Tổ chức cán bộ ngành Tư pháp: Ngày càng lớn mạnh

Năm 2011, với chủ trương công tác tổ chức, cán bộ hướng mạnh về cơ sở, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngành Tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ tư pháp từ trung ương đến cơ sở ngày càng vững mạnh, khẳng định vị trí của ngành trong giai đoạn mới.

Năm 2011, với chủ trương công tác tổ chức, cán bộ hướng mạnh về cơ sở, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngành Tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ tư pháp từ trung ương đến cơ sở ngày càng vững mạnh, khẳng định vị trí của ngành trong giai đoạn mới.

Thành lập mới nhiều đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Dấu ấn quan trọng làm cơ sở  cho việc hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy và cán bộ của Bộ Tư pháp là Nghị định số 93/CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Đến nay, cơ cấu tổ chức của Bộ cũng đã được kiện toàn thêm một bước, trong đó 5 đơn vị mới được thành lập gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Bồi thường Nhà nước, các Trường Trung cấp Luật: Buôn Mê Thuột, Vị Thanh và Thái Nguyên, nâng tổng số lên 31 đơn vị thuộc Bộ. Bên cạnh đó, thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Cục THADS thuộc Bộ đã được nâng cấp thành Tổng cục THADS nhằm tập trung, thống nhất quản lý ngành thi hành án dân sự từ trung ương đến địa phương.

Năm 2011 Bộ Tư pháp đã thực hiện việc sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 93/CP trong toàn ngành để đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế cần khắc phục. Việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 93/CP cũng đã sớm được triển khai.

Cũng tại Bộ Tư pháp, cơ cấu tổ chức cấp phòng của các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được quan tâm, kiện toàn, trong đó 05 phòng được thành lập mới, nâng tổng số cấp Phòng lên 187 đơn vị. Bộ Tư pháp cũng đã chú trọng đổi mới phương thức, lề lối làm việc nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt, hiệu quả của bộ máy cơ quan Bộ.

Tư pháp địa phương tiếp tục được kiện toàn, củng cố

Đặc biệt, ở địa phương, theo Bộ Tư pháp, cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Để triển khai các nhiệm vụ mới như quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước các hoạt động bổ trợ tư pháp; lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước… các Sở Tư pháp đã kiện toàn bộ máy, thành lập riêng các phòng chuyên môn hoặc bố trí chuyên trách. Đến nay, Bộ Tư pháp cho biết 50/63 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất 07 phòng thuộc sở  đạt tỷ lệ 79%.

Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã đã không ngừng được củng cố, kiện toàn về cơ cấu tổ chức và cán bộ. 100% các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phòng Tư pháp là đơn vị thuộc cơ cấu cứng trong bộ máy của UBND cấp huyện.

Cùng đó, công tác luân chuyển, biệt phái, các chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng được quan tâm tăng cường, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm đời sống, yên tâm công tác.

 Mặc dù vậy, Bộ Tư pháp cũng đánh giá, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp, đặc biệt là đội ngũ công chức tư pháp ở cơ sở vẫn còn mỏng về số lượng và chất lượng chưa ngang tầm so với nhiệm vụ được giao nhất là khi ngành Tư pháp phải triển khai thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ mới. Tình hình cán bộ THADS vi phạm pháp luật tăng đột biến so với năm 2010. Do đó, tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong thời gian tới.

Tính đến hết 31/10/2011, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp là 1.525 người (tăng 296 người so với năm 2010) trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn khá cao.

PV Nội chính

Đọc thêm