Trăm năm gìn giữ làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa

(PLVN) - Đã trường tồn gần 1 thế kỷ, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) dù chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế thị trường nhưng vẫn ngày đêm giữ bếp lò luôn đỏ lửa. Giờ đây, người làm nghề nơi đây rất vui mừng khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kỳ công người giữ lửa nghề

Theo lời kể của người dân địa phương, làng nghề tàu hủ ky được bắt đầu vào khoảng năm 1912, ông Châu Xường (người Hoa) cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoạnh và Châu Sầm đến vùng đất Mỹ Hòa ngày nay sinh sống. Ông Xường lập nghiệp bằng nghề làm tàu hủ ky gia truyền, nhưng chỉ truyền trong dòng họ. Mãi đến thời 2 anh em Châu Khoạnh - Châu Sầm thì làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa được hình thành.

“Ban đầu, nghề này chỉ được truyền trong dòng họ nhưng sau đó bà con trong vùng cảm thấy yêu thích món ăn này nên đến xin được truyền nghề. Lâu dần, số người làm tàu hủ ky tăng lên rồi hình thành nên một làng nghề khá đông đúc. Cũng từ đó làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa càng được nhiều người biết đến và ngày một phát triển” ông Nguyễn Văn Công, cháu nội ông Châu Sầm kể lại.

Ông Nguyễn Văn Công (cháu nội ông Châu Sầm) hàng ngày vẫn tiếp tục công việc truyền thống của gia đình.

Theo chia sẻ của ông Công, để làm ra được tàu hủ ky có vị thơm ngon, giòn rụm, đòi hỏi hỏi những người thợ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, và sự kiên trì. Bởi không phải ai cũng chịu được môi trường làm việc nóng ẩm từ các lò đốt, hơi nước từ chảo đậu nành sôi bừng bừng. Và trong suốt quá trình nấu, người thợ phải canh lò xuyên suốt vì độ nóng của lò chỉ được duy trì khoảng nhất định thì mới hình thành tàu hủ ky.

“Một mẻ nấu trung bình kéo dài từ 25 – 26 tiếng mới hoàn thành. Bắt đầu từ khâu chọn hạt đậu nành rồi đem ngâm, sau đó cho vào cối xay. Nước cốt đậu nành được cho vào chảo đun liên tục bằng củi và than. Thời gian này người thợ phải ngồi canh để hớt hết lớp bọt phía trên. Đợi đến khi lò giảm dần độ nóng lúc đó mới xuất hiện lớp váng rồi vớt lên mới có tàu hủ ky. Một quá trình như thế đầy mồ hôi và công sức” ông Công nói.

Các bếp lò nghi ngút khói, hoạt động hết công suất.

Nguyên liệu cho ra món Tàu hủ ky cũng khá đơn giản, đó là từ đậu nành 100% và không dùng bất kỳ chất phụ gia nào. Nhưng qua bàn tay khéo léo và sự cần cù của những người thợ nơi đây, tàu hủ ky đã khoác lên mình một hình thái, mang trong mình hương vị đặc trưng mà những địa phương khác khó có được. Theo đó, các sản phẩm tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa luôn có độ thơm, béo đặc trưng và độ tươi, mới của sản phẩm. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên sự khác biệt của tàu hũ ky truyền thống Mỹ Hòa.

Trải qua thời gian dài, quy trình chế biến cũng như công cụ sản xuất tàu hũ ky gần như không có sự thay đổi quá nhiều, và nếu có thì đó cũng chỉ là những công đoạn phụ không ảnh hưởng đến sản phẩm. “miếng tàu hủ ky ngày xưa như thế nào, thì bây giờ vẫn vậy. Hương vị và chất lượng không hề thay đổi” bà Lê Thị Tuyết Anh (chủ cơ sở sản xuất tàu hủ ky tại xã Mỹ Hòa) khẳng định.

Theo chia sẻ các chủ cơ sở, đậu nành là nguyên liệu chính cho ra sản phẩm và không có bất cứ phụ gia nào.

Cũng theo bà Tuyết Anh, do ngày nay đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, từ đó yêu cầu về món ăn cũng đã khắt khe hơn trước. Nên một số công đoạn trong quy trình sản xuất được các cơ sở thay thế bằng máy móc để bảo quản và giữ cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng lâu hơn và hợp vệ sinh. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất chỉ thay thế trong công đoạn dùng máy móc để tách vỏ đậu, đóng gói bao bì. Còn lại các công đoạn chính trong quá trình sản xuất đều phải qua bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người thợ.

Vinh danh làng nghề trăm năm tuổi

Ban đầu, nhắc đến tàu hũ ky có lẽ nhiều người thường nghĩ là một nguyên liệu phổ biến cho món ăn chay. Tuy nhiên, ngày nay tàu hũ ky không chỉ dành riêng cho người ăn chay, mà đó còn là nguyên liệu được sáng tạo và chế biến thành nhiều món ăn từ chay đến mặn. Điều này đã làm cho tàu hũ ky trở thành một thành phần quan trọng, đóng góp vào sự đa dạng và hấp dẫn suốt bề dày lịch sử ẩm thực Việt Nam.

Ông Đinh Công Hoàng bên Quyết định công nhận nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với quá trình phát triển lâu đời, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định qua nhiều nhiều thế hệ. Tháng 04/2023 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”. Quyết định này như một sự tôn vinh những công lao của người dân đã dày công gìn giữ và phát triển món ăn đặc sắc này.

Những miếng tàu hũ ky vừa mới ra lò.

Ông Đinh Công Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky xã Mỹ Hòa cho biết đây là niềm vinh dự, tự hào của những người làm nghề nơi đây. Việc được công nhận nhận nhằm tôn vinh một giá trị văn hóa truyền thống lâu đời mà những người làm nghề đã dày công gắn bó và xây dựng. Qua đây, làng nghề sẽ được nhiều người biết đến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường…

Hiện tại, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa còn khoảng gần 40 hộ vẫn giữ lửa nghề, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi ngày nơi đây sản xuất khoảng 3 tấn tàu hũ ky gồm nhiều loại: tàu hũ ky miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, tàu hũ non, tàu hũ ky ướp muối... được nhiều khách hàng tại ĐBSCL và nhiều khu vực trong cả nước ưa chuộng.

Tàu hủ ky không chỉ là món ăn ngon mà còn chứa đựng giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề Mỹ Hòa.

Qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa đã trải qua nhiều bước thăng trầm, làng nghề vẫn phát triển mạnh mẽ, hòa cùng nhịp sống hiện đại. Cùng với những chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề của địa phương trong thời gian tới. Tin rằng, trong tương lai làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa sẽ ngày càng phát triển và trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân và kinh tế địa phương.