Khi du khách là các… “yêu râu xanh”
Hiện nay, khi đi du lịch tại các vùng cao, miền núi phía Bắc hay vùng du lịch Nam Bộ, khách du lịch dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều trẻ em bán hàng tại các cửa hàng lưu niệm, trong chợ du lịch, thậm chí ở ngay ven đường. “Đội quân nhí” này thường có độ tuổi từ 7 đến 13, gồm cả bé trai và bé gái, trong đó, có nhiều trẻ bị gia đình buộc phải đi bán hàng lưu niệm trên các vùng du lịch để kiếm tiền.
Khi bán hàng, câu kéo khách, nhiều đứa trẻ không ngần ngại bắt chuyện, chủ động giao lưu, tiếp xúc với khách du lịch, vui vẻ chụp ảnh nhằm gây ấn tượng để bán được hàng lưu niệm. Có những cô gái vừa đến tuổi trưởng thành, thông minh, sáng dạ sẽ học được chút ít ngoại ngữ, có cơ hội làm quen, gặp gỡ và có hy vọng đổi đời.
Điển hình như tại Mộc Châu, nhiều bé gái - đặc biệt là các bé gái mặc trang phục dân tộc - rất được du khách chú ý. Gia đình các bé khi nhận thấy điều này đã đào tạo các bé để trở thành người bán hàng.
Tuy nhiên, lực lượng bán hàng lưu niệm này cũng chính là đối tượng khiến cho những kẻ bệnh hoạn khi đi du lịch chú ý đến. Bởi sự tiếp xúc quá dễ dàng nên những đứa trẻ này có nguy cơ bị quấy rối bởi chính khách du lịch. Chỉ cần dụ dỗ bằng việc cho tiền, cho kẹo hay chụp ảnh, các đối tượng có ý đồ xấu sẽ dễ dàng đạt được mong muốn, có những hành vi như sờ mó hay sàm sỡ đối với trẻ.
Ví dụ, trong khảo sát của Dự án Tuổi thơ về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch, có một người tham gia đã viết rằng, ông đã tiếp xúc với những đứa trẻ tại khu du lịch bằng cách cho trẻ em “kẹo, chụp ảnh các em và cho các em xem các bức ảnh đó trên máy ảnh LCD của tôi”.
Một thực tế đáng lo ngại rằng hiện nay, tuy đối phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng nhưng nhiều trẻ em tại các vùng du lịch này lại không hề nhận thức được điều đó. Thậm chí, những đứa trẻ này và gia đình còn cho rằng phải tiếp xúc nhiều hơn với khách mới có thể bán được hàng. Tại địa điểm du lịch, nhiều người còn tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến việc những đứa trẻ bán hàng tại đây đi theo người lạ mặt, cho đó là việc rất bình thường.
Một nữ du khách người Úc khi đi du lịch tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã nhìn thấy hai đứa trẻ tại một quán cà phê với những người đàn ông. Những người đàn ông này đã nói với tôi rằng hai đứa trẻ đó là con của bạn gái họ. Những đứa trẻ này rõ ràng rất không vui và khi đó, tôi đã không tin câu chuyện này”.
Lao động trẻ em trong du lịch, có nên không?
Bà Noriko Shibata, Chuyên gia UNODC về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự cho rằng sự thiếu hiểu biết của người dân về quyền trẻ em và đói nghèo là 2 trong nhiều nguyên nhân sâu xa khiến trẻ em tại các vùng du lịch dễ trở thành con mồi cho kẻ bệnh hoạn.
Trên thực tế, do có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều trẻ buộc phải làm những công việc này để trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em làm việc ở khu du lịch không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn tình dục, chưa hiểu rõ các mối nguy khi tiếp xúc với nhiều đối tượng khách du lịch, không có sự đề phòng với người lạ. Vì vậy, dù trở thành “con mồi” của những kẻ bệnh hoạn khi đi du lịch nhưng những trẻ em bán hàng lưu niệm, trẻ ăn xin tại vùng du lịch vẫn rất mơ hồ về sự an toàn của bản thân.
Dẫn chứng cho điều này, một chuyên gia của Dự án Tuổi thơ cho hay: “Bé gái 14 tuổi bán kẹo cao su ở quận 5, TP Hồ Chí Minh tâm sự với tôi: Có lần, một ông khách Tây nhờ cháu mang thức ăn về khách sạn cho người bạn với thù lao 100.000 đồng. Cháu vừa mang đồ lên phòng, người kia liền đóng sập cửa và giở trò sàm sỡ”.
Việc trẻ em bán hàng lưu niệm, tham gia vào các hoạt động tại vùng du lịch không được đảm bảo an toàn sẽ dẫn đến những mối nguy hại hơn, đẩy các em trở thành nạn nhân của du lịch tình dục. Trong 5 năm từ 2015 đến 2019, tổng số nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam là 6.432 trẻ.
Tại nhiều địa phương nổi tiếng về du lịch, hằng năm đón một lượng lớn khách tham quan trải nghiệm các dịch vụ du lịch, lại là những nơi có tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục cao. Điển hình, Cần Thơ được xem là một trong những “thủ phủ” du lịch sông nước, du lịch miệt vườn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lại là tỉnh có tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục lên tới 90%.
Đông Nam Á và Việt Nam cũng là một trong những điểm nóng của xâm hại tình dục trẻ em tại các điểm du lịch. Trong năm 2019, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với các đặc vụ điều tra An ninh nội địa đã bắt giữ một kẻ có tên Christopher Edwin Day, 49 tuổi, quốc tịch Mỹ vì cáo buộc kẻ này du lịch với ý định tham gia vào hoạt động tình dục trái phép và dụ dỗ trẻ vị thành niên tham gia vào hoạt động tình dục khi đi du lịch tại Việt Nam và một số quốc gia khác.
Du lịch bên cạnh những thành tựu mang lại cho kinh tế - xã hội nói chung thì mặt trái của ngành này cũng biểu hiện rất rõ ràng, nguy hiểm và tinh vi hơn. Không chỉ dừng lại ở các vấn đề môi trường, lai tạp văn hóa, nặng nề hơn đó là vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và hệ lụy đến thế hệ tương lai khi trẻ phải đối diện với các vấn đề tâm lý và sức khỏe như nguy cơ mắc HIV, sức khỏe sinh sản khi bị xâm hại tình dục.
Kiên quyết trong chính sách bảo vệ trẻ em
Việc huấn luyện, đào tạo trẻ em trở thành những người bán hàng tại các điểm du lịch không chỉ làm mất tuổi thơ, cơ hội đi học của trẻ mà còn vô tình khiến trẻ trở thành đối tượng cho những kẻ bệnh hoạn khi đi du lịch. Trẻ em bị không chỉ bị bóc lột sức lao động mà còn phải tiếp xúc cơ thể với nhiều người, nhiều đối tượng, không đảm bảo được sự an toàn cho bản thân. Hơn thế, trẻ còn có thể đối diện với những vấn đề tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần sau này.
Mặt khác, việc buông lỏng trong quản lý trẻ em bán hàng tại các điểm du lịch, khu du lịch dẫn đến sự cố, rủi ro cũng tạo nên ấn tượng xấu đối với khách du lịch. Nhiều người chia sẻ rằng, khi họ đi du lịch và chứng kiến cảnh tượng trẻ em bị quấy rối tại vùng đó, họ sẽ không lựa chọn trở lại đây lần thứ hai.
Bởi vậy, trong vấn đề này, quyền trẻ em cần được tôn trọng và thực thi hiệu quả nhất. Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng bắt buộc phải thắt chặt hơn trong chính sách bảo vệ trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành.
Bà Yoshimi Nishino, Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị UNICEF nhấn mạnh: “UNICEF mong muốn Việt Nam coi trọng khu vực tư nhân tham gia trợ giúp pháp lý cũng như nâng cao trách nhiệm trong hoạt động du lịch để trợ giúp và bảo vệ trẻ em tốt hơn. Tất cả các hoạt động du lịch phải tôn trọng và bảo vệ trẻ em”.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa chính phủ các nước trong thực hiện chính sách quản lý hoạt động du lịch quốc tế và khách quốc tế cũng cần chặt chẽ hơn, nhằm không bỏ lọt tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch.
Về phía các tổ chức, trong giai đoạn năm 2011 – 2014, chương trình Dự án Tuổi thơ với mục đích bảo vệ trẻ em trong hoạt động du lịch tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã tạo được nhiều dấu ấn và thành tựu trong việc tiếp cận và tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho trẻ về vấn nạn xâm hại tình dục ở vùng du lịch. Đến nay, những kết quả hoạt động cũng như tài liệu tập huấn được ban tổ chức dự án chia sẻ công khai, là cơ sở để các tổ chức nghiên cứu trong hoạt động tuyên truyền, bảo vệ trẻ em.
Trẻ em cần được sống và học tập trong môi trường lành mạnh, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phòng vệ. Hệ thống pháp luật, chính sách về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cũng cần hoàn thiện, thực hiện kiên quyết và không buông lỏng cho hành vi phạm tội, biến trẻ em trở thành nạn nhân đáng thương của nạn xâm hại tình dục tại vùng du lịch.