Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Trường hợp nào đưa Văn phòng Công chứng tham gia tố tụng?

(PLVN) -  ÔngĐinh Văn Nên (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hỏi: Vợ chồng tôi và ông Hải ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng được công chứng tại Văn phòng Công chứng H.H. Nay tôi có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên thì Văn phòng Công chứng H.H có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?

- Luật gia Trần Mộng Bình cho biết: Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Như vậy, để được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự thì việc giải quyết vụ án dân sự phải có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Theo quy định tại điểm d và điểm g khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 thì công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình. Đồng thời Điều 38 Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 quy định:

“1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, không phải trong trường hợp nào Toà án cũng đưa Văn phòng Công chứng vào tham gia tố tụng mà tùy từng trường hợp mà Tòa án xem xét có đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông và ông Hải có liên quan đến nghĩa vụ giải thích của công chứng viên theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng sửa đổi năm 2018, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng của tổ chức hành nghề công chứng thì Tòa án xem xét đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ra, nếu việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Văn phòng Công chứng H.H thì dù vợ chồng ông và ông Hải không có đề nghị thì Toà án vẫn phải đưa Văn phòng Công chứng H.H vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đọc thêm