EVN vẫn “coi như không” sau sự cố xài hàng Trung Quốc

(PLO) - “Tai nạn” xảy ra với hai máy biến áp AT1 và AT2 tại Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) khiến hàng loạt địa phương phía Bắc chịu trận. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn “khoe” với giới truyền thông là “đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn”.
Chiều qua – 5/6, Giám đốc Điện lực TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) Nguyễn Anh Thắng xác nhận, không riêng gì Lào Cai mà các tỉnh khác đều bị ảnh hưởng sự cố Trạm biến áp Hiệp Hòa. Theo đó, khi hai máy biến áp AT1 và AT2 của Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa hư hỏng và buộc phải tách ra khỏi hệ thống thì điện áp cung cấp cho tỉnh Lào Cai nói chung và toàn thành phố Lào Cai nói riêng lập tức sụt giảm. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 
Địa phương phải xin lỗi 
Trong khi đó, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương lĩnh hậu quả từ hiện tượng “xì dầu” của Trạm biến áp Hiệp Hòa. Một cán bộ có trách nhiệm của Điện lực Bắc Ninh (không muốn nêu tên) cho hay, ngoài việc gây mất điện trên diện rộng ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình và Sơn La, sự cố này còn làm dao động điện áp của lưới điện một số khu vực khác, trong đó có tỉnh Bắc Ninh. Đại diện EVN Bắc Ninh khẳng định, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, dự án nên lượng điện dù được ưu tiên nhưng vẫn không thể tránh khỏi “hệ lụy” từ nguồn cung phát ra ở Trạm biến áp Hiệp Hòa.
“Mặc dù vẫn cung cấp điện bình thường khi sự cố tại Trạm biến áp Hiệp Hòa chưa được khắc phục”, nhưng đại diện EVN Bắc Ninh cho biết “chất lượng điện áp trong thời gian tới đây ở một số thời điểm có thể sẽ không được ổn định do xảy ra hiện tượng dao động điện áp”.
Cũng theo EVN Bắc Ninh, đây là sự việc bất khả kháng và họ không thể có phương án nào thay thế khi rơi vào trường hợp nói trên. Buộc lòng ngành điện tỉnh này phải gửi thư xin lỗi đến các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ của đơn vị “nhà đèn”. 
Đồng thời, EVN Bắc Ninh cũng có văn bản đề nghị Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia - đơn vị quản lý vận hành lưới điện 500kV – “tích cực khắc phục sự cố để sớm cung cấp điện ổn định trở lại, tránh thiệt hại cho khách hàng sử dụng điện”.
Về phía Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), trước sự cố nói trên  cũng đã gửi văn bản khẩn đến các “nhà đèn” địa phương yêu cầu nhắn tin (SMS) gửi thông báo cho khách hàng biết tình hình sự cố lưới điện truyền tải 500kV gây nên việc mất điện và điện áp thấp; thông báo tình hình sự cố và điện áp thấp trên các phương tiện truyền thông ở Trung ương và các địa phương xảy ra sự cố để khách hàng biết và chia sẻ với ngành điện.
Đối với các khách hàng trọng điểm, EVNNPC yêu cầu các Công ty Điện lực tỉnh thông báo bằng văn bản, chỉ đạo các phòng giao dịch khách hàng, tổ trực vận hành trả lời đầy đủ, có trách nhiệm những ý kiến của khách hàng về tình hình cung cấp điện và điện áp thấp trên địa bàn trong thời gian qua. 
Tập đoàn “coi như không”?
Trạm biến áp Hiệp Hòa là trạm biến áp lớn nhất khu vực Đông Dương với tổng mức đầu tư trên 1.221 tỷ đồng, được ngành điện giới thiệu là hiện đại nhất về công nghệ tính đến thời điểm vận hành (cuối năm 2011). Thế nhưng, sau chưa đầy 2 năm sử dụng, cả hai máy biến áp đã hư hỏng khiến ngành điện phải cắt đột ngột hơn 1.000 MW. 
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin ở số báo ngày 4/6, nhiều chuyên gia trong ngành coi đây là “sự cố lịch sử” trong ngành điện và bày tỏ hết sức quan ngại. Nhưng điều ngạc nhiên là trong khi Điện lực các địa phương có lời xin lỗi khách hàng thì về phía mình, EVN vẫn “coi như không”.
Theo Thông cáo báo chí ra ngày 5/6 về tình hình hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh tháng 5/2014 của Tập đoàn này, họ vẫn “đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân”.
EVN thậm chí còn “khoe”: “Trong tháng 5/2014, mặc dù nắng nóng diễn ra trên khắp cả nước, EVN vẫn đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”(?!).
Cái tên Hiệp Hòa cũng được đề cập, nhưng trong một khí thế lạc quan, đó là kế hoạch hoàn thành đưa vào vận hành công trình đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa trong tháng 6 này; tuyệt nhiên không nói gì đến vụ “chết lâm sàng” đồng loạt cả hai máy biến áp “made in China”. 
Bình luận về điều này, một cán bộ lâu năm trong ngành nói rằng: “Có thể đối với lãnh đạo Tập đoàn, sự cố tại Trạm biến áp Hiệp Hòa là không đáng kể. Hơn 1.200 tỷ đồng tổng mức đầu tư trạm biến áp này có là gì nếu so với giá trị khối lượng thực hiện đầu tư của Tập đoàn. Riêng trong tháng 5 vừa qua, con số này là 9.700 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng năm 2014 ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt hơn 36.100 tỷ đồng”.
Dường như cơ quan quản lý cũng “chia sẻ” quan điểm này. Tiếp nhận giấy giới thiệu đến làm việc của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vào chiều qua, đại diện  Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nói rằng họ không có trách nhiệm trả lời các vụ việc cụ thể… 

Đọc thêm