“Khi bước những bước chân đầu tiên của cuộc đời hoạn quan, sự đau đớn như từng vết dao cứa vào thân thể và xuyên lên tận óc. Mồ hôi cùng với nước mắt đã hòa vào nhau và ướt đẫm trên đôi chân đó”, một hoạn quan đã miêu tả lại những ngày tháng được cho là cực hình nhất của ông, trước khi trở thành người giúp việc cho hoàng đế Quang Tự- vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc.
Thái giám là ai?
Trong lịch sử Trung Quốc, thái giám hay hoạn quan đã có từ thời Tây Chu.Từ ngữ thái giám xuất hiện sớm nhất vào đời Đường Cao Tông Lý Trị khoảng năm 662.Thái giám được tuyển dụng để làm một số công việc cung đình như: truyền lệnh của nhà vua đến các quan, canh gác hậu cung, quét dọn phòng ốc, liên lạc giữa nhà vua với các cung phi...
Vào thời Tây Chu các nước Tề, Sở, Tần, đều có hoạn quan, và gọi bằng các tên như hình thần, ty cung. Nhiệm vụ của hoạn quan là làm đủ thứ việc trong nội cung như trà nước, xe kiệu, chợ búa, hầu hạ hoàng đế, thái hậu, phi tần... Thái giám thường là một hệ thống nội quan chỉ phục vụ công việc hàng ngày trong cấm cung, không có quyền can dự chính sự. Tuy nhiên, thái giám là người hầu cận hoàng đế, được hoàng đế tin dùng nên có khả năng lộng quyền, nắm được đại quyền chính trị, thậm chí có thể phế lập hoàng đế.
Bộ dao được sử dụng trong phẫu thuật tịnh thân. |
Điển hình,nước Tần có hoạn quan đảm nhận chức Xa phủ lệnh. Sau khi nhà Tần thống nhất Trung nguyên, hoạn quan có người làm đến Thừa tướng, gọi là Trung thừa lệnh. Thời Tây Hán, các hoạn quan được gọi là thường thị, có những hoạn quan đảm nhận các chức Hoàng môn lệnh, Dịch đình lệnh. Đến nhà Đường đổi là trung quan.
Tại các triều nhà Tùy, nhà Đường, nhà Tống đặt ra cơ cấu Nội thị tỉnh do hoạn quan đảm nhiệm, trông coi các việc nội bộ ở trong cung đình. Hoạn quan ở hai triều Đường, Tống có người trực tiếp thống lãnh quân đội.
Đến đời nhà Minh, đặt ra Thập nhị giám, Tứ ty, Bát cục gọi là Nhị thập tứ nha môn, trông coi về việc phục dịch trong cung đình, mỗi cơ cấu có thái giám trông coi. Đến đời nhà Thanh có Tổng quản thái giám, người đứng đầu thái giám, trực thuộc Nội vụ phủ. Bởi vậy, dưới các triều Đông Hán, Đường, Minh đều từng xảy ra những việc hoạn quan chuyên quyền làm bậy.
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc hoạn quan ở Trung Quốc có ba nguyên nhân chủ yếu sau đây: Hoạn quan là những tội phạm, tù binh hoặc phản nghịch bị cắt sinh thực khí; Hoạn quan là cống phẩm của địa phương tiến cống vào cung đình; Tự nguyện xin thiến làm hoạn quan để mưu cầu phú quý.
Từ đau đớn đến tàn khốc
Vị thái giám của Hoàng đế Quang Tự (Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh)kể về cuộc tịnh thân của mình: “Đi được là một điều may mắn, bởi vì có những người đã không thể đứng lên để bước đi sau lần phẫu thuật tàn khốc đó. Họ đã chết do không thể tiểu tiện được sau 3 ngày hoặc do bị nhiễm trùng quá nặng. Đó là những tháng ngày đau đớn và bi thảm nhất trong cuộc đời tôi”.
Ngay từ xa xưa trong lịch sử Trung Quốc, người ta đã ghi lại một số cách thức để tạo ra một hoạn quan cho triều đình.Cách thức đầu tiên được gọi với tên: Cắt tận gốc. Có nghĩa là dùng dao sắc hoặc một vật dụng kim loại như kiếm hoặc rìu cắt đứt tận gốc dương vật của nam giới. Cách thức này được miêu tả như một hình thức vô cùng tàn bạo, vì những người sau khi sử dụng phương pháp này đều rất đau đớn, thậm chí có thể bị hôn mê kéo dài.
Bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới về thái giám Trung Quốc. |
Cách thứ hai mà người Trung Quốc sử dụng đó là chỉ cắt bỏ tinh hoàn bằng một con dao sắc. Cách thức này nhân đạo ở chỗ, sẽ không cắt hết toàn bộ cơ quan sinh dục của bệnh nhân, mặc dù vậy họ cũng sẽ không thể quan hệ tình dục và có con. Sau khi thực hiện một trong hai cách thức vô cùng đau đớn này, thái giám sẽ được dìu đi quanh phòng trong vài giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ.
Điều đặc biệt là trong 3 ngày tiếp theo, họ không được ăn uống hoặc tiểu tiện. Sau thời điểm 3 ngày, vải băng được cởi ra và nếu bệnh nhân có thể đi tiểu được ngay thì vụ giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Còn nếu như người thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín và chỉ còn đường nằm chờ chết.
Ngoài hai phương pháp tịnh thân trên, có nhiều gia đình chuẩn bị việc tịnh thân cho con mình tương lai sẽ làm thái giám ngay từ khi còn nhỏ. Một bà mụ được gia đình thuê để có thể chăm sóc đặc biệt cho đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong nôi. Bà mụ này có một thủ thuật riêng, mỗi ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ. Lực bóp cũng tăng thêm khi đứa trẻ đó lớn, vì thế cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh...
Thái giám thời Mãn Thanh. |
Bên cạnh đó, trong việc tịnh thân có2 thứ bắt buộc gia đình người tịnh thân phải đem đến cho đao phủ, thứ nhất là một cái đầu lợn hoặc gà kèm theo rượu. Hai là 30 cân gạo, vài chục bắp ngô, vài cân hạt vừng và vài tờ giấy to bản. Trong những vật phẩm này, gạo và ngô để những người tịnh thân ăn đủ trong vòng một tháng khi nghỉ ngơi tại chỗ. Vừng được rang lên rồi nghiền nhỏ, trở thành một thứ thuốc giữ ấm cho cơ thể theo bài thuốc cổ xưa. Còn giấy to bản sẽ được dùng để bịt kín cửa sổ, tránh gió lùa khi bệnh nhân vẫn phải nằm một chỗ.
Còn đối với đao phủ, trước khi tiến hành tịnh thân cho bất kỳ ai, họ đều phải chuẩn bị 2 quả mật lợn tươi và một ít cần sa thối. Mật lợn có tác dụng chống sưng viêm, được đao phủ bôi vào vết thương ngoài của người tĩnh thân. Còn cần sa thối được cho bệnh nhân uống trước khi tiến hành tịnh thân, có tác dụng như một chất gây mê khiến con người sẽ không cảm thấy đau đớn khi quá trình tịnh thân diễn ra. Khi “phẫu thuật” tiến hành xong, các đao phủ cũng sẽ cho bệnh nhân uống tiếp cần sa thối để giảm thiểu sự bài tiết qua đường sinh dục.
Vào đời vua Tuyên Đức thời nhà Minh, khi tiến hành tịnh thân cho 1.565 nam giới để thành hoạn quan phục vụ trong triều đình, đã có gần 400 người chết ngay sau đó do bị nhiễm trùng hoặc không cầm được máu. Cũng vào những đời vua tiếp theo, rất nhiều trẻ em nam đã không được sống đến ngày trở thành những viên quan trong nội đình như bố mẹ chúng mong muốn. Theo sử sách ghi lại, trung bình có ít nhất 20% số người được tịnh thân đã chết trước khi nhìn thấy lầu son gác tía nơi cung vua, phủ chúa.
Ở những đời hoàng đế sau này, người ta đã bắt người làm tịnh thân cùng gia đình phải cam kết về mạng sống và không kiện cáo nếu cuộc phẫu thuật thất bại. Không những thế trước khi tiến hành, người có ý định tịnh thân được đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được hỏi lần cuối cùng có hối hận gì với quyết định trở thành hoạn quan hay không. Nếu cả gia đình và bản thân người tịnh thân đều đồng ý thì cuộc tịnh thân mới được tiến hành.
Tất cả dương vật bị cắt của người tịnh thân đều được đao phủ giữ lại. Những “bảo vật” này được bảo quản cẩn thận và được bán lại cho chủ nhân khi có yêu cầu, thường thì bảo vật sẽ trở về với chủ trước khi các thái giám xuống mồ.