Tranh cãi về bộ phim giành giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2006

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đối với rất nhiều nhà phê bình và người yêu điện ảnh, “Crash” là bộ phim tệ nhất từng đoạt danh hiệu “Phim xuất sắc nhất” trong lịch sử gần 80 năm của giải Oscar tính đến thời điểm năm 2006.
Poster bộ phim Crash.
Poster bộ phim Crash.

Dù được chọn ra bởi Hội đồng giám khảo của giải Oscar danh giá nhưng không ít bộ phim đoạt danh hiệu Phim xuất sắc nhất vẫn gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí khiến khán giả bất bình, trong đó có phim “Crash”.

Đối với rất nhiều nhà phê bình và người yêu điện ảnh, “Crash” là bộ phim tệ nhất từng đoạt danh hiệu “Phim xuất sắc nhất” trong lịch sử gần 80 năm của giải Oscar tính đến thời điểm năm 2006.

Bộ phim khó tóm tắt nội dung

Crash (tựa tiếng Việt: Đổ vỡ) là bộ phim của những việc nhỏ, những nhân vật nhỏ nhưng lại được đề cập đến một vấn đề vô cùng lớn - nạn phân biệt chủng tộc. Với sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng Sandra Bullock, Brendan Fraser, Ryan Phillippe, Thandie Newton và Matt Dillon, đạo diễn Paul Haggis sử dụng ngôn ngữ điện ảnh khắc họa hậu quả khôn lường từ những xung đột trong cuộc sống thường nhật.

Những nhân vật trong phim rất đời thường, cặp vợ chồng nghị sĩ da trắng, cặp vợ chồng đạo diễn da đen, hai viên cảnh sát da trắng, hai gã lưu manh da đen, gia đình bán tạp hoá người Ba Tư, gia đình anh thợ sửa khoá da đen, gã buôn người dân châu Á... Các nhân vật, màu da cứ đan chồng lên nhau trong một diễn biến phim phức tạp. Những câu chuyện nhỏ cứ lồng vào nhau, dẫn đến một kết cục có bi thảm.

Tommy - anh chàng cảnh sát rất ghét sự phân biệt chủng tộc, cuối cùng đã rút súng bắn một thanh niên da đen vui tính vì thanh niên này muốn lấy tượng thánh Rock trong túi áo của mình. Hay như cảnh sát Ryan tức giận vì cô tiếp tân bệnh viện người da đen đã nhục mạ vợ một người da đen khác trước mặt chính người chồng.

Oái oăm thay, chính anh cũng là người bất chấp hiểm nguy, lao vào chiếc xe sắp nổ để cứu người phụ nữ ấy. Gã da đen ăn cắp xe, luôn mang trong đầu một thị kiến chủng tộc lớn, lại là anh hùng khi giải cứu hàng chục người châu Á nhập cư trái phép thoát khỏi cảnh buôn người...

Mỗi hành động của nhân vật trong phim đều sản sinh ra một hệ quả tiếp nối dài theo nó, tác động rất lớn lên đời sống của một lượng lớn người xung quanh. Mỹ là một nước đa chủng tộc nên bất cứ hành động bình thường nào của mỗi con người đều có khả năng bị hiểu thành một hành động vì màu da của mình. Kẻ tưởng hung tợn lại rất mực thương con, một vụ mưu sát trở thành một hành động cứu vớt con người, một hành động tôn vinh lại là một mưu đồ đê tiện... khiến “Crash” là một bộ phim rất khó tóm tắt nội dung.

Trong cuộc sống mà hành động của mỗi người không thể kiểm soát nổi là tốt hay xấu thì “Crash” - những tiếng đổ vỡ có thể vang lên bất cứ lúc nào. Quan trọng là những người hàn gắn nó. Cô bé da đen 5 tuổi đã lao ra đỡ đạn cho cha mình vì tin rằng cha đã tặng cho cô một chiếc áo choàng vô hình có khả năng chống đạn.

Một cảnh trong phim Crash.

Một cảnh trong phim Crash.

Một ông già Ba Tư tin cô bé ấy là thiên thần chỉ vì cô bé không chết dưới họng súng của mình, nhưng ông đâu ngờ con gái ông đã tráo đạn giả vào súng, bằng tấm thảm bay do cô bé da đen tặng giúp ông vững tin hơn trong cuộc sống của nước Mỹ rộng lớn. Cô bé ấy là thiên thần từ 1001 đêm trở về. Như tiếng yêu và giọt nước mắt nghẹn ngào của người vợ bị làm nhục và người chồng tuyệt vọng trong đêm tuyết rơi giữa tiếng hát vút cao thánh ca là một cảnh tuyệt đẹp.

Như cô vợ đỏng đảnh của ngài nghị sĩ đã yêu thương người giúp việc châu Á của mình biết bao khi chỉ mình bà đưa cô vào bệnh viện trong đêm tuyết ấy. Như những người châu Á bị bắt cóc hân hoan trước những đốm tuyết tự do trên phố Los Angeles, trong nụ cười mãn nguyện của gã tội phạm da đen lần đầu thấy mình có ích..

Nhận về nhiều bình luận chỉ trích

Giải Oscar lần thứ 78 năm 2006 đem đến nhiều sự thất vọng, trong đó có giải Oscar Phim hay nhất thuộc về “Crash”. Phim này cũng được liệt kê vào danh sách những phim đạt giải Oscar gây tranh cãi nhất trong gần 2 thập kỷ sau mùa Oscar năm 2006.

Một phim khác cũng được đề cử giải thưởng năm đó là “Brokeback Moutain” được coi là một kiệt tác điện ảnh và cũng thành công hơn rất nhiều về cả mặt thương mại, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả với câu chuyện tình yêu đồng tình đầy bi kịch của hai chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ.

Trong khi đó, “Crash” dường như đã lép vế hơn khi đánh giá về sự tối giản hóa quá mức trong quan niệm chính trị của nạn phân biệt chủng tộc. Kèm theo đó là những ý kiến về sự an toàn, chưa thật sự đột phá trong khâu kịch bản so với đối thủ nặng ký trên bảng vàng đề cử Oscar lần thứ 78.

Cuộc đăng quang ngoạn mục, đầy bất ngờ của “Crash” gây tranh cãi cho những người quan tâm đến nghệ thuật thứ 7. Bởi lẽ, “Crash” là phim đầu tiên dành giải Phim hay nhất kể từ khi phim “Rocky” giành giải này 29 năm trước mà chỉ chiến thắng 3 giải và cũng là bộ phim đầu tiên dành giải Phim hay nhất kể từ phim “Chariots of Fire” (giành giải năm 1982) mà không chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất hay bất cứ giải thưởng nào cho diễn viên.

Và lần đầu tiên sau 49 năm, 6 giải quan trọng nhất bao gồm giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và các giải xuất sắc cho diễn viên thuộc về 6 phim khác nhau. Điều này cũng tương tự xảy ra tại Giải Oscar lần thứ 85 về sau. Lần đầu tiên sau 58 năm, giải Oscar 2006 đã không có phim nào giành được nhiều hơn 3 giải thưởng, khi “King Kong” và “Hồi ức của một geisha” là hai phim giành được 3 giải thưởng mà không có đề cử cho giải Phim hay nhất.

“Crash” cũng trở thành 1 trong 2 bộ phim duy nhất từ trước đến nay (phim còn lại là “The Sting”) giành được giải Oscar cho Phim hay nhất mà không được đề cử cho bất kỳ giải Quả cầu vàng nào cho Phim điện ảnh hay nhất (Phim truyền hình hay nhất, Phim hài / ca nhạc hay nhất và Phim nước ngoài hay nhất).

“Crash” đã nhận về nhiều bình luận chỉ trích. Nhà phê bình văn hóa Ta-Nehisi Coates đã chỉ trích bộ phim là nông cạn và “thiếu suy nghĩ”, ví “Crash” là “bộ phim tệ nhất trong thập kỷ”. Nhà phê bình Kenneth Turan cho rằng “Crash” được hưởng lợi từ sự khó chịu chống đồng tính giữa các thành viên Viện Hàn lâm. Tạp chí Film Comment đã xếp “Crash” đứng đầu trong danh sách “Người chiến thắng tệ nhất của giải Oscar Phim hay nhất”, tiếp theo là “Slumdog Millionaire” ở vị trí thứ 2 và Chicago ở vị trí thứ 3.

Tương tự, một cuộc khảo sát năm 2014 về các nhà phê bình phim của “The Atlantic” đã xác định chiến thắng của bộ phim là một trong những sai lầm rõ ràng nhất của giải thưởng Viện Hàn lâm. Năm 2015, The Hollywood Reporter đã thăm dò ý kiến của hàng trăm thành viên Học viện, yêu cầu họ bỏ phiếu lại các quyết định gây tranh cãi trong quá khứ. Riêng đối với giải Phim hay nhất năm 2006, “Brokeback Mountain” đã đánh bại “Crash” và các đề cử khác.

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng một trong những lý do nhận được sự đồng thuận là bởi “Crash” đã qua mặt “Brokeback Mountain” vào thời điểm Tổng thống George W. Bush vừa tái đắc cử một phần nhờ vào những chiến dịch kêu gọi phản đối đám cưới đồng tính. Các chuyên gia nhận định rằng, phần lớn thành viên của Viện Hàn lâm đều khá cao tuổi và là người da trắng nên họ có xu hướng bảo thủ trên cả phương diện chính trị và nhận định nghệ thuật.

Vì vậy, việc chọn “Crash” thay vì “Brokeback Mountain” là một lựa chọn an toàn không thể hoàn hảo hơn. Trang What Culture cho rằng, việc trao giải cho “Crash” cho thấy các giám khảo của Oscar khi đó vẫn chưa sẵn sàng để cho một bộ phim về đồng tính được nhận giải thưởng danh giá nhất.

Đọc thêm