Trẻ em di cư (Bài 4): Lớp học đặc biệt cho trẻ em tị nạn ở biên giới Mexico - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua những lớp học thiện nguyện được mở trên xe bus, trẻ em tị nạn ở khu vực biên giới Mexico - Mỹ có cơ hội tiếp tục theo đuổi đam mê học tập của mình.

Hiện tại, có hàng triệu trẻ em đang phải di cư tới các quốc gia khác nhau bởi nhiều lý do như xung đột sắc tộc, chiến tranh, đói nghèo, biến đổi khí hậu... Trên hành trình tìm miền đất hứa, nhiều trẻ em đã bị xâm hại những quyền cơ bản của con người. Việc bảo vệ quyền của trẻ em tị nạn và di cư vẫn là một thách thức liên tục và là một cam kết lâu dài từ nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới.

Viết tiếp giấc mơ

Chỉ cách vài dặm từ biên giới Mỹ, tại thành phố Tijuana của Mexico, một chương trình giáo dục thiện nguyện đang được thực hiện dành riêng cho trẻ di cư với mục đích giúp các em không bỏ lỡ việc học của mình.

Những lớp học được tổ chức trên một chiếc xe bus đã mang tới cơ hội học tập cho trẻ em tại khu nhà ở dành cho những người di cư từ Trung Mỹ. Chương trình do tổ chức Yes We Can World đã được triển khai từ giữa tháng 7/2019, với hàng trăm trẻ em đã được tham gia.

Với các em, giáo dục là giấc mơ xa vời trong nhiều tháng kể từ khi theo cha mẹ rời bỏ quê hương di cư lên phía bắc mang theo mong muốn đổi đời. Hầu hết các em đều cùng gia đình trốn chạy khỏi bạo lực và nghèo đói ở quê hương và phải lánh tạm tại các nhà tạm trú trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng để chờ được phép tị nạn ở Mỹ.

Các trẻ tị nạn tham gia lớp học của Yes We Can World chủ yếu đến từ Honduras, El Salvador, Guatemala và các bang Guerrero, Michoacan của Mexico.

Trong bối cảnh đó, Yes We Can World đã mở các lớp học song ngữ chuyên biệt miễn phí cho những trẻ em chưa biết chữ và đang phải vật lộn với các kỹ năng xã hội. Chiếc xe bus có sức chứa khoảng 80 trẻ em.

Một giờ học của các trẻ em tị nạn trên xe bus.

Một giờ học của các trẻ em tị nạn trên xe bus.

Giám đốc đồng thời là người sáng lập Yes We Can World - cô Estefania Rebellon cho biết, đối tượng tham gia lớp học thuộc mọi tầng lớp và mọi quốc gia. Chương trình sẽ tặng cho mỗi học sinh một chiếc ba lô, đồ dùng học tập, áo phông và một đôi giày.

Đội ngũ giảng dạy của lớp học là những người đã có kinh nghiệm dạy học cho trẻ tị nạn ở Mỹ Latinh. Đối với nhiều trẻ em tham gia lớp học, đây là đầu tiên chúng được biết tới tiếng Anh và bà Rebellon cho biết họ đang nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều giáo viên có thể nói tiếng bản địa.

“Rất nhiều trẻ em đã buộc phải dừng việc học để đi làm phụ giúp cho gia đình hoặc theo bố mẹ đi tị nạn, nên đây là lần đầu tiên chúng được tham gia học tập một cách trọn vẹn”, cô Rebellon cho biết thêm.

Trẻ em tị nạn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, phần lớn đều đang trong tình trạng bất ổn bởi sự hỗn loạn trong tình cảm về việc mất nhà cửa, phải lang thang cũng như chưa thể nhận thức đầy đủ và sẵn sàng cho những gì mình sẽ phải trải qua. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ và được học hành, những đứa trẻ này sẽ mất cơ hội phát triển.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trẻ em tại các quốc gia đang xảy ra xung đột thường đối mặt với nguy cơ phải nghỉ học cao hơn gấp đôi so với những trẻ ở các quốc gia khác.

Các bậc phụ huynh chia sẻ họ đã nhận thấy những thay đổi tích cực ở con cái của mình kể từ khi bắt đầu tham gia lớp học của Yes We Can World. Ngoài việc được học những kỹ năng đọc, viết, vẽ cũng như các môn khoa học, trẻ em còn được hỗ trợ về mặt cảm xúc để có thể vượt qua những thách thức trong cuộc sống.

Một người mẹ nói với cô Rebellon rằng, đây là lần đầu tiên cô cảm thấy an toàn khi gửi con đến một ngôi trường nơi cô không phải lo lắng về những vụ bắt cóc hay một vụ nổ súng.

Lớp học đã giúp các trẻ em tị nạn viết tiếp giấc mơ theo đuổi những con chữ.

Lớp học đã giúp các trẻ em tị nạn viết tiếp giấc mơ theo đuổi những con chữ.

Chia sẻ lý do thành lập Yes We Can World, cô Rebellon cho biết bản thân mình cũng là một trẻ di cư. Bà từ Colombia đến Mỹ tị nạn khi mới 10 tuổi do đó hoàn toàn thấu hiểu được tình cảnh hiện tại của những đứa trẻ này. Chính điều này đã thôi thúc và truyền cảm hứng cho cô để mở lớp học trên.

Rebellon cho biết nhiều bậc phụ huynh cho biết giáo viên tại những nơi họ từng sinh sống không dám tới trường vì sợ bị bắt cóc hoặc sát hại. Nhiều đứa trẻ đã phải bỏ dở việc học trong hàng tháng trời.

Rebellon mong muốn mở rộng lớp học tới nhiều thành phố tập trung đông người di cư khác. “Chúng tôi có thể dạy học trên xe buýt, trong nhà, trên thuyền, điều quan trọng là những điều chúng tôi dạy cho lũ trẻ”, Rebellon nói.

Nỗ lực giải quyết vấn nạn trẻ em di cư

Vào cuối tháng 10/2021, Viện Di trú Quốc gia Mexico (INM) thông báo sẽ cấp thị thực nhân đạo cho trẻ em và phụ nữ có thai trong đoàn người di cư đang di chuyển từ miền Nam lên miền Bắc nước này.

Theo TTXVN, thị thực trên sẽ có thời hạn trong 1 năm, qua đó cho phép người di cư tiếp cận các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và tìm kiếm việc làm tại Mexico. Nhóm người dễ bị tổn thương trong đoàn di cư, trong đó có trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ được hỗ trợ cấp thị thực, sau khi những người này đi bộ hàng chục km dưới nhiệt độ 40 độ C.

Còn tại Mỹ, chính quyền ông Joe Biden đã không cho phép các nhà báo đến thăm, nhưng một số nhà lập pháp đã đến thăm các địa điểm này. Tuy vậy, vào tháng 3/2021, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Henry Cuellar đã cung cấp những bức ảnh này tiết lộ điều kiện sống của hàng chục trẻ em và người lớn trong một cơ sở ở Donna (Texas). Khi số lượng trẻ em di cư không có người đi kèm vượt qua biên giới Mỹ - Mexico tiếp tục tăng, hàng trăm trẻ em đã bị giữ trong các cơ sở Tuần tra Biên giới Mỹ.

Hàng nghìn trẻ em phải nằm trên các tấm đệm mỏng trải dưới sàn và đắp tấm giữ nhiệt màu bạc. Các em được đeo khẩu trang để ngăn Covid-19 lây lan nhưng phải ở theo từng nhóm chen chúc trong các “buồng” làm bằng vách ngăn nhựa.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã không thể đưa ra mốc thời gian về thời điểm trẻ em ở biên giới sẽ được nuôi dưỡng trong những điều kiện nhân đạo hơn, chỉ nói rằng sẽ “càng sớm càng tốt”.

Bên ngoài lớp học đặc biệt.

Bên ngoài lớp học đặc biệt.

Ông Mayorkas nói rằng chính quyền ông Biden đang “làm việc suốt ngày đêm để di chuyển những đứa trẻ đó ra khỏi các cơ sở Tuần tra Biên giới để được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh chăm sóc và giám hộ”.

Vào đầu tháng 2/2021, Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thông báo mở một cơ sở đặc biệt ở Donna. Cơ sở này khác với các trạm Tuần tra Biên giới thông thường và cung cấp các khu vực để ăn và ngủ. Tuy nhiên, số lượng người nhập cư ngày càng tăng đã lấn át nguồn lực của chính quyền, dẫn đến tình trạng đông đúc. Thời gian trung bình bị giam giữ đối với trẻ em không có người đi kèm tiếp tục dao động trong khoảng 130 giờ, vượt quá giới hạn pháp luật 72 giờ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng đã nói với các phóng viên rằng các bức ảnh “cho thấy những gì chúng tôi đã nói từ lâu, đó là các cơ sở Tuần tra Biên giới này không phải là nơi dành cho trẻ em”.

Tổng thống Biden đã trục xuất hàng nghìn người trưởng thành và gia đình nhập cư, song từ chối làm vậy với trẻ em không đi cùng cha mẹ. Ông Biden đang tìm cách thúc đẩy đoàn tụ những gia đình nhập cư bị ly tán.

“Những hình ảnh này cho thấy dù ngay khi chúng tôi lẫn chính quyền Biden có ý định tốt nhất, điều này vẫn hết sức khó khăn… Nhà Trắng cần phối hợp nhiều hơn với Mexico và Trung Mỹ để ngăn người dân rời quê hương”, Thư ký Nhà trắng cho hay.

Đọc thêm