Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú (1909-1953),được biết đến với tên gọi Thục phi Văn Tú, là Hoàng phi của vua Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1931, Thục phi Văn Tú trở nên nổi tiếng khi trở thành vị phi tần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa chủ động ly hôn với Hoàng đế.
Cuộc đời cô quạnh
Gia đình Thục phi Văn Tú thuộc Tương Hoàng Kỳ của Mãn Châu là gia tộc có 4 đời làm quan to, vinh hiển, để lại cho con cháu không ít sản nghiệp. Các vị cô mẫu của Văn Tú đều nổi tiếng văn chương thi từ rất tốt, tranh chữ cũng bất phàm, ta có thể liên hệ hình dung ra môi trường giáo dục rất chặt chẽ trong gia đình của Văn Tú.
Tuy nhiên, đến đời cha Văn Tú là Đoan Cung thì cơ nghiệp gia đình bất đầu sa sút. Mẹ Văn Tú là Tưởng thị, vợ thứ của Đoan Cung. Bà sinh ra hai người con gái với ông là Văn Tú và Văn Sách. Cha qua đời năm Văn Tú mới 8 tuổi. Lúc đó, bà Tưởng thị phải một mình nuôi nấng cả hai chị em Văn Tú và con gái của vợ cả đã mất từ sớm của Đoan Cung. Năm 1916, Văn Tú được gửi tới trường tiểu học Hoa Thị. Khi đó, Văn Tú đã đổi tên thành Phó Ngọc Phương.
Năm 1921, Hoàng đế Phổ Nghi tròn 16 tuổi. Tuy là một người đã thoái vị, nhưng dựa theo điều khoản thoái vị chiếu thư đưa ra, Chính phủ Trung Hoa dân quốc khi ấy vẫn rất tôn trọng Hoàng tộc nhà Thanh, giữ lại danh hiệu Hoàng đế, lấy lễ như khi tiếp quân chủ ngoại quốc mà cử hành, do vậy về tính danh nghĩa của Hoàng thất Mãn Thanh vẫn còn tồn tại trên phương diện ngoại giao.
Khi đó, chú của Văn Tú là Hoa Kham cho rằng đây là cơ hội giúp dòng họ Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị lấy lại vinh quang, bèn dùng bức ảnh của Văn Tú, lấy lại tên cũ của bà rồi gửi vào Nội vụ phủ trong Tử Cấm Thành tham gia ứng tuyển. Tứ đại Thái phi và quan thần trong triều chọn lọc rồi gửi những bức ảnh của các mỹ nữ xuất sắc nhất đến Hoàng đế.
Thục phi Văn Tú là vị phi tần duy nhất trong lịch sử Trung Hoa dám ly hôn Hoàng thượng. |
Theo lời tự thuật của Hoàng đế Phổ Nghi khi chọn lập Hậu, phi: Ảnh chụp đưa đến Dưỡng Tâm điện, tổng cộng 4 tấm hình... (Ta) không nghĩ ngợi nhiều mà liền khoanh 1 vòng tròn vào 1 bức ảnh mà ta thấy thuận mắt nhất trong đống ảnh đó. Đây là Mãn Châu Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị, con gái Đoan Cung, tên là Văn Tú... là cô nương được Kính Ý Thái phi vừa ý nhất.
Kết quả lựa chọn đưa đến chỗ các Thái phi, nhưng Đoan Khang Thái phi không hài lòng, không màng đến sự phản đối của Kính Ý Thái phi, bèn nói các Vương công đến khuyên ta chọn người theo ý bà, vì Văn Tú gia cảnh bần hàn, tướng mạo trông không đẹp, mà (Đoan Khang Thái phi) lại đề cử cô gái con nhà phú hộ, dáng vẻ lại xinh đẹp. Đó là Mãn Châu Chính Bạch kỳ Quách Bố La thị, con gái Vinh Nguyên, tên Uyển Dung”.
Cuối cùng, Phổ Nghi nghe Đoan Khang Hoàng thái phi lập Uyển Dung làm Hoàng hậu, ban Trữ Tú cung. Còn Văn Tú thụ phong làm Thục phi, ban Trường Xuân cung.
Quyết định táo bạo
Năm 1924, vua Phổ Nghi bị lật đổ, toàn bộ hoàng thất nhà Thanh bị Phùng Ngọc Tường - một tướng của Quốc dân đảng ép phải rời khỏi hoàng cung đến sống ở Thiên Tân.
Khi đó, một cựu thần nhà Thanh, từng làm đến Bố chính sứ Hồ Nam tên Trịnh Hiếu Tư đã khuyên Phổ Nghi nhiều lần muốn kêu gọi sự giúp đỡ của Nhật Bản mong khôi phục ngôi vị. Với kiến thức uyên bác của mình, Văn Tú thấy quân Nhật không đáng tin, hết lời khuyên chồng, nói lời của Trịnh Hiếu Tư không hề đáng tin, nhưng Phổ Nghi không nghe theo bà, ngược lại còn tỏ ra căm ghét, đối xử lạnh nhạt với bà.
Phổ Nghi cả ngày chỉ ở cùng Uyển Dung, đi ra phố cũng chỉ mang theo một mình Uyển Dung. Khi phải tiếp khách, Phổ Nghi cũng chỉ cho Uyển Dung đi cùng. Bữa ăn hàng ngày của Văn Tú không khác khi ở Tử Cấm Thành, đều chỉ có một mình. Uyển Dung xem thường Văn Tú ra mặt, mua sắm nhiều trang phục cao cấp, giày cao gót mắc tiền...
Hoàng đế Phổ Nghi. |
Lúc đó, tình hình kinh tế của triều đình không còn được như trước, Uyển Dung mang thân phận Hoàng hậu ra nói Văn Tú chỉ là phi, nếu có muốn tiết kiệm có thể cắt giảm chi tiêu của Văn Tú chứ không thể hạn chế chi tiêu của mình. Phổ Nghi không bênh vực Văn Tú mà còn đồng tình với Uyển Dung, cho rằng phận làm thiếp phải biết an phận thủ thường. Văn Tú thất vọng, nảy ra ý định rời khỏi gia đình cựu hoàng thất.
Vào một đêm giao thừa, Phổ Nghi cùng Uyển Dung ở tẩm cung chơi đùa, có hoạn quan đến báo Thục phi tự đâm vào bụng bằng kéo sắt. Phổ Nghi không hề lo lắng, phất tay mà rằng: “Nàng ta quen dùng này kỹ xảo hù dọa người. Ai cũng không cần quản!”. Đó chính là ngòi nổ mà khi đó, người ta gọi là “Hoàng phi cách mạng”.
Lúc đó, Văn Tú đã rất chán nản với cuộc sống của mình, bất chợt chuyến viếng thăm của người họ hàng xa tên Ngọc Phân đã thay đổi hoàn toàn vận mệnh của Văn Tú. Ngọc Phân phải gọi Văn Tú bằng biểu dì.
Khi Ngọc Phân biết được sự tình, cô đã khuyên: “Hiện nay là thời đại của Trung Hoa dân quốc, trên pháp luật viết nam nữ bình đẳng, mà Phổ Nghi sớm bị đuổi ra hoàng cung, cũng chỉ là người bình dân mà thôi, cũng nên tuân thủ luật pháp, bình đẳng cư xử mới phải. Dì nên tìm một luật sư, viết đơn kiện, khống cáo ông ta ngược đãi thê tử, cùng ông ta ly hôn, mặt khác tác muốn đòi phí sinh hoạt”.
Hoàng đế Phổ Nghi chưa một lần sủng ái Văn Tú, ông lúc nào cũng chỉ yêu quý Hoàng hậu Uyển Dung. |
Văn Tú đã thuê 3 vị luật sư nộp đơn xin ly hôn với Phổ Nghi, lời cáo trạng viết rằng: “Khống cáo Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú, không thể chịu đựng nổi. Phổ Nghi sinh lý lại có bệnh, ở qua 9 năm chưa từng ân ái. Quyết ý ly hôn, yêu cầu chi phí cá nhân hằng ngày cần được hỗ trợ, dưỡng phí 50 vạn nguyên”.
Đối với chuyện này, Phổ Nghi cực kỳ sợ hãi, vì không chỉ làm mất thể diện của bản thân, mà còn bôi nhọ hoàng thất Mãn Thanh. Lúc đó Phổ Nghi được sự trợ giúp của Nhật Bản, hi vọng một ngày trở lại Hoàng vị, nhưng vào lúc này trang báo tràn lan nào là Hoàng phi cách mạng, tin tức về việc ly hôn của Văn Tú cực kỳ được giới báo chí chú ý, cơ hồ khuấy động toàn bộ giới truyền thông lúc đó. Tình cảnh này khiến Phổ Nghi cực kỳ căng thẳng cùng xấu hổ.
Ngày 22/10/1931, sau nhiều ngày đàm phán, 2 vị luật sư đại diện của Phổ Nghi và 3 vị luật sư của Văn Tú cũng quyết định những điều khoản cho việc ly hôn. Phổ Nghi và Văn Tú song song đồng ý, cùng ký giấy thỏa thuận ly hôn, có 3 điều: Một, sau khi ly hôn, Phổ Nghi cung cấp cho Văn Tú sinh hoạt phí 5,5 vạn nguyên; Hai, cho phép Văn Tú mang đi toàn bộ trang phục, vật dụng thường ngày; Ba, sau khi Văn Tú trở về nhà mẹ đẻ, không được tái hôn, tránh liên lụy danh dự của Phổ Nghi. Để giữ thể diện cho một Thiên tử, ngay sau ngày ly dị, Phổ Nghi ra một “chỉ dụ” với nội dung phế bỏ Thục phi Văn Tú làm thứ dân.
Sau ly hôn, Văn Tú đã chuyển đi sống nhiều nơi, làm qua nhiều công việc nhờ trí thông minh và sự nhanh nhẹn của mình. Tuy nhiên cảm thấy dư luận làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, cuối cùng cô chuyển tới một căn nhà nhỏ ở Bắc Bình, kết hôn cùng người đàn ông tên Lưu Chấn Đông. Ngày 18/9/1953, vị Hoàng phi cuối cùng trong Lịch sử Trung Quốc qua đời vì bệnh tim. Năm đó, Văn Tú mới 45 tuổi.