Trước đó, ngày 1/7, sau khi nguyên nhân gây ra tình trạng thủy hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) được công bố, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh.
Thiệt hại 135 tỷ
Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng đề cương, kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất. Từ đó, hội đồng đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố, ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương, các lĩnh vực; tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương.
Theo đánh giá bước đầu, ước thiệt hại do tình trạng cá chết vì sự cố môi trường biển gây ra đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế khoảng 135 tỷ đồng. Số tàu thuyền bị ảnh hưởng là 2.939 chiếc với 6.212 hộ, 30.450 khẩu bị ảnh hưởng. Ngoài việc đánh bắt trên biển bị ngừng trệ, số lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại 1.240 lồng với sản lượng 136.608kg cá nuôi. Riêng về môi trường, thiệt hại về lâu dài cần có quá trình đánh giá của các nhà khoa học để có biện pháp khắc phục.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian tối đa 6 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ chủ tàu và hộ của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV, hộ làm nghề muối và hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp. Các DN, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5/5/2016 đến ngày 5/7/2016.
Hỗ trợ kịp thời, thống nhất
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận 800 tấn gạo từ Trung ương và 15,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát danh sách các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do thủy hải sản chết bất thường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức phân phối hỗ trợ gạo, tiền kịp thời đến 100% người dân đúng đối tượng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận nhiều nguồn ủng hộ, đóng góp từ Trung ương của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên điạ bàn tỉnh với tổng số tiền 8,551 tỷ đồng và 25 tấn gạo, tổ chức phân phối đến người dân kịp thời, đúng đối tượng. Công tác tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển dẫn đến thủy hải sản chết hàng loạt đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo tích cực, kịp thời, thống nhất, không để sót đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp trước mắt để kịp thời khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển như sau: Tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang; hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển xa và cá trong vùng đầm phá; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng một cách kịp thời để sớm giúp người dân ổn định cuộc sống.