Nghìn lẻ thủ đoạn trộm
Đến bất cứ dãy nhà trọ nào trên địa bàn TP.HCM cũng nghe kể về tình trạng bị mất trộm, nhất là những dãy phòng riêng biệt xây dựng kiểu dã chiến, cửa sơ sài dành cho người ở trọ khiến trộm vì vậy càng dễ dàng ra tay.
Trời gần về sáng, sinh viên Trần Minh Thanh, Trường Đại học Luật TP.HCM, ở trọ quận 4 đang lơ mơ ngủ thì thấy một bóng đen đu người qua cánh cổng sắt nhà trọ cao gần 3m. Nghe tiếng rột roạt, Thanh đột nhiên giật mình, nhưng vẫn còn trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, cho đến khi nhìn thấy cái bóng đen vụt chạy dọc theo hành lang, lúc đó Thanh bừng tỉnh hẳn, lật đật mở cửa chạy theo định bắt tên trộm, nhưng tên trộm đã liều lĩnh nhún người phi nhanh qua cổng sắt. Chiếc điện thoại và ví tiền Thanh để cạnh cửa sổ đã “không cánh mà bay”.
Có tên trộm sau khi “chôm” xong điện thoại còn cẩn thận lấy dây chì cột luôn cánh cửa lại, phòng khi người mất của giật mình tỉnh giấc đuổi theo như trường hợp của chú Nguyễn Văn Bé ở nhà trọ số 15, đường số 5, khu phố 5, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức.
Em Nguyễn Hoài Thương, con trai chú Bé kể: “Bữa đó, dượng con lại chơi, uống bia xong, ba với dượng ngủ dưới đất, để điện thoại trên bụng đắp mền nằm nghe nhạc. Nửa đêm con dậy vẫn còn thấy điện thoại. Ba con cũng dậy mấy lần mà điện thoại vẫn còn. Sáng ra thì thấy cái mền bị hất tung, điện thoại bị lấy mất, mở cửa cũng không được”.
Những dãy nhà trọ sinh viên khu vực quận 9 cũng bất ổn không kém. Em Lê Thị Ngọc Mai, sinh viên Trường Cao đẳng Tài chính hải quan bị câu mất chiếc điện thoại cảm ứng lúc đang nằm ngủ dưới đất, để điện thoại ngay bên cạnh. Cửa sổ phòng Mai dán kín giấy báo, tên trộm đã dùng dao lam rạch một lỗ to, lấy cây sào phơi đồ của dãy nhà trọ kế bên rồi lấy keo hai mặt dán ở đầu cây sào thò vào cửa sổ câu mất điện thoại của Mai. Sáng ra, thấy cây sào bị vứt bên hiên nhà, vết keo vẫn còn dính trên đầu sào.
Trộm không chỉ hoành hành về đêm mà còn táo tợn ra tay ngay ban ngày. Thủ đoạn của chúng thường là giả danh nhân viên bán hàng, tiếp thị để đi vào các khu dân cư đông đúc giới thiệu sản phẩm. Chị Trần Thị Phượng, trọ ở quận 2 đã bị hai thanh niên ăn mặc lịch sự lừa. Chúng tự xưng là đi khảo sát khách hàng dùng các loại kem đánh răng, rồi bảo chị vào lấy loại đang sử dụng cho chúng coi. Thừa lúc chị vào lấy, một tên chắn ngang, tên kia nhanh tay lấy điện thoại, còn khuyến mãi cho chị hộp kem PS nhỏ.
Trước khi thực hiện hành vi, bọn trộm thường đi trước để “tiền trạm”, nếu thấy khu nhà trọ vắng vẻ, yên tĩnh là hành động ngay. Khi bị phát hiện, chúng phản ứng rất nhanh như làm ra vẻ đang kiếm người quen, tìm chỗ trọ, giả bộ gọi điện thoại cho ai đó, hoặc chào hàng, hoặc đi nhầm phòng…
Nơm nớp mỗi ngày
Nơi từng được trộm “viếng thăm” nhiều nhất phải kể đến nhà trọ số 13/15, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức. Anh Nguyễn Sơn cho biết, từ khi anh dọn đến đây ở, chưa có phòng nào không bị mất đồ. Bình quân cứ một sinh viên bị mất hai chiếc xe đạp, đến nay tính sơ sơ cũng gần hai chục chiếc. Chưa kể điện thoại và những thứ lặt vặt khác như giày dép, quần áo để ngoài trời qua đêm là sáng mai bị mất sạch.
Có hai cô bé sinh viên mới đến thuê phòng trên gác, thấy mọi người mất xe liên tục nên sợ không dám để dưới đất, ngày ngày cùng nhau khiêng xe đạp lên lầu cất. Vậy mà chỉ một hôm lười không khiêng xe lên đã bị trộm vào cuỗm khiến hai cô bé không dám ở đó nữa, hôm sau dọn đi ngay.
Khổ thân nhất là anh Tài khù khờ, mồ côi từ nhỏ, sống một mình ở nhà trọ này từ nhiều năm trong căn phòng thuê ọp ẹp, rẻ tiền trên căn gác gỗ. Tài sản duy nhất là chiếc xe đạp cũ mèm, tàn tạ. Bao nhiêu chiếc đã “ra đi” mà chiếc xe của anh Tài sáng sáng vẫn còn nguyên chỗ cũ. Ai cũng bảo chiếc xe rách nát của anh có ném ra đường cũng không ai thèm lấy. Vậy mà túng quá, trộm cũng vơ luôn.
Trộm hoành hành, hoạt động cả ngày lẫn đêm với vô số thủ đoạn khác nhau khiến người dân sống cảnh nhà trọ vô cùng lo lắng và cảm thấy rất bất an. Ai có xe máy, laptop khi đi đâu, làm gì cũng phải đem theo bên mình, không dám để ở phòng trọ.
Những người ở trọ vốn là công nhân, học sinh, sinh viên, nhân viên có thu nhập thấp, khi bị mất bất cứ món đồ, dù ít, dù nhiều cũng đều cảm thấy rất xót xa, vì với họ là cả một gia tài, tích cóp mãi mới có được. Thậm chí để mua được một cái lap top trị giá 13 triệu đồng để học đồ họa, có em sinh viên phải về xin cha mẹ ở quê bán hết 5 tạ điều mới gom đủ số tiền mua máy…
Cảnh sát khu vực thường nhắc nhở người ở trọ luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình, không để những vật giá trị ở phòng trọ. Làm đúng như vậy nhưng những người ở trọ vẫn cảm thấy lo khi cửa khóa cẩn thận vẫn bị trộm mở khóa lẻn vào nhà vơ vét không chỉ những thứ có giá trị mà cả bộ quần áo, đôi dép, cái nồi… Làm sao để nạn trộm cắp ở khu dân cư không còn là nỗi ám ảnh của người ở trọ? Đó là câu hỏi và cũng là trách nhiệm của các ngành chức năng có liên quan trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh, bình yên của địa phương mình. P.Đ