TP.Hồ Chí Minh cam kết đủ hàng cho tết Nhâm Thìn

 Hôm qua - 12/8, UBND TP. HCM đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương về chương trình bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và chương tình trữ hàng cho mùa Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới.

Hôm qua - 12/8, UBND TP. HCM đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương về chương trình bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và chương tình trữ hàng cho mùa Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2011, TP. HCM thực hiện 4 chương tình bình ổn giá hàng hóa, gồm 9 mặt hàng,  với tổng kinh phí 437, 22 tỷ đồng. Trong đó có hai chương trình không nhận vốn là sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, người già và mặt hàng thuốc tân dược. Hiện hàng bình ổn chiếm 20-30% thị phần trên thị trường TP.HCM, với 37 doanh nghiệp (DN) tham gia bán hàng.

 “Qua 4 tháng thực hiện,  với lượng hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, chương trình đã hạn chế, kiểm soát được yếu tố đầu cơ, tăng giá đột biến, không để phát sinh điểm nóng thiếu hàng sốt giá, góp phần bình ổn thị trường” - bà Hồng khẳng định.

Siêu thị Saigon CoopMarrt  Lý Thường Kiệt (quận 5) hiện kinh doanh 30.000 mặt hàng, trong đó có 6 mặt hàng bán giá bình ổn. Đại diện siêu thị này cho biết, các mặt hàng bình ổn như cặp, sách, dụng cụ học sinh vào mùa này mãi lực tăng 30-40%, riêng các mặt hàng bình ổn còn lại sức mua cũng tăng hơn 20-30%.  

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho biết, tính đến nay đã có 3.773 điểm bán hàng bình ổn và hơn 200 cửa hàng tiện ích. Ngoài các diểm bán hàng cố định, chương trình còn thực hiện 199 chuyến hàng lưu động tại các vùng sâu vùng xa. Theo bà Đào, ngành công thương thành phố đang thực hiện kế hoạch xây dựng mỗi quận huyện một trung tâm cung ứng hàng bình ổn, bên cạnh mở rộng kênh phân phối hàng bình ổn tại các khu thương mại, chợ truyền thống. 

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, chương trình bán hàng bình ổn của TP. HCM có sức hút đối với người tiêu dùng và ngày càng được mở rộng là do đã chọn được các DN đủ tiềm lực kinh tế, uy tín trên thương trường tham gia. Nhưng để chương trình hàng bình ổn có sức lan tỏa rộng hơn, thành phố nên mở rộng, mời gọi thêm nhiều thành phần kinh tế cùng  thực hiện để tạo cho thị trường hàng hóa đa dạng để phục vụ rộng hơn nhu cầu của người dân.   

Để bình ổn giá cả từ nay đến cuối năm và trữ hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công Thương TP.HCM cho biết các DN tham gia bán hàng bình ổn đã lập xong kế hoạch, theo đó vốn dùng để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết lên đến 1.226 tỷ đồng, có những mặt hàng mức dự trữ tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái. Cụ thể các DN đã dự trữ trữ 7.500 tấn; 5.600 tấn đường; 900 tấn dầu ăn; thịt gia súc 4.500 tấn…

Tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường đang biến động mạnh, trong đó nhiều mặt hàng thiết yếu giá tăng phi mã, liệu từ nay cho đến hết năm giá cả có bình yên? -  Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: giá có thể còn cao nhưng sẽ không xẩy ra biến động. Về mặt hàng thịt heo, các DN đã có kế hoạch chăn nuôi và dự trữ nguồn hàng cho thị trường từ nay cho đến cuối năm khá dồi dào. Riêng thịt heo ở miền Bắc giá đang cao, sắp tới có thể điều tiết bằng cách đưa thịt heo từ miền Nam ra Bắc để điều tiết thị trường.

Để ổn định thị trường giá cả, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ của các DN tham gia bình ổn là quan trọng nhất, nhưng bên cạnh đó, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại cũng cần phải được thực thi quyết liệt và xử lý triệt để hơn. Nếu DN đổ công sức ra bán hàng bình ổn mà hàng kém chất lượng vẫn bày bán công khai thì cũng không thể cạnh tranh được.

Mị Na

Đọc thêm