Sau đám tang đến đám cưới
Đầu tháng 2 vừa qua, sau nhiều tuần lẩn trốn ở Nam Phi, được sự giúp đỡ của một cận vệ thân tín, bà Maesaiah Thabane - Đệ nhất phu nhân của Vương quốc bé nhỏ Lesotho - đã trở về Lesotho và đầu thú về tội giết người.
Ngay tối hôm đó, các công tố viên Lesotho đã truy tố bà này về tội giết vợ đầu của chồng mình, tức Thủ tướng Thomas Thabane - một trong những nhà lãnh đạo cao tuổi nhất châu Phi. “Bà ấy bị truy tố tội giết người cùng 8 người khác ở Lesotho và Nam Phi”, Phó Tư lệnh Cảnh sát Lesotho Paseka Mokete cho hay.
Trước đó, Maesaiah đã được triệu tập đến để thẩm vấn vào ngày 10/1 nhưng không ra trình diện và trốn tới Nam Phi. Bà đồng ý quay lại vương quốc sau các cuộc đàm phán giữa luật sư với các quan chức hành pháp nước này.
Theo giới chức Lesotho ở cực Nam châu Phi, bà Maesaiah (42 tuổi) là người đứng sau vụ sát hại bà Lipolelo (vợ cũ của Thủ tướng Thabane) chỉ 2 ngày trước khi ông này nhậm chức lần 2 hồi tháng 6/2017. Trái ngược với Đệ nhất phu nhân hiện tại, bà Lipoledo là một người phụ nữ trầm tính và ít nói, được xem là điển hình của một bà nội trợ truyền thống. Bà người vợ thứ 2 của Thủ tướng Lesotho.
“Bà ấy đã chăm sóc tất cả mọi người trong gia đình và cả dòng tộc của ông Thabane. Cũng chính bà ấy đã chấp nhận nuôi dưỡng cả 4 đứa con từ cuộc hôn nhân đầu tiên của thủ tướng, trong đó có 1 đứa trẻ bị tự kỷ. Bà ấy đã nuôi dạy tất cả chúng và cho chúng ăn học với điều kiện tốt nhất”, một người bạn của bà cho hay.
|
Thủ tướng Thabane cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ giết vợ cũ do Maesaiah là chủ mưu |
Thế nhưng, vị Thủ tướng không lấy đó làm cảm kích. Năm 2012, sau khi gặp bà Maesaiah - một người phụ nữ xuất thân từ nông thôn, ra thủ đô làm việc được vài năm, ông Thabane đã mê bà này như “điếu đổ” và quyết định ly thân với vợ. Dù chưa ly hôn với bà Lipolelo nhưng ông Thabane vẫn đưa người tình về sống cùng công khai như vợ chồng. Năm 2015, ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Thabane đã chỉ đạo cho các thuộc cấp cắt bỏ những đặc quyền đặc lợi Đệ nhất phu nhân của bà Lipoledo và chuyển các chế độ đó cho bà Maesaiah.
Không chấp nhận điều này, bà Lipoledo đệ đơn ra tòa đòi quyền lợi của mình. “Bà ấy đã chấp nhận rằng chồng mình có một người phụ nữ khác, nhưng ly hôn là điều không thể vì bà ấy không muốn mất đi những lợi ích khi làm Đệ nhất phu nhân”, người bạn của bà nói thêm. Tòa án Lesotho sau một xử kéo dài đã ra phán quyết khẳng định bà Lipolelo vẫn được coi là Đệ nhất phu nhân hợp pháp của đất nước chừng nào bà và Thủ tướng chưa chính thức ly hôn.
Điều này đồng nghĩa với việc bà Lipolelo vẫn được hưởng các lợi ích dành cho vợ của nguyên thủ quốc gia đến khi chính thức ly hôn. Một buổi tối giữa tháng 6/2017, bà Lipoledo (58 tuổi) đã bị phục kích và bị bắn nhiều phát đạn ở cự ly gần khi đang trên đường về nhà riêng tại thủ đô Maseru. Một người bạn đi cùng bà ngày hôm đó cũng đã bị tấn công nhưng may mắn giữ được mạng sống sau một thời gian dài điều trị những vết thương nặng khắp cơ thể.
Vụ giết người đã gây chấn động cả vương quốc
Lesotho nằm lọt giữa Nam Phi và có lịch sử lâu dài về bất ổn chính trị dù tổng số dân của họ chưa đến 2 triệu người. Thế nhưng, dư luận sau đó lại không nghe được nhiều thông tin về cuộc điều tra về vụ giết người này cũng như những nỗ lực của giới chức Lesotho nhằm truy bắt thủ phạm. Có thể nhận thấy rõ nhất là cái chết của cố Đệ nhất phu nhân đã mở đường cho bà Maesaiah có thể đường hoàng tiếm ngôi vị Đệ nhất phu nhân.
Chỉ hơn 2 tháng sau cái chết của người vợ hợp pháp, ông Thabane kết hôn với bà Maesaiah Thabane trong một đám cưới xa hoa, đông nghịt người được tổ chức tại Sân vận động Setsoto ở Maseru. Trong đám cưới, bà Maesaiah khiến nhiều người choáng váng khi để cho ngài Thủ tướng phải đứng chờ trong ánh nắng gay gắt của tháng 8 suốt 2 tiếng đồng hồ mới xuất hiện để hôn lễ được cử hành. Báo chí Lesotho khi đó đã viết rất nhiều về bộ váy màu kem và vàng lộng lẫy của cô dâu, về việc bà đến muộn trong đám cưới và cả đám rước dâu rầm rộ.
Bà Maesaiah kém Thủ tướng Lesotho gần 40 tuổi. Kể từ sau đám cưới gây xôn xao, bà chính thức tiếp quản vị trí Đệ nhất phu nhân. Trên thực tế, bà đã thổi luồng gió mới đầy sinh lực cho người chồng 80 tuổi của mình, khiến nhiều người dân trở nên ấn tượng với họ. Có điều, những điều gây tranh cãi liên quan đến bà dường như nhiều hơn so với những điểm tích cực đó. Bà khiến nhiều người khó chịu khi khoe khoang những bức hình sang chảnh hay những đoạn video clip ghi lại cảnh vợ chồng bà hát song ca, thể hiện tình tứ...
Nhiều vụ bê bối cũng đã nổi lên, ví như vụ bà đưa một người làm ra tòa vì cáo buộc đánh cắp tài sản của bà. Người đàn ông đó sau đó đã biến mất khỏi phòng giam và đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Hay như vụ việc sau một vụ tai nạn trên đường phố, bà Maesaiah đã đến thăm người lái xe nhưng lại gây gổ với họ hàng của người này. Ngoài ra, tân Đệ nhất phu nhân cũng được cho là thường xuyên gây ảnh hưởng không đáng có lên Chính phủ - cáo buộc mà chồng bà luôn bác bỏ.
Thông tin bất ngờ
Trở lại với vụ sát hại cựu Đệ nhất phu nhân, Thủ tướng Thabane ban đầu đã lên án vụ sát hại vợ ông, gọi đây là “một vụ giết người vô cớ”. Thế nhưng, sau đó, người ta ít được nghe những thông tin về cuộc điều tra về vụ sát hại cựu Đệ nhất phu nhân cũng như những nỗ lực hòng tìm ra kẻ sát nhân. Nghi phạm ban đầu được xác định là một người đàn ông có vũ trang nhưng chưa rõ danh tính. Tuy nhiên, giới chức Lesotho trong quá trình điều tra đã phát hiện nghi phạm có gọi điện cho ai đó ở hiện trường vụ án.
Các cáo buộc nhằm vào Đệ nhất phu nhân có lẽ sẽ không bao giờ được công bố nếu như không có việc Thủ tướng Thabane hồi năm ngoái buộc cảnh sát trưởng Lesotho Holomo Molibeli (người đang phụ trách cuộc điều tra) phải từ chức. Đối mặt với việc có thể bị sa thải, ông Molibeli đã tới tòa án và công bố lá thư chấn động mà ông ta đã viết cho Thủ tướng.
Trong lá thư, ông này khẳng định điện thoại của Thủ tướng đã được dùng để gọi cho một người có mặt tại hiện trường vụ sát hại bà Lipoledo tại thời điểm xảy ra vụ việc. Ông Molibeli đã đề nghị Thủ tướng giải thích ông đã nói chuyện với ai và về vấn đề gì. Cảnh sát trưởng Lesotho cũng tuyên bố với Thủ tướng rằng cơ quan điều tra đã đề nghị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) giúp đỡ.
Ông Thabane sau đó đã bị cảnh sát lấy lời khai nhưng không bị truy tố. Lá thư đã gây chấn động dư luận. Ông Molibeli giữ được chức nhưng ông Thabane đã phải chịu áp lực từ chức. Kết quả điều tra sau đó đưa đến việc Đệ nhất phu nhân bị xác định đứng sau vụ sát hại vợ cũ của chồng bằng cách thuê 8 sát thủ giết bà.
Thủ tướng Thabane cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ giết người. Ngày 21/2 vừa qua, ông này được triệu tập đến tòa nhưng vắng mặt và bỏ sang Nam Phi với lý do phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cùng ngày, ông tuyên bố sẽ từ chức vào cuối tháng 7 tới. Song, đến hôm 24/2, ông này bất ngờ xuất hiện tại tòa án. Tại tòa, luật sư của ông Thabane cho rằng ông phải được hưởng quyền miễn trừ truy tố vì ông là Thủ tướng. Hiện, vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.