“Tốt đời, đẹp đạo”, chung tay phòng chống AIDS

(PLO) - Trong bối cảnh các nhà tài trợ quốc tế đang cắt giảm và rút dần các dự án ra khỏi Việt Nam trong tương lai gần, những người dễ bị tổn thương nói chung, trong đó có những người sống chung với HIV và chịu ảnh hưởng HIV/AIDS rất cần sự chung tay giúp đỡ từ các tổ chức tôn giáo… 
Đại đức Thích Thanh Huân đang cầu siêu cho những người đã mất vì AIDS
Thực tế, ít ai biết rằng có một ngôi chùa ngay giữa Thủ đô đã thực hiện rất tốt sứ mệnh đó.
1. Trở lại thăm chùa Pháp Vân nằm bên đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội với rất nhiều hạng mục công trình còn đang thi công dở dang, không hiểu sao tôi có tâm trạng bồi hồi rất lạ. 
Cách đây hơn 10 năm, đoàn chúng tôi gồm chuyên gia của một số tổ chức phi chính phủ, nhóm những người sống chung với HIV và sư thầy Thích Thanh Huân đã có chuyến thực tế mô hình Phật giáo phòng chống AIDS tại Thái Lan. Đó là chùa Liên Phái, thành phố Chieng Mai, thuộc Dự án Shang – Ha – Me – Ta (Huy động Phật giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS). 
Ấn tượng nhất và cũng đáng nhớ nhất với chúng tôi trong chuyến tham quan thú vị ấy là sư thầy trụ trì chùa Liên Phái đã tặng mỗi người chúng tôi một ấn phẩm có dòng chữ. “HIV rất sợ một gia đình ấm cúng”.  Phải khẳng định rằng, đó là một mô hình tốt cần học tập và nhân rộng... 
Cũng vì lẽ đó, sau chuyến thực tế trở về, sư thầy Thích Thanh Huân đã áp dụng những kiến thức mà mình đã học hỏi, được chia sẻ bên nước bạn...
2. Cũng rất có duyên khi thời điểm năm 2003, nhóm “Vì Ngày Mai Tươi Sáng” (nhóm  tự lực của những người sống chung với HIV đầu tiên tại Việt Nam) ra đời nhưng vì không có địa điểm sinh hoạt nên đã nương nhờ tại chùa Pháp Vân. Sau này, nhóm đã dần lớn mạnh, có khả năng tự lực nên đã tách ra hoạt động độc lập. 
Tin tưởng vào lòng nhiệt thành và sự thành công của nhóm tự lực đặc biệt này, sư thầy Thích Thanh Huân đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Câu lạc bộ của những người sống chung với HIV, trong đó có cả những thành viên trong Ban điều hành (đã được thầy hỗ trợ  cai ma tuý tại chùa đến nay được 10 năm chưa tái phát lại). 
Câu lạc bộ lấy tên là “Hương Sen” - một loài hoa đặc trưng cho Phật giáo Việt Nam. Số thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ chỉ từ 25 – 30 người, nhưng thành viên tiếp cận được lên tới hơn 200 người và ngày càng mở rộng hơn.
Các hoạt động chính của Câu lạc bộ “Hương Sen” bao gồm: Cung cấp dịch vụ tại cộng đồng (tiếp cận, tư vấn, chuyển gửi người nhiễm HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở tư vấn và xét nghiệm tự nguyện (VCT), phòng khám ngoại trú (OPC)…). 
Bên cạnh đó, nhóm còn tham gia các hoạt động chăm sóc về tâm linh (hàng năm mỗi khi đến rằm tháng Bảy (Ngày xá tội vong nhân) tổ chức cầu siêu cho những vong hồn mất do AIDS; tham gia các lớp phật pháp, ngồi thiền…). 
Cùng với đó là rất nhiều hoạt động tạo việc làm và sinh kế như: Sư thầy kết nối với chủ lao động xin việc cho các thành viên đi làm bảo vệ, làm may, phục vụ nhà hàng… 
Với uy tín và đạo đức của một nhà tu hành và sự tôn nghiêm của một ngôi chùa có tiếng linh thiêng ở Thủ đô, mặc dù chủ lao động biết họ là những người có HIV nhưng vẫn nhận vào làm việc. 
3.  Sư thầy Thích Thanh Huân chia sẻ, trước kia những người dân quanh đây cũng xì xào, bàn tán, dị nghị vì họ cho rằng trong nhóm có nhiều người đã từng nghiện chích ma tuý, sợ ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Nhưng sau một thời gian, thấy không có vấn đề gì xảy ra, mặt khác họ cũng được nghe các thành viên giải thích, họ không có ý kiến gì thậm chí rất ủng hộ hoạt động của nhóm… 
“Nhờ thầy Thích Thanh Huân và các phật tử ở đây chúng em mới có được ngày hôm nay. Ân nghĩa này không bao giờ chúng em trả hết được. Theo em, đây là một mô hình rất ý nghĩa, rất nhân văn, thiết thực… Mong sao Việt Nam sẽ có thật nhiều mô hình như thế” - anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng ban điều hành  CLB xúc động  cho biết.
Khi hỏi về sự bền vững của mô hình này, anh Thắng và sư thầy Thích Thanh Huân đều cho rằng: “Chắc chắn là bền vững, vì 10 năm rồi không có nguồn tài trợ nào nhưng Câu lạc bộ vẫn hoạt động”. 
Để minh chứng cho lời khẳng định của mình, anh Thắng dẫn tôi đến xem nơi đặt hòm công đức và cũng là Quỹ dự phòng mua thuốc điều trị HIV cho các bệnh nhân khó khăn. 
Anh cho biết, đây là sáng kiến của sư thầy, phòng khi  các nguồn tài trợ cho thuốc điều trị ARV rút đi sẽ có kinh phí dự phòng để mua bảo hiểm y tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Còn một phần kinh phí khác thì để hỗ trợ chi phí tàu xe, đi lại cho những người ở tỉnh xa không có điều kiện lên Hà Nội khám bệnh. 
Nói rồi Trưởng ban điều hành Câu lạc bộ “Hương Sen” dẫn tôi xuống dưới tầng hầm và chỉ cho tôi nơi đặt nhà vong của nhóm (nếu bạn nào qua đời, không có người thân nhà chùa cho gửi ở đây). Còn một góc dành cho các bạn ở tỉnh xa lên Hà Nội khám, chữa bệnh không có chỗ nghỉ nhà chùa sẽ cho nương nhờ. 
4. “Tôn giáo, trong đó có Phật giáo phải là những tổ chức tiên phong trong việc hỗ trợ người nhiễm, đặc biệt là giải toả vấn đề giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những nhóm đích có liên quan đến HIV. Và thực tế hoạt động của mô hình này cho thấy những hiệu quả rất rõ ràng” - sư thầy trụ trì chùa Pháp Vân khẳng định. 
Theo tôi được biết, trong Huế cũng có một ngôi chùa với những hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nhiễm tương tự như Pháp Vân, nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Dù to, dù nhỏ, nhiều hay ít, quan trọng là tấm lòng họ có rộng lớn không. 
Rất tiếc, những mô hình Phật giáo tham gia phòng, chống AIDS như vậy vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế sắp tới sẽ không còn nữa.

Đọc thêm