Tìm lại Tết xưa

(PLO) - Khi những hạt mưa xuân chớm đậu trên những cánh đào phương Bắc, phương Nam mai đã nở vàng, đó là lời nhắc nhở của thiên nhiên về một thời khắc linh thiêng đang cận kề. Và mỗi con dân đất Việt dù ở đâu cũng đều hướng lòng về quê hương, bởi được đón Tết ở quê nhà dường như mùa xuân mới trọn vẹn.
Tìm lại Tết xưa
Dù đã lập gia đình và làm mẹ, nhưng không hiểu sao mỗi khi gần đến tết trong tôi lại ùa về những ký ức tuổi thơ, về những ngày xuân quê hương đầm ấm. 
Tôi không lý giải được, chỉ biết rằng lòng luôn nặng một nỗi u hoài khi nhìn mưa bụi giăng trên phố, khi thấy những cành đào phai bày bán bên đường, thấy những chậu cúc vàng rực trước hiên nhà ai hay những bông mai trắng rung rinh sương sớm bên hàng hoa đầu phố.
Ngày xưa ấy, cái Tết dường như rộn ràng và đầm ấm. Bắt đầu từ đầu tháng Chạp đã thấy mẹ gửi mua miến, giấm và bánh đa nem tận Hà Nội. Măng khô, mộc nhĩ, đậu xanh, hạt tiêu mẹ cũng đã cất dành. Em tôi cùng mấy đứa trẻ hàng xóm thì làm pháo. Những quả pháo cối to đùng được làm từ những quyển sách cũ mà mỗi khi nổ tôi thường rất sợ. 
Tháng Chạp trôi thật nhanh và luôn đọng lại trong tôi và những đứa trẻ thời ấy những háo hức, mong chờ. Bởi Tết đến có nghĩa là được nghỉ học, được vui chơi, được mặc quần áo mới, được mừng tuổi. Tôi và các em được mẹ sắm cho những bộ quần áo mới, nâng niu cất giữ để dành sáng mùng Một mới diện. 

Sát Tết công việc bận rộn hơn, tôi cùng mẹ chuẩn bị và dọn dẹp. Bố và em trai bao giờ cũng đi mua đào và quất. Những cành đào phai luôn là lựa chọn số một bởi mẹ tôi và cả nhà ai cũng thích những cành đào rừng ấy. Dường như cái mộc mạc, hoang dại của những cành đào phai ngày ấy chưa bị mờ phai theo năm tháng. 

Cành đào bố chọn bao giờ cũng đẹp nhất chợ, bởi bố tâm niệm cả năm chỉ có vài ngày tết, sau một năm làm việc vất vả phải hưởng cái thú chơi hoa. Hoa tươi cắm bàn thờ và trưng trong nhà, 2 chậu cúc vàng rực đặt trước hiên nhà cũng được chọn mua khá kỳ công.

Sáng 29, công việc bận rộn hơn rất nhiều: Nào rửa lá dong, thái thịt, thái hành, đãi đỗ, đãi gạo để chuẩn bị gói bánh. Mỗi chị em tôi bao giờ cũng được dành cho một chiếc bánh chưng cóc. Gói bánh xong là công cuộc bắc bếp nấu bánh chưng. 

Tôi nhớ có lần xung phong trông nồi bánh để bố mẹ nghỉ đỡ mệt. Để đỡ buồn ngủ, tôi rủ đứa bạn thân sang canh bếp cùng, vừa canh vừa đánh bài tam cúc. Được một lúc 2 đứa lăn ra ngủ để mặc nồi bánh tắt lửa và khi tỉnh dậy đã thấy bố cạnh bên gầy lửa cho nồi bánh tiếp tục sôi.

Bữa cơm tất niên 30 Tết cả nhà sum họp trong cái rét của chiều cuối  năm. Bố đã bày mâm ngũ quả, em trai chuẩn bị giàn đèn nhấp nháy mắc lên cành đào. Không khí ấm cúng và thoảng mùi hương trầm ngan ngát. Đêm 30 tôi cùng mẹ nấu xôi, luộc gà để cúng giao thừa. Bố và em đã giăng một dây pháo dài treo lên cành na trước sân để chuẩn bị cho thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. 

Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, em tôi châm lửa vào dây pháo. Tiếng nổ rộn ràng hòa cùng với tiếng pháo của các nhà xung quanh giòn giã. Bố mẹ quan niệm năm nào pháo nổ giòn là năm đó cả nhà gặp may mắn, làm ăn thuận lợi. Ba chị em tôi bao giờ cũng háo hức đợi dứt tiếng pháo là tranh nhau chạy ra sân tìm xem còn quả nào sót lại chưa nổ để cất dành mai đốt. 

Thỉnh thoảng trong màn đêm u tịch sau thời khắc giao thừa lại vang lên tiếng đì đẹt của những quả pháo tép do trẻ con nhà hàng xóm đốt.  Xác pháo hồng vương đầy sân vẫn làm tôi bồi hồi nhung nhớ đến tận bây giờ sau bao năm không được nghe tiếng pháo. 

Bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng hát của ca sĩ Hương Lan từ đài nhà hàng xóm mỗi sớm mùng Một: “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa. Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa. Em đứng chờ anh dưới song thưa. Anh đi qua đầu ngõ, hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa?...” 

Năm nay, sát Tết mà mưa bụi thấy ít giăng mắc hơn. Không khí tết dường như ngày càng xa vắng. Trên phố, dòng người hối hả ngược xuôi với những bộn bề và lo toan cuối năm. Mùa xuân đến mang thêm niềm vui trong ánh mắt ai cười, trên đôi má hồng của con trẻ nhưng cũng thêm nếp nhăn hằn trên trán bố. 

Xuân này là mùa thứ 10 chúng tôi vắng mẹ. Ở miền quê kia chắc hẳn bố buồn lắm, bởi cái tết như kéo dài thêm thời gian  vắng đi bàn tay lo toan của mẹ. Và tôi, mong sao xuân mới sẽ thắp lên niềm vui nhỏ trong mỗi gia đình, trong đó có niềm vui nơi mắt bố. 

Mùa xuân đến cũng là lúc tôi hoài niệm về những cái Tết quê xưa, cái tết đã rời xa tôi lâu lắm, tự bao giờ. Nhưng mùa xuân sẽ là hành trang luôn ở bên để tôi kể lại cho những đứa con của tôi về những cái Tết xưa đầy ấm cúng!

Đọc thêm