Trò lừa đảo lớn nhất Thung lũng Silicon

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau hơn 4 tháng xét xử, bồi thẩm đoàn Mỹ hôm 3/1 đã buộc 4 tội danh đối với “hiện tượng” Elizabeth Holmes (người sáng lập và là Giám đốc điều hành công ty Theranos) liên quan âm mưu lừa đảo để lôi kéo các nhà đầu tư tham gia công ty khởi nghiệp chuyên về xét nghiệm máu.
Elizabeth Holmes xuất hiện cùng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2015.
Elizabeth Holmes xuất hiện cùng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2015.

Nữ tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới

Năm 2014, Công ty khởi nghiệp chuyên về xét nghiệm máu Theranos và Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch quản trị công ty là Elizabeth Holmes (SN 1984) đang nổi như cồn trên thế giới. Tại thời điểm đó, Holmes là người được ca ngợi là một thiên tài, là nữ tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới và Theranos là một trong những công ty khởi nghiệp xuất sắc ở Thung lũng Silicon, có giá trị ước tính lên đến 9 tỉ USD. Holmes cũng tự ví mình như phiên bản nữ của Steve Jobs - người đồng sáng lập hãng Apple danh tiếng.

Sự thành công của Holmes và công ty của cô ta xuất phát từ sáng chế một công nghệ thử máu mới được công bố là “thử máu không dùng kim” (còn được gọi là xét nghiệm Edison). Theo lời quảng cáo của Holmes, với chỉ một vài giọt máu, xét nghiệm Edison của công ty của cô ta có thể phát hiện các bệnh như ung thư và tiểu đường một cách nhanh chóng mà không cần đến kim tiêm.

Với ý tưởng được cho là đột phá này, Holmes nổi như cồn. Cô ta từng xuất hiện trên trang nhất các tạp chí kinh tế nổi tiếng như Fortune, Forbes, Bloomberg Businessweek; từng trò chuyện trên truyền hình cùng với cựu Tổng thống Bill Clinton và tỉ phú Trung Quốc Jack Ma. Năm 2015, tạp chí Times vinh danh Holmes là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất với tài sản năm 2014 ước tính lên đến 3,6 tỉ USD.

Vốn hóa của Theranos trên thị trường chứng khoán lúc bấy giờ lên đến 9 tỉ USD. Hàng loạt những nhân vật tiếng tăm, từ Henry Kissinger đến Tướng James Mattis – người về sauu trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump – đều bị thu hút và trở thành thành viên trong hội đồng quản trị của công ty. Bộ trưởng tài chính Mỹ George Schultz, tỉ phú truyền thông Rupert Murdoch và gia đình giàu nhất nước Mỹ Walton đều lên tiếng ủng hộ Holmes.

Chân dung Elizabeth Holmes.

Chân dung Elizabeth Holmes.

Lật tẩy

Tuy nhiên, đến năm 2015, những nghi ngờ về thiết bị xét nghiệm của Theranos bắt đầu nổi lên. Từ tháng 8/2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bắt đầu điều tra Công ty Theranos. 2 tháng sau đó, tờ Wall Street Journal công bố loạt bài điều tra, cho rằng kết quả của xét nghiệm Edison là không đáng tin cậy và Theranos đã sử dụng các máy xét nghiệm thương mại do các nhà sản xuất khác sản xuất cho hầu hết các xét nghiệm của mình.

Vài tháng sau, đến lượt Bộ Y tế Mỹ đưa ra cảnh báo nghi ngờ về xét nghiệm Edison. Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã vào cuộc. Đến tháng 7/2016, Holmes bị cấm hành nghề trong lĩnh vực xét nghiệm y khoa trong 2 năm.

Kết quả điều tra của giới chức Mỹ được công bố vào giữa tháng 3/2018 khẳng định, Công ty Theranos và Elizabeth Holmes cùng cựu Chủ tịch Ramesh Balwani đã kêu gọi góp vốn hơn 700 triệu USD của các nhà đầu tư dựa trên trò lừa đảo quy mô lớn, có tổ chức và kéo dài nhiều năm. Theo đó, Theranos thực ra chỉ thực hiện công nghệ “thử máu không dùng kim” với một số rất ít mẫu xét nghiệm, còn đa số các mẫu còn lại được họ sử dụng máy của các công ty khác để tiến hành.

Kết quả điều tra còn khẳng định Theranos đã phóng đại hoặc nói dối các nhà đầu tư về công nghệ, hoạt động và tình hình tài chính công ty. Ví dụ, Holmes khẳng định sản phẩm của Theranos đã được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng ở Afghanistan và doanh số năm 2014 đạt 100 triệu USD nhưng trên thực tế, Bộ Quốc phòng Mỹ chưa từng sử dụng sản phẩm của Theranos và doanh số thực tế của công ty chỉ đạt... 100.000 USD.

Để tránh việc bị SEC đề nghị truy tố, Holmes đã ký thỏa thuận với cơ quan này, theo đó chấp nhận đóng nửa triệu USD tiền phạt, chuyển nhượng một phần vốn công ty, từ bỏ phần lớn quyền kiểm soát công ty, không lãnh đạo các doanh nghiệp có đăng ký trên thị trường chứng khoán trong 10 năm và công ty sẽ hoàn trả 19 triệu cổ phần cho các cổ đông.

“Nhắm mắt đưa chân” vì áp lực phải thành công?

Câu chuyện khởi nghiệp của Holmes từng được nhiều người lúc bấy giờ xem như một tấm gương “tuổi trẻ tài cao”. Mặc dù là chủ đề của một cuốn sách, bộ phim tài liệu của HBO và một số bộ phim khác nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ tại sao Holmes lại tham gia “canh bạc” công nghệ mà cô biết là không hiệu quả.

Nhà phát minh kiêm doanh nhân Richard Fuisz (81 tuổi) cho biết, Holmes chịu áp lực rất lớn của việc phải thành công. Sinh ra trong một gia đình danh giá và giàu có ở thủ đô Washington của Mỹ, cụ của cô ta là người đã lập ra công ty Fleischmann’s Yeast, công ty đã thay đổi ngành công nghiệp bánh mì của Mỹ.

Theo ông Fuisz, gia đình Holmes rất ý thức về dòng dõi của họ. Cha mẹ Holmes đều làm việc cho các cơ quan chính phủ Mỹ. Những người hàng xóm nhận xét rằng “họ rất quan tâm đến địa vị” và “sống vì các mối quan hệ”. Ngay từ khi còn nhỏ, Holmes đã tỏ ra cực kỳ năng động. Trong một bức thư gửi cho cha vào năm 9 tuổi, Holmes đã nói rằng: “Điều con thực sự mong muốn trong đời là khám phá điều gì đó mới mẻ, điều mà nhân loại không biết phải làm thế nào”.

Năm 2002, Holmes vào học tại khoa Hóa của Đại học Stanford. Ngay trong năm nhất đại học, Holmes đã nhận được học bổng trị giá 3.000 USD và đi thực tập tại một viện nghiên cứu gen ở Singapore nhờ biết tiếng Hoa. Dù vậy nhưng theo nhận xét của một số người, Holmes dường như tự tin thái quá về những ý tưởng của mình.

Ví dụ, ngay sau khi vào trường, cô ta đã nảy ra ý tưởng về một miếng dán có thể quét qua một người và phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn, đồng thời đưa kháng sinh vào cơ thể người bệnh khi cần thiết. Giáo sư Phyillis Gardner, một chuyên gia về dược học lâm sàng tại Stanford, đã thảo luận về ý tưởng miếng dán da của Holmes và nói rằng nó sẽ không hiệu quả. “Tuy nhiên, cô bé không để tâm đến lời tôi. Cô bé dường như cực kỳ tự tin về sự sáng chói của mình, đến mức không quan tâm đến chuyên môn của tôi”, vị Giáo sư kể lại.

Năm 2003, Holmes đăng ký bằng sáng chế cho thiết bị theo dõi và định lượng thuốc cài trong điện thoại di động do mình phát minh ra. Đây cũng là năm bước ngoặt trong cuộc đời người phụ nữ này, bởi cũng trong năm 2003, ở tuổi 19, Holmes quyết định bỏ học, thành lập Công ty khởi nghiệp Theranos và hợp tác với chuỗi nhà thuốc Walgreens để thực hiện thử máu ngay tại nhà thuốc.

Chỉ trong ít năm sau đó, với cách thử máu từng được xem là mang tính cách mạng trong chẩn đoán bệnh từ một vết chích ngón tay đơn giản, Theranos đã vụt sáng, vươn lên đứng đầu tại Thung lũng Silicon, khiến nhiều công ty khởi nghiệp khác phải thèm thuồng, còn Holmes được ca ngợi như một thiên tài. Kể từ đó, Holmes trượt dài trong sai lầm, cho đến khi không thể quay đầu.

Tại phiên tòa vừa diễn ra, Holmes bị kết tội lừa đảo và âm mưu lừa đảo 3 nhà đầu tư khác. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015, Holmes đã lừa các nhà đầu tư bằng công nghệ mà cô ta giới thiệu, đồng thời khiến bệnh nhân hiểu lầm về độ chính xác của các xét nghiệm. Khung hình phạt cho mỗi tội danh này lên đến 20 năm, đồng nghĩa với việc Holmes có thể lĩnh án tới 80 năm tù giam.

Bồi thẩm đoàn đã tuyên bố Holmes không có tội về 4 tội danh khác và không đưa ra phán quyết đối với 3 tội danh nữa. Cô ta không nhận tội với tất cả các tội danh này và dự kiến sẽ kháng án sau khi bản án được tuyên trong thời gian tới.

Đọc thêm