Cơn sốt đầu tư viện dưỡng lão hạng sang
Trong một buổi lễ mừng các thành viên có sinh nhật trong tháng 5 tại nhà dưỡng lão Heyuejia (phía Tây thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc) mở đầu bằng tiết mục khiêu vũ, sau đó các cụ có sinh nhật sẽ lên thổi nến và nhận lời chúc mừng từ mọi người tham gia. Khu viện với các phòng rộng rãi, thức ăn bổ dưỡng và các hoạt động từ thư pháp đến trị liệu nghệ thuật được cung cấp cho những thành viên đến đây sinh sống, phần lớn là các chuyên gia đã nghỉ hưu, với giá khoảng 10.000 Nhân dân tệ/tháng (khoảng 35 triệu VNĐ). Mức giá khá cao so với các viện dưỡng lão khác ở các thành phố lớn tương tự Bắc Kinh.
Bà Wang Yiguang (85 tuổi, Nhà khoa học nghỉ hưu) chia sẻ: “Chúng tôi già và con cái không ở bên, nếu một trong hai chúng tôi bị ốm hoặc bất cứ điều gì, đôi khi, ông ấy cảm thấy không khỏe vào nửa đêm chẳng hạn và cần được đưa đến bệnh viện, tôi thường rất lo. Trong khi ở đây, chúng tôi sẽ được giúp đỡ bất cứ lúc nào và bác sĩ có thể cho biết khi nào cần phải nhập viện điều trị. Thành thật mà nói, đứa con thứ hai của chúng tôi không muốn bố mẹ sống trong viện dưỡng lão, nó sợ chúng tôi không được chăm sóc, hoặc không được vận động và trở nên trầm cảm”.
Thời gian gần đây, đối với các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế, những dự án chăm sóc người cao tuổi đang trở thành một ván bài đầu tư có sức hút không thể cưỡng lại. Rất nhiều tiền đang đổ vào lĩnh vực này trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Ông William Tang - một người về hưu ở Trung Quốc gần đây đã quyết định thay đổi cuộc sống của mình ở trung tâm thành phố Thượng Hải để đến ở tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi sang trọng ở vùng phía Tây của thành phố, trả 220.000 USD để thuê một căn hộ 2 phòng ngủ trong 15 năm. “Nó giống một khu nghỉ dưỡng hơn”, ông Tang nói sau khi xem các căn hộ của Ardor Gardens, nơi làm nổi bật các tiện nghi bao gồm hồ bơi trong nhà, phòng tập yoga, phòng nếm rượu vang và dịch vụ chăm sóc suốt ngày đêm.
Xu hướng tận hưởng tuổi già ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp đang rất phát triển ở Trung Quốc. Những người cao tuổi giàu có ở đất nước này đang chi tiền rất mạnh tay để mua hoặc thuê dài hạn những khu nghỉ dưỡng cao cấp để tận hưởng những năm tháng tuổi già.
Xu hướng tận hưởng tuổi già ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp đang rất phát triển ở Trung Quốc. |
Nằm ở ngoại ô phía Tây thủ đô Bắc Kinh, cộng đồng Taikang Yan Garden là nơi nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên dành cho người cao tuổi ở Trung Quốc. Sau 6 năm xây dựng, đến nay khu nghỉ dưỡng này hiện có 1.800 người cao tuổi đang nghỉ dưỡng dài hạn, tỷ lệ lấp đầy gần 90%.
Khu nghỉ dưỡng này có bầu không khí trong lành, yên tĩnh với nhiều cây xanh. Cơ sở vật chất chất lượng với hơn 70 hoạt động thể thao - văn hóa diễn ra hàng ngày. Trong các tòa nhà đều có căng-tin sang trọng, hồ bơi và bệnh viện phục hồi chức năng. Trong mỗi căn hộ dành cho người cao tuổi ở đây đều được trang bị đầy đủ các tiện ích như: buồng tắm có ghế ngồi, góc bàn có hình tròn để tránh gây thương tích cho người cao tuổi.
Phần lớn người cao tuổi sống ở Taikang Yan Garden đều là những người có học thức cao. Họ là những giáo sư, tiến sĩ, quan chức, chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau. Trong 1.800 cư dân sống ở đây có 63 người tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa danh giá nhất Trung Quốc.
Hơn nữa, những cư dân sống ở đây đều là những người có tài chính dư giả. Bởi lẽ mức chi phí để sống trong các khu nghỉ dưỡng này không hề rẻ. Để thuê được một căn hộ tại đây, mỗi cư dân phải đóng ít nhất 6.000 NDT/tháng (khoảng 18 triệu VNĐ). Giá thay đổi tùy theo số lượng phòng và diện tích căn hộ. Người thuê cũng cần đặt cọc 1-2 triệu NDT (khoảng 3-7 tỷ VNĐ). Số tiền sẽ được trả lại khi khách rời đi.
Các chuyên gia nhận định, dân số Trung Quốc đang có xu hướng già hóa nhanh, trong đó nhóm người hưu trí có thu nhập cao đang chiếm phần ưu. Cho nên, các dự án chăm sóc người cao tuổi đang là miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về nhân khẩu học ở Trung Quốc cho rằng, chỉ có khoảng 3% người cao tuổi Trung Quốc sẵn sàng hoặc có khả năng chi trả các loại dịch vụ đắt tiền. Phần lớn dự kiến ở nhà hoặc tại các viện dưỡng lão được chính phủ trợ cấp.
Những góc khuất phía sau
Viện dưỡng lão là một lựa chọn tưởng như sẽ giúp giải quyết nan đề này. Nhưng viện dưỡng lão tư đắt đỏ nên không phải ai cũng đủ khả năng chi trả. Trong khi đó viện dưỡng lão công lại quá tải. Năm 2012, một viện dưỡng lão công lập tại Bắc Kinh với quy mô 9.000 giường vừa xây dựng xong đã kín chỗ. Từ đó đến nay đã 8 năm, nhưng mỗi năm nhà dưỡng lão này chỉ trống từ 20- 30 chỗ. Thậm chí có người chờ suốt 5 năm nhưng vẫn chưa đến lượt.
Nhìn chung tại Trung Quốc hiện nay, một viện dưỡng lão công tốt rất khó vào, còn viện dưỡng lão tư chất lượng và chi phí hỗn loạn, mức độ chăm sóc cũng không đồng đều.
Vì quản lý kém, những tin tức tiêu cực về viện dưỡng lão tại quốc gia tỷ dân này cũng không phải hiếm. Gần đây video quay cảnh một nhân viên của viện dưỡng lão ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông bạo hành cụ ông 96 tuổi gây bức xúc dư luận Trung Quốc. Trong video, vì tranh chấp một chiếc khăn, người chăm sóc đã đánh nhiều lần vào đầu ông lão rồi túm tay, kéo tóc lôi đi, gây ra nhiều vết bầm tím trên người cụ.
Nhưng kể cả khi không có vụ lạm dụng như vậy, hầu hết người cao tuổi ở Trung Quốc vẫn không thích viện dưỡng lão. Theo số liệu khảo sát, chỉ 10% người cao tuổi tại nước này sẵn sàng sống tại viện dưỡng lão, thấp hơn nhiều tỷ lệ 35% so với các nước châu Âu và Mỹ. Cụ bà họ Mã (80 tuổi), sống ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô giãi bày lý do bỏ trốn khỏi viện dưỡng lão của mình là dù ở đây mọi người đối xử tốt nhưng việc không được gặp con cháu thường xuyên khiến bà luôn buồn khổ. Thậm chí đến ngày thứ 11 sau khi bỏ trốn bất thành, bà vẫn nằm lì trên giường khóc nấc: “Tôi muốn được về nhà”.
“Cô đơn và vô dụng, cảm giác bất lực này là một vấn đề nan giải mà người già không thể thoát khỏi, dù họ đang ở đâu”, ông Tạ Phúc Chiêm - chuyên gia xã hội học Trung Quốc nói. Vị này cũng nhấn mạnh: “Hoàng hôn cuối ngày không bao giờ là đẹp nhất, nếu có chỉ trong lời bài hát mà thôi”.
Nếu không phải bất đắc dĩ thì hầu hết người cao tuổi ở Trung Quốc vẫn không thích viện dưỡng lão. |
Viện dưỡng lão vốn đóng vai trò quan trọng trong những quốc gia già hóa dân số như Nhật Bản. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng thực tế ở Trung Quốc thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực có chuyên môn, khiến lĩnh vực này không đạt chất lượng và đặt gánh nặng trên vai các gia đình. Tính đến năm 2020, Trung Quốc có tổng cộng 264 triệu người dân trên 60 tuổi, con số này dự kiến tăng mạnh khi dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm.
Với hỗ trợ của chính phủ, có trên 40.000 viện dưỡng lão được xây dựng tại Trung Quốc trong thập niên gần đây. Tuy nhiên nhiều cơ sở có mức giá quá cao hoặc chất lượng quá thấp để thay thế được sự chăm sóc của các gia đình.
Cách đây một thập niên, Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2020 đào tạo 6 triệu điều dưỡng làm việc tại viện dưỡng lão. Hãng thông tấn Xinhua đưa tin đến năm 2017, mới chỉ có 300.000 người đạt đủ tiêu chuẩn. Mục tiêu hiện nay của Trung Quốc là đến năm 2022 đào tạo được 2 triệu người.
Kỹ sư Yang Wei tại tỉnh Hà Bắc cho biết ông của anh nay gần 90 tuổi và muốn đến viện dưỡng lão để giảm áp lực chăm sóc cho gia đình. Ông đã chuyển đến viện dưỡng lão có mức giá 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng Yang cho rằng các điều dưỡng không mấy để ý đến tình trạng của người cao tuổi. Do vậy Yang đã đưa ông quay trở về nhà.
Không chỉ vậy, hiện nay nạn lừa đảo đầu tư vào viện dưỡng lão trở nên phổ biến đến mức cơ quan tư pháp đứng đầu Trung Quốc đã gọi ngành công nghiệp hưu trí là một trong những khu vực kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất từ hành vi huy động vốn trái phép.
Đơn cử như bà bà Yang Jinzhong (78 tuổi) liên tục bị một nữ nhân viên bán hàng chào mời rằng: Chỉ bằng khoản đầu tư nhỏ, bà Yang có thể dành trước một suất trong viện dưỡng lão với giá hời và còn kiếm thêm được chút tiền. Ban đầu, bà Yang đã rất do dự, nhưng cho tới khi chồng bị xuất huyết não và mất khả năng nói thì bà đồng ý. Cuối cùng, bà đưa hết 31.000 USD tiền tiết kiệm cả đời cho công ty hưu trí.
Thế nhưng sau đó, Heng Fuhai (công ty của nữ nhân viên bán hàng trên) đã trở thành một trong số hàng trăm trường hợp gần đây phải chịu sự điều tra hoặc truy tố của nhà chức trách Trung Quốc. Khủng hoảng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trung Quốc đã mở ra kẽ hở cho những kẻ lừa đảo và các chiêu đầu tư có tính chất lừa đảo kiểu Ponzi (lấy của người đến sau trả cho người đến trước).
Trong khoảng 4 năm qua đã có hàng nghìn vụ án hình sự được khởi tố với những công ty kinh doanh dịch vụ dưỡng lão. Ví dụ, công ty Yi Lao Lin tại thành phố Shenyang hứa hẹn khách hàng sẽ được hưởng lãi tháng cao đến 24% và trong tương lai được ở khu nghỉ dưỡng hưu trí cao cấp có phòng tập gym, trung tâm giải trí, và cơ sở bệnh viện. Trước khi “bốc hơi”, công ty này đã huy động được gần 5 triệu USD tiền vốn từ rất nhiều người.
Lừa đảo đầu tư vào viện dưỡng lão đang trở thành một vấn nạn tại Trung Quốc. |
Một công ty khác là Shanghai Da Ai Cheng đã gọi được hơn 150 triệu USD tiền vốn qua hình thức quỹ đầu tư, hứa hẹn mức lãi hàng năm khoảng 8-25% và chỗ ở trong viện dưỡng lão. Ba năm sau khi chương trình đi vào hoạt động, nhà đầu tư không còn nhận được tiền lãi và sau đó phát hiện khoản tiền đầu tư ban đầu đã tiêu tan, thiệt hại tổng cộng hơn 81 triệu USD.
Không biết đến khi nào mới lấy lại được tiền, bà Yang hiện phải sống dựa vào khoản lương hưu ít ỏi mỗi tháng. Lúc này nghĩ lại, bà cho rằng đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo như việc nữ nhân viên bán hàng của công ty nọ sớm giục đầu tư khi chồng bà không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Bà ban đầu từ chối nhưng cô nhân viên kia vẫn kiên trì gọi điện, đi theo về nhà, thăm chồng bà trong viện, và còn giúp lau dọn nhà cửa. “Cô ta cư xử như đứa con do tôi sinh ra, thậm chí còn tình cảm hơn con đẻ. Tôi cảm thấy quá xấu hổ nếu từ chối”, bà Yang nói.
Cảnh sát thành phố Yiyang đang điều tra công ty nhận tiền đầu tư từ bà Yang Jinzhong. Nhà chức trách kêu gọi nhà đầu tư cung cấp thêm thông tin và cho biết sẽ cố gắng hạn chế thiệt hại tới mức tối thiểu, nhưng bà Yang tỏ ra hoài nghi về khả năng mình được nhận lại chỗ tiền dành dụm phòng thân lúc về già của mình...