành phố để bố trí nhà ở tái định cư (tỉ lệ 60%). 

Chính sự nhập nhằng về mục đích, vừa để kinh doanh vừa thực hiện tái định cư trong một dự án nên dẫn đến việc người dân khiếu nại kéo dài khi bị thu hồi đất tại dự án này.

Tại khoản 2, Điều 40 của Luật Đất đai 2003 quy định: “Đối với dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. 

Khi dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì theo Khoản 2, Điều 28 về áp dụng thủ tục thu hồi đất, theo Nghị định số 69 (ngày 20/8/2009) có hướng dẫn: “Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất”. Các quyết định thu hồi đất đối với dự án này là trái với quy định Luật Đất đai 2003.

Tiếp đó, đến ngày 27/5/2010, UBND TP. Cần Thơ ban hành thêm Công văn 2499/UBND-KT, theo đó thống nhất mở rộng diện tích dự KĐTTĐC Cửu Long giáp với Quốc lộ 91B đang hiện hữu với diện tích 19.235m2. Giao cho chủ đầu tư tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Công văn này không chỉ “lấn sân” Quyết định 55/2001/QĐ-UB tỉnh Cần Thơ vào thời điểm đó (nay là TP. Cần Thơ) quy định lộ giới Quốc lộ 91B cũng như quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). 

Mức giá bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị tái định cư Cửu Long

Người dân có quyền khiếu nại đơn vị ra thông báo

Cụ thể, nội dung công văn số 2499 vi phạm Điều 26 và Điều 27 Nghị định số 11 (24/2/2010). Theo đó, tại khoản 3, Điều 26, Nghị định nói trên quy định: “Dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và các công trình khác phải xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hệ thống đường gom nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ. Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đường gom, không được sử dụng đất dành cho đường bộ để làm công trình phụ trợ, đường đấu nối…”. Cũng như, tại điểm b, Điều 27, Nghị định 11 nêu: “Bộ GTVT chấp thuận đối với công trình thiết yếu trên hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc”. Việc UBND TP. Cần Thơ giao đất lộ giới thuộc quốc lộ 91B theo quy định thì phải được sự chấp thuận của Bộ GTVT. Tuy nhiên, TP. Cần Thơ đã “bật đèn xanh” để Công ty Cửu Long xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên hành lang lộ giới thuộc quốc lộ 91B.

Chưa dừng lại ở đó, khi triển khai dự án giá bồi thường cũng không thỏa đáng, thấp hơn nhiều so với giá thị trường, khiến người dân rất bức xúc. Đặc biệt, ngày 20/10/2016, Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Cần Thơ ban hành thông báo về việc bồi thường thu hồi đất của người dân với giá thấp bất ngờ, trung bình khoảng 440.000 đồng/m2 đất (trong đó 50% diện tích đất có thổ cư).

Điều đáng nói là thông báo này lại lấy Quyết định 3796/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng dự án KĐTTĐC Cửu Long lại được Trung tâm PTQĐ TP. Cần Thơ làm căn cứ để ra thông báo - áp giá rẻ mạt khiến người dân “kêu trời!”. Chính vì vậy, những hộ này đã gửi đơn khiếu nại, với mong muốn chính quyền địa phương giải quyết vụ việc sao cho thỏa đáng. 

Ông Hồ Văn Mẫn, Phó Giám đốc TTPTQĐ TP. Cần Thơ cũng là người ký Thông báo hỗ trợ bồi thường cho người dân, cho biết: “Thông báo nếu hợp lý thì người dân nhận, còn nếu người dân thấy chưa hợp lý thì có quyền khiếu nại đơn vị ra thông báo. Bằng cách làm đơn và mang theo thông báo đến TTPTQĐ TP. Cần Thơ, TTPTQĐ sẽ trả lời từng trường hợp cụ thể. Nếu người dân còn thấy chưa hài lòng thì khiếu nại đến UBND quận Bình Thủy... Do dự án kéo dài quá, thay đổi nhiều chính sách”. Cụ thể, ông Mẫn giải thích như sau: “Việc áp giá được tính, nếu chậm trễ bàn giao thu hồi đất đất lỗi của nhà đầu tư thì tính theo tại thời điểm thu hồi đất, còn lỗi của người dân thì tính theo thời điểm phê duyệt dự án để bồi thường”.

Bởi lý do gì mà TTPTQĐ TP. Cần Thơ lại không ra thông báo cụ thể cho từng trường hợp áp dụng đúng căn cứ pháp luật để tránh gây thiệt hại lợi ích chính đáng của người dân, phải chẳng đây là một việc làm có chủ đích!? Đó là chưa nói giá một nền nhà mà Công ty CP Bất động sản Cửu Long bán ra thị trường rẻ nhất gần 400 triệu đồng trên một nền diện tích 60m2 (hơn 6 triệu/m2), giá gấp hơn 15 lần so với giá thu hồi?!... 

Đọc thêm