Trung Quốc ban hành chính sách mới về dân số

(PLVN) - Sau gần 6 năm, Trung Quốc lại điều chỉnh chính sách về dân số. Trước đấy, vào tháng 10/2015, sau nhiều thập kỷ quy định các cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con, chính quyền Trung Quốc đã ban hành chính sách cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con.
(ảnh minh họa).

Vừa mới đây, Trung Quốc lại điều chỉnh chính sách này và bây giờ khuyến khích các cặp vợ chồng sinh 3 con. Điểm qua những dấu mốc thời gian này có thể thấy Trung Quốc đã có sự chuyển biến quan điểm chính sách rất cơ bản và rõ ràng về dân số. Đồng thời qua đó cũng còn có thể thấy sự điều chỉnh chính sách trên phương diện này hồi năm 2015 xem ra đã không đưa lại kết quả như mong đợi.

Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho năm 2020, tỷ lệ sinh con của các cặp vợ chồng ở Trung Quốc là 1,3 con trong khi mục tiêu được chính phủ đề ra là 2,1. Trung Quốc phải phấn đấu đạt được mục tiêu 2,1 thì mới có thể giải quyết được cơ bản và lâu bền vấn đề dân chúng già hóa.

Tỷ lệ người già trong xã hội cao hơn tỷ lệ người trẻ và tốc độ già hóa này càng tăng thì nảy sinh càng thêm nhiều vấn đề phải giải quyết và các vấn đề càng thêm nan giải đối với chính quyền và xã hội ở mọi nơi trên thế giới chứ không phải chỉ có ở Trung Quốc. Nhật Bản hay Italy là những bằng chứng thường được thế giới hay sử dụng nhất để chứng minh cho điều trên.

Từ đó có thể thấy, việc khích lệ các cặp vợ chồng có 3 con là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết của chính quyền Trung Quốc cho dù có thể bị nhìn nhận là chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và bị phê phán là trả giá cho chính sách sai lầm hoặc bất cập trong quá khứ. Chỉ có điều việc thực thi thành công chính sách này không dễ dàng chút nào đối với Trung Quốc.

Khi xưa, chính quyền Trung Quốc có thể cấm các cặp vợ chồng sinh nhiều hơn một con. Bây giờ, chính quyền chỉ có thể khuyến khích chứ không thể dùng luật bắt buộc các cặp vợ chồng sinh 3 con. Nhà nước có thể ban hành nhiều biện pháp chính sách khác nhau để khích lệ các cặp vợ chồng sinh nhiều con nhưng không thể quyết định thay được cho các cặp vợ chồng.

Không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở tất cả các nước công nghiệp phát triển cũng như ở phần lớn các nước đang phát triển, quan niệm của giới trẻ về gia đình và con cái trong thế giới hiện đại và cuộc sống hiện đại đã chuyển biến trở nên khác biệt rất cơ bản so với thời trước.

Người phụ nữ trong thế giới hiện đại được bình đẳng hơn trong gia đình và trong xã hội, bị giằng xé nhiều hơn giữa gia đình và nghề nghiệp, giữa sinh con và thành đạt về công danh sự nghiệp, độc lập và tự chủ hơn về tài chính, lối sống trở nên hiện đại và cấp tiến hơn, vì thế nhìn nhận về giá trị cuộc sống riêng, gia đình và con cái không cứng nhắc và một chiều như trước.

Hệ lụy của chiều hướng diễn biến này là chỉ có rất ít con hoặc thậm chí sống độc thân, không kết hôn hoặc kết hôn nhưng không có con.

Thời gian và tiền của cần thiết cho việc sinh con và nuôi dạy con cũng là nhân tố rất quyết định đối với thành công hay thất bại của Trung Quốc với chính sách mới này. Chi phí sinh hoạt thường ngày và học hành của con cái cao, điều kiện nhà ở không đảm bảo và thu nhập còn bấp bênh thường gây trở ngại đối với các cặp vợ chồng để quyết định sinh nhiều con. Trên phương diện này, Trung Quốc hiện tại phải giải quyết tất cả những vấn đề trên trong tình trạng dân chúng già nua do tỷ lệ sinh con thấp trong suốt thời gian dài.

Bởi vậy, Trung Quốc chỉ có thể thành công được với chính sách mới này khi đi cùng với việc tuyên cáo chính sách ấy là hệ thống biện pháp chính sách cụ thể và thiết thực hỗ trợ các cặp vợ chồng về tài chính, điều kiện xã hội và cơ hội nghề nghiệp để họ quyết định sinh thêm con. Việc này nói ra thì dễ nhưng thực hiện lại không đơn giản vì chỉ có tiền không thôi vẫn không thể giải quyết được. Môi trường chính trị xã hội nội bộ thuận lợi là tiền đề không thể thiếu. Nhật Bản hay Italy đều khích lệ các cặp vợ chồng sinh nhiều con đấy chứ nhưng rồi chính sách của họ trên phương diện này đâu có thành công.

Đọc thêm