Tranh chấp đất ngoài sổ đỏ

(PLO) - Khi chuyển nhượng, hai bên chỉ căn cứ vào diện tích đất ghi trên sổ đỏ mà không đo đạc, cắm mốc. Rắc rối xảy ra khi diện tích đất trên giấy chênh lệch với diện tích đất thực tế, sau khi hai bên đã thực hiện xong hợp đồng chuyển nhượng từ nhiều năm nay... 

Tranh chấp đất ngoài sổ đỏ
Không đo đạc, gặp rắc rối
Trước đây, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được thực hiện đại trà cho hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất. Lúc bấy giờ chưa có máy móc, thiết bị đo đạc mà chủ yếu đo đạc bằng thủ công kéo dây hoặc dựa vào Sơ đồ 14 để cấp sổ đỏ. Thế nên, nhiều trường hợp diện tích đất thực tế chênh lệch với diện tích trên sổ đỏ. 
Năm 1995, ông Xuyên (ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) được cấp  thửa 3.200m2 đất lúa, cách nhà cũng khá xa. Qua gần chục năm gắn bó với mảnh đất, đi lại có phần tốn kém, thời gian thăm đồng không được thường xuyên nên năng suất mùa vụ không cao, vất vả, tuổi mỗi ngày một lớn, vợ chồng ông bàn nhau chuyển nhượng số đất này, mua mảnh khác gần nhà để dễ bề chăm sóc.
Sau đó, diện tích đất được bán cho ông Sung với giá 4 cây vàng 24k thông qua giấy viết tay với nội dung: ông Xuyên bán cho ông Sung diện tích 3.200m2 đất bằng 4 cây vàng 24k. Dưới sự chứng kiến của ông Trưởng ấp, ông Xuyên giao sổ đỏ cho ông Sung, dẫn ông Sung ra thực địa khoát tay chỉ thửa đất mà chẳng ai đề cập đến việc phải đo đạc cụ thể. Ông Sung giao vàng cho ông Xuyên, coi như việc mua bán hoàn tất.
 Sự thể chỉ rắc rối khi năm 2005, ông Sung làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho mình, cơ quan tài nguyên - môi trường tiến hành đo đạc lại thì diện tích thực tế là 4.121m2, chứ không phải 3.200m2 như đã ghi trong sổ đỏ. Nghe được tin này, ông Xuyên sang nhà ông Sung yêu cầu trả thêm tiền giá trị của 921m2 đất dư ra theo giá thị trường hiện hành, nhưng ông Sung từ chối. Cái lý  ông Sung đưa ra là ông Xuyên đã bán hết thửa đất cho mình, không cần đo đạc nên “lời ăn, lỗ chịu”. Đáp lại, ông Xuyên cho rằng chỉ bán 3.200m2 và nhận vàng của diện tích 3.200m2 này, còn 921m2 đất dư ra không nằm trong hợp đồng bán đất cho ông Sung?
Rắc rối trên, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho rằng: Hợp đồng giữa ông Xuyên và ông Sung chỉ thỏa thuận giao dịch 3.200m2 đất, theo đó ông Xuyên chỉ chuyển nhượng cho ông Sung 3200m2 đất và ông Sung chỉ trả vàng cho ông Xuyên trên giá trị 3200m2 đất, nên 921m2 đất dư ra không nằm trong đối tượng của hợp đồng. Vì vậy, ông Xuyên vẫn có quyền sử dụng đối với diện tích 921m2 đất. 
Việc tranh chấp 921m2 đất, hai bên có thể thương lượng, nếu không tự thương lượng được thì có quyền nhờ tổ hòa giải của ấp hòa giải tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng 921m2 đất. Nếu hòa giải ở tổ không thành, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án để giải quyết mà không nhất thiết phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp, bởi đây là trường hợp tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất chứ không phải là tranh chấp về đất. 
Do không thể xác định được diện tích đất thừa 921m2 nằm ở vị trí nào, mặt khác 921m2 cũng chưa đủ diện tích được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh Kiên Giang (đối với đất trồng lúa nước, diện tích tối thiểu được tách thửa là 1000m2) nên ông Xuyên chỉ có thể đòi ông Sung trả giá trị của số đất dư ra 921m2 theo giá thời điểm hiện tại mà không thể đòi lại số đất dư 921m2 được (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự).
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm