Những vụ việc đau lòng
Năm 2015, dư luận Trung Quốc sôi sục trước vụ việc bé gái Zhou Yang, 7 tuổi, tử vong sau một thời gian chống chọi với căn bệnh u quái cùng cụt - một chứng bệnh hiếm gặp. Sự phẫn nộ ở đây tập trung vào một công ty có tên Tập đoàn Quanjian. Bởi, năm 2012, khi Zhou đang được bệnh viện điều trị thì ông Zhou Erli - cha của Yang – bất ngờ nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của Tập đoàn chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có tên Quanjian.
Sau khi gặp Giám đốc điều hành của Tập đoàn Quanjian, ông Zhou đã quyết định dừng tất cả các phương pháp điều trị khác theo Tây y, chuyển sang cho con dùng những gói được quảng cáo là thuốc bột và nước uống thảo dược của Quanjian với giá 5.000 nhân dân tệ (tương đương 730 USD). Tất cả các loại thuốc đều được để trong những túi nhỏ, không có nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và cũng không ghi rõ thành phần.
Chỉ ít lâu sau, bệnh ung thư của Zhou chuyển sang di căn và bé gái đã được đưa trở lại bệnh viện tái điều trị nhưng đã quá muộn. Phẫn uất về hành vi táng tận lương tâm của công ty trên, ông Zhou đã đâm đơn kiện khắp nơi nhưng không thành công. Tập đoàn Quanjian trước đó đã có khá nhiều tai tiếng. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, trong vòng 5 năm, Hiệp hội này đã nhận được đến 36.600 khiếu nại liên quan đến các sản phẩm của tập đoàn này.
|
Trung Quốc một trong 5 thị trường hàng đầu thế giới về các sản phẩm bổ sung sức khỏe. |
Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, giới chức Trung Quốc đầu năm 2019 thông báo mở một cuộc điều tra toàn diện nhằm vào các hoạt động của Quanjian. Ít ngày sau đó, cảnh sát Trung Quốc thông báo đã bắt giữ người sáng lập Quanjian cùng 17 nhân viên của tập đoàn. Theo một ước tính, thị trường sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc trị giá hơn 14,5 tỉ USD trong năm 2017 và được dự đoán sẽ đạt 26,5 tỉ USD vào năm 2020, là một trong 5 thị trường hàng đầu thế giới về các sản phẩm bổ sung sức khỏe.
Báo cáo do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc công bố hồi năm 2018 cho thấy, chỉ trong năm 2017, tại Trung Quốc đã có thêm 2.317 công ty được cấp phép sản xuất và bán mặt hàng TPCN. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến các loại sản phẩm này cũng thường xuyên được ghi nhận. Trong năm 2016, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã nhận được kỷ lục 26.966 đơn khiếu nại về các loại TPCN, trong đó đã xử lý 705 vụ việc.
Ở Trung Quốc, truyền thông nước này vẫn thường đưa tin về những trường hợp người già chắt chiu, dành dụm tiền cả đời nhưng cuối cùng lại mất trắng vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc chỉ vì tin vào lời đường mật của những người bán táng tận lương tâm. Các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, ngoài việc trong số các công ty kinh doanh các sản phẩm TPCN không đúng quy định, lĩnh vực này cũng đang có lỗ hổng pháp lý do sự chồng chéo trong hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng. Theo quy định, Bộ Y tế Trung Quốc định nghĩa TPCN là “thực phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với một nhóm người nhất định, nhưng không có khả năng trị bệnh”.
|
Sau những vụ lùm xùm, hiện người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng vào dược phẩm truyền thống hơn là các sản phẩm TPCN |
Trên lý thuyết, các công ty phải quảng cáo sản phẩm của mình theo quy định này, nhưng trên thực tế mọi thứ diễn ra hết sức lộn xộn. Thế nhưng, những công ty như Quanjian đã hoạt động trong nhiều năm vì thiếu sự quản lý và chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Cụ thể, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quan đến các sản phẩm thuốc và TPCN.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại quản lý về việc phát hành quảng cáo ở những nơi công cộng, ví dụ như tại các hiệu thuốc. Trong trường hợp sản phẩm được quảng cáo trên TV hoặc phương tiện truyền thông xã hội thì Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin sẽ điều chỉnh, dẫn đến sự chồng chéo và có thể có kẽ hở trong hoạt động của các cơ quan này. Cũng có nhiều công ty kinh doanh các sản phẩm TPCN theo mô hình đa cấp, khuyến khích người dùng chèo kéo người thân, họ hàng, làng xóm cùng tham gia.
Trong một số trường hợp, theo truyền thông Trung Quốc, các công ty này còn gom các thành viên về một địa điểm, cho họ tham dự các lớp học tuyên truyền về sản phẩm, ăn, ngủ dưới sự giám sát của công ty. Trong thời gian này, điện thoại di động của họ bị tịch thu và các thành viên của mạng lưới sẽ bị cấm liên lạc với người nhà hoặc đi lang thang một mình. Sau những khóa tập trung như vậy, nhiều người trở nên mê muội, tin tưởng vào các công ty này đến mụ mị.
Hàng loạt những sai phạm
Đầu năm 2019, giới chức Trung Quốc cũng đã phát động một chiến dịch kéo dài 100 ngày để ngăn chặn các hành vi phi pháp và phi đạo đức trong ngành công nghiệp TPCN của nước này. Hoạt động này bao gồm sự tham gia của các cơ quan chức năng từ 13 đơn vị của chính phủ, nhắm vào các cá nhân và công ty liên quan đến việc đưa quảng cáo giả mạo, sản xuất và bán hàng giả cũng như các hành động lừa đảo và bất hợp pháp khác trên thị trường TPCN. 54.000 nhân viên thực thi pháp luật đã được huy động kể từ khi chiến dịch bắt đầu. 16.000 cửa hàng có liên quan đến ngành y tế đã được kiểm tra.
Ngoài những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giám sát, phạm vi kiểm tra trong chiến dịch cũng được mở rộng tới 4.200 địa điểm công cộng, bao gồm không gian cộng đồng, công viên và 2.600 nhà nghỉ và khách sạn. Ngay cả các điểm du lịch và thị trường nông thôn cũng được tiến hành kiểm tra. Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) trong một cuộc họp báo cho biết, chỉ sau 2,5 tuần đầu tiên kể từ khi triển khai, chiến dịch này đã đưa ra ánh sáng ít nhất 300 trường hợp hoạt động phi pháp với số tiền thu lời bất chính trong các vụ việc được xác định lên tới 6,7 triệu USD.
Các đơn vị của chính phủ đến thời điểm đó cũng đã nhận được 1.100 đơn khiếu nại của người tiêu dùng và giúp thu hồi các khoản thiệt hại tài chính của người tiêu dùng trị giá 8,4 triệu USD. Hơn 300 mẩu thông tin giả mạo lưu hành trên internet đã bị xóa. Khoảng 130 trang web, ứng dụng di động, tài khoản mạng xã hội đã được yêu cầu chỉnh sửa lại nội dung theo đúng quy định hoặc ngừng hoạt động. Trong chiến dịch trấn áp nói trên, SAMR cho biết họ tập trung tăng cường kiểm tra các hoạt động bán hàng tại các hội nghị để nắm bắt các trường hợp tiếp thị sản phẩm giả.
Thông qua đó, Cơ quan quản lý thị trường của thành phố Trương Gia Cảnh ở tỉnh Giang Tô đã phát hiện ra rằng một công ty thực phẩm là Jingang Lingkang đã bán ra một số sản phẩm y tế, bao gồm viên nang gel và kẹo làm thuốc. Thông qua việc phát các video được quay trước (được cho là truyền hình trực tiếp) và những phát biểu bằng lời nói, người chủ trì tại hoạt động quảng bá này tuyên bố rằng các sản phẩm mà họ bán ra có tác dụng chữa bệnh và lừa dối người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm có thể chữa khỏi bệnh.
Trong nhóm hoạt động nhằm tăng cường giám sát thị trường TPCN, cơ quan quản lý thị trường Thượng Hải Song Giang đã phát hiện một công ty không sản xuất các sản phẩm theo công thức được cơ quan chức năng phê duyệt và thông tin được dán nhãn là không chính xác, kể cả ngày sản xuất. Công ty ban đầu xuất khẩu các sản phẩm bán thành phẩm để chế biến thêm trước khi nhập khẩu trở lại Trung Quốc, do đó, tránh các quy trình kiểm tra TPCN thông thường. Trong vụ việc này, hơn 28.000 lọ viên nang ganoderma đã bị tịch thu. Công ty cũng đã bị phạt 1,6 triệu đô la USD và số tiền thu được bất hợp pháp là khoảng 33.000 USD cũng đã bị tịch thu.