Tôn vinh văn hóa dân tộc Thái từ Lễ hội Mường Ca Da

(PLVN) - Huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Mường Ca Da.
Nghi lễ rước kiệu từ chùa Ông Thiên Sơn Tự đến đền thờ Thượng tướng Thống lĩnh quân Khằm Ban. (Ảnh: Đỗ Lưu)

Lễ hội được tổ chức 5 năm/1 lần vào tháng 2 âm lịch nhằm tưởng niệm Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban - vị tướng tài gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và có nhiều công đức với triều đình nhà Lê từ thế kỷ XV.

Lễ hội tưởng nhớ danh tướng

Theo nhà nghiên cứu Hà Đồng, nhiều truyền thuyết cho rằng trước khi có Mường Ca Da, vùng đất Quan Hóa ngày nay đã có con người sinh sống yên vui, no ấm. Chuyện kể rằng có một tạo Mường sinh được hai người con gái xinh đẹp, nết na. Hoàng tử con Vua Nước xin cưới một nàng về làm vợ với lễ vật là đôi trâu sừng đồng và sừng sắt. Có đôi trâu quý, ông tạo trở nên giàu có, giàu tới mức ông phải hỏi thiên hạ xem có cách nào để mình nghèo đi. Trời bèn lấy lại Mường ấy và không còn tạo Mường nữa.

Một hôm, có một thi thể trôi từ mạn ngược mắc cạn vào bãi đất giữa sông Mã bị quạ sà xuống mổ. Không ngờ con quạ ấy vừa ăn cây thuốc hồi sinh trên ngọn núi thiêng ở Cửa Hà về, thuốc còn dính trên mỏ khiến người kia sống lại. Người đàn ông đó sinh sống trên vùng đất này, làm ăn giàu có, dựng lại một Mường lớn và làm tạo Mường.

Nhớ ơn con quạ đã cứu mình, ông tạo bèn đặt tên Mường là Mường Ca Da (quạ chữa thuốc). Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của người Thái ở miền núi Thanh Hóa. Bãi đất nơi con quạ cứu người đến nay vẫn còn, cũng được gọi là Ca Da.

Vị thủ lĩnh hiển hách nhất của Mường Ca Da mà sử sách ghi chép lại là tướng quân Khằm Ban - một vị tướng văn võ song toàn, lập nhiều chiến công lớn, được Vua Lê Thái Tổ sắc phong làm thượng tướng quân thống lĩnh toàn bộ vùng biên giới Tây Bắc từ Thanh Hóa - Nghệ An đến Lào Cai bây giờ.

Thượng tướng Lò Khằm Ban đã có công giúp Vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Ông cũng là người có công khai phá vùng đất Mường Ca Da của cộng đồng người Thái cổ (huyện Quan Hóa ngày nay). Lúc đó, ông ngược dòng sông Mã để tìm nơi đóng quân, nhưng đi nhiều vẫn chưa chọn được nơi ưng ý. Một đêm, đến ngã ba sông Mã hạ trại, ông mơ thấy rắn trắng quấn chặt người, cuồng phong vần vũ, cho là điềm lành bèn định cư tại nơi này.

Hiện nay, tại xã Hồi Xuân vẫn còn hai bản mang tên ông là bản Khằm, bản Ban và một tấm bia đá lớn ghi dấu công ơn của ông. Tưởng nhớ công ơn danh tướng, người dân Mường Ca Da đã lập đền thờ ông trên sườn đồi Pom Kéo thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa.

Mường Ca Da, ngày nay là một trong 4 mường lớn - đơn vị hành chính của cộng đồng người Thái cổ, với nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo. Mường Ca Da nằm trên địa bàn các xã Hồi Xuân, Xuân Phú, Phú Nghiêm, Thanh Xuân, Nam Xuân, thị trấn Quan Hóa của huyện Quan Hóa và một phần của xã Trung Xuân thuộc huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Lễ hội Mường Ca Da là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái huyện Quan Hóa. Lễ hội gồm phần lễ với điểm nhấn là lễ rước kiệu từ chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng lĩnh thống quân Khằm Ban, Lễ Xên Mường, Lễ Tay-Ắm-Oóc, Lễ Khun Mục Pục Tứn (lễ mộc dục)

Phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Huyền sử Mường Ca Da” tái hiện các tích xưa về sự hình thành mảnh đất Mường Ca Da; thân thế, sự nghiệp của Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban cũng như những phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Thái đất Mường Ca Da. Từ đó thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ đối với vị tướng có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, xây dựng Mường Ca Da trở nên phồn thịnh.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Lễ hội diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Việt - Lào giữa 2 huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và Viêng Xay (Hủa Phăn - Lào), thu hút đông đảo người dân và du khách.

Phát huy văn hóa đồng bào người Thái

Với những giá trị lịch sử, nhân văn và khoa học sâu sắc, năm 2019, Lễ hội Mường Ca Da được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 nên năm 2023, huyện Quan Hóa mới tổ chức đón nhận.

Trong những năm qua, địa phương đang nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào trên địa bàn, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Hiện nay, đền thờ tướng Lò Khằm Ban nằm trên sườn đồi Pom Kéo thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh của nhiều du khách khi đặt chân đến vùng cao Quan Hóa.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Mường Ca Da, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái huyện Quan Hóa nói riêng, cộng đồng người Thái trên địa bàn tỉnh nói chung và Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ và triển khai có hiệu quả việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mường Ca Da theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn nữa về giá trị của Lễ hội Mường Ca Da, của Di tích lịch sử Bia kí - nơi thờ Thượng tướng Thống lĩnh quân Khằm Ban để giới thiệu, quảng bá di sản đến đông đảo du khách trong và ngoài nước; giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống, các giá trị văn hóa tốt đẹp của Lễ hội Mường Ca Da, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết với con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.