Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc khác nhau như thế nào?

(PLVN) - Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc khác nhau như thế nào? Cơ quan nào chi trả cho người lao động các loại trợ cấp này? Thủ tục đề nghị hưởng? 

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Đây là thắc mắc của bạn Nguyễn Văn Tiến (Hà Đông, Hà Nội) gửi đến cơ quan BHXH. Theo đó, để người lao động phân biệt 2 loại trợ cấp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:

Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm quy định: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.   

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 Luật Việc làm: Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (là cơ quan giải quyết trợ cấp thất nghiệp) chuyển sang.

Còn Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp mà đơn vị sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động vì đã có thời gian đóng góp của người lao động khi khi làm việc tại đơn vị được quy định tại Điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2012.

Trường hợp bạn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc thì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn, cụ thể theo Khoản 5 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo Khoản 3 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

Về hồ sơ, thủ tục: 

Đối với hưởng trợ cấp thôi việc: Theo quy định pháp luật hiện hành thì người lao động không phải nộp hồ sơ gì để được hưởng trợ cấp thôi việc.

Đối với hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động nộp hồ sơ cho Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, cụ thể:

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Quyết định thôi việc;

c) Quyết định sa thải;

d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

3. Sổ bảo hiểm xã hội.

Đọc thêm