Trung Quốc hạn chế các biện pháp triệt sản vì lo ngại giảm dân số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu hạn chế các biện pháp triệt sản, mặc dù không có thông báo chính thức nhưng các bệnh viện công Trung Quốc đã đồng loạt ngừng cung cấp dịch vụ triệt sản nam giới.
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Nhiều gia đình không muốn sinh con

Cô Zhao Zihuan (32 tuổi, ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông) đã xảy thai 2 lần trước khi sinh một bé trai vào năm 2020. Kiệt sức vì chăm con nhỏ, Zhao thống nhất với chồng chỉ sinh một đứa. Tháng 4/2021, cô tìm kiếm dịch vụ triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn tinh cho chồng, nhưng hai bệnh viện từ chối. Một bác sĩ nói với chồng của Zhao rằng phẫu thuật này không còn được phép nữa chiểu theo các quy định mới về kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc.

Hay trường hợp của Zhou Muyun (23 tuổi, nhân viên quảng cáo ở Quảng Châu), từ lâu theo đuổi lối sống DINKs (viết tắt của ‘Double Income, No Kids’ có nghĩa là ‘thu nhập đôi, không con cái’). Từ khi có bạn gái, Zhou đã tìm đến bệnh viện thắt ống dẫn tinh. Theo chàng trai này, anh muốn sinh hoạt tình dục với bạn gái nhưng không muốn có con.

Nhiều gia đình ở Trung Quốc bắt đầu "lười" sinh con.

Nhiều gia đình ở Trung Quốc bắt đầu "lười" sinh con.

Tuy vậy, Zhou bị bệnh viện từ chối. Các bác sĩ nói rằng anh còn quá trẻ, sau này sẽ phải hối tiếc. Nhưng chàng trai 30 tuổi vẫn khẳng định: “Sinh con hay không là quyền và lựa chọn của mỗi người. Chúng tôi không cần ai khuyên rằng mình phải sống như thế nào”.

Suốt hơn 30 năm qua, giới chức Trung Quốc buộc người dân triệt sản để kiềm chế dân số tăng. Giờ đây, họ lại cố gắng làm ngược lại khi tỷ lệ sinh giảm mạnh, đe dọa ổn định xã hội và kinh tế. Giám đốc họ Dương của một bệnh viện ở thành phố Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc) nói rằng: “Dù thắt ống dẫn tinh là tiểu phẫu đơn giản nhưng hầu hết các bệnh viện công đều từ chối. Chúng tôi ý thức được rủi ro khi chính phủ không cho phép”.

Trung Quốc ghi nhận 8,5 ca sinh/1.000 dân năm 2020, mức thấp nhất trong hơn 70 năm qua. Sun Xiaomei (Giáo sư chuyên ngành giới tại Đại học Phụ nữ Trung Quốc ở Bắc Kinh) nói: “Với việc áp dụng chính sách 3 con, các bác sĩ có các mối quan ngại mới mang tính dài hạn. Thực hiện phẫu thuật này với một nam giới trong một xã hội có định hướng gia đình sẽ cướp đi của họ cơ hội có con có cháu. Không ai muốn bị đổ lỗi về việc đó cả”.

Hiện Luật Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc bảo vệ quyền sinh đẻ của công dân, trong đó có cả quyền tránh thai. Không có lệnh cấm chính thức về thủ thuật thắt ống dẫn tinh, nhưng bệnh viện thực hiện thủ thuật này cho nam giới và cả thủ thuật cho phụ nữ phải được cho phép.

Điều này thể hiện rõ rằng khi Tờ Washington Post (Mỹ) liên hệ tới 12 bệnh viện công ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, nhưng đều nhận câu trả lời không còn dịch vụ này. 7 bệnh viện tiếp theo thì 6 nơi khẳng định vẫn thực hiện tiểu phẫu, trong đó có 1 bệnh viện còn đồng ý làm thủ thuật với nam giới chưa kết hôn.

Jiang (30 tuổi) làm việc trong một công ty Internet đã bị 6 bệnh viện ở Phúc Kiến từ chối thắt ống dẫn tinh. Sau một thời gian tìm kiếm, anh tìm được một nơi đồng ý làm tiểu phẫu này tại Thành Đô (Tứ Xuyên), cách chỗ ở tận 1.900 km. Tháng 3/2021, anh chia sẻ kinh nghiệm lên một diễn đàn trực tuyến, một người dùng mạng nói rằng, bệnh viện này không còn cung cấp dịch vụ đó nữa. Jiang thở phào, cảm thấy mình quá may mắn...

Nam giới độc thân cũng muốn triệt sản

Không chỉ các cặp vợ chồng, hiện rất nhiều nam giới độc thân ở Trung Quốc có mong muốn được triệt sản. Điển hình là anh Hoàng Ngọc Long (27 tuổi), chưa bao giờ muốn có con. “Đối với thế hệ của chúng tôi, con cái thật sự không phải là điều cần thiết. Hơn nữa, bây giờ chúng ta có thể sống mà không cần có bất cứ gánh nặng nào, thế tại sao không dành năng lượng và tài chính cho chính cuộc sống chúng ta”, anh nói.

Hiện Hoàng Ngọc Long đang phải vật lộn để theo đuổi lối sống DINK. Nói một cách khác, chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như các vấn đề kinh tế khác đã khiến nhiều người trẻ tuổi không muốn sinh con. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh về việc chọn trường cho con nhỏ và việc mua nhà ngày càng gay gắt, một số cặp vợ chồng chỉ muốn có một đứa con, một số cặp khác thì hoàn toàn không muốn sinh đứa nào.

Cách sống này đã đi ngược với những nỗ lực mà chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra. Đầu tuần vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã một lần nữa thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các gia đình sinh 3 thay vì sinh 2 như trước đây.

Điều này nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, nhưng đối với đàn ông như anh Hoàng Ngọc Long thì lại không có tác dụng gì, thậm chí anh còn sử dụng đến phương pháp phẫu thuật để đảm bảo rằng sẽ không có con trong tương lai.

Tiếp đó là trường hợp của anh Hoàng, làm công việc sửa chữa điện thoại di độngvà kiếm khoảng 4.000 nhân dân tệ (hơn 14,4 triệu đồng) mỗi tháng, anh cho biết quyết định không sinh con phần lớn là do anh không có bố mẹ bên cạnh khi còn nhỏ và sống trong nghèo khó.

Bố mẹ anh làm việc trong nhà máy ở Quảng Đông, hiếm khi về nhà thăm anh ở Hồ Nam. Dù là con một nhưng mối quan hệ của anh và bố mẹ chưa bao giờ thân thiết. “Nếu tôi cũng kết hôn và có con, tôi vẫn mãi là người ở tầng lớp thấp. Lúc đó tôi cũng sẽ để con của tôi ở nhà như bố mẹ tôi đã từng làm, tôi không muốn như thế”, anh nói.

Anh Hoàng cũng rời Hồ Nam đến Quảng Đông làm việc khi mới 14 tuổi. Sau đó, anh yêu một người phụ nữ và người này muốn có con, anh cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Cuối cùng, anh quyết định chia tay và đến bệnh viện Quảng Châu vào tháng 6/2019 để thắt ống dẫn tinh. Anh miêu tả, hành động này như một món quà sinh nhật dành cho mình.

Ngoài anh Hoàng, tờ New York Times còn phỏng vấn hai người đàn ông Trung Quốc khác cũng đã thắt ống dẫn tinh. Vì cân nhắc về quyền riêng tư, nên tất cả họ đều không được nêu tên trong bài báo, bởi một số thành viên gia đình và bạn bè của họ không biết họ đã thực hiện cuộc phẫu thuật này.

Về mặt văn hóa trong xã hội Trung Quốc, sự lựa chọn tự nguyện triệt sản, đặc biệt đối với những người đàn ông trẻ chưa lập gia đình bị coi là điều cấm kỵ. Ở nhiều thành phố, các bác sĩ yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn và bằng chứng về sự đồng ý của bạn đời. (Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có hỏi anh Hoàng rằng anh đã kết hôn hay sinh con chưa. Anh đã nói dối là có.)

Trong khi đó, anh Khương (29 tuổi) là một huấn luyện viên thể hình ở Phúc Kiến cho biết, để thắt ống dẫn tinh, anh đã đến 6 bệnh viện nhưng đều bị từ chối. Lý do là anh không thể cung cấp “giấy chứng nhận kế hoạch hóa gia đình”, giấy tờ chính thức nêu tình trạng hôn nhân và số con của một người. “Họ không làm điều đó cho bạn vì bạn chưa lập gia đình và chưa có con, bạn đang công khai chống lại chính sách sinh đẻ của quốc gia”, anh nói.

Vào tháng 3 năm nay, anh Khương đã tìm thấy một bệnh viện ở thành phố Tây Nam (Thành Đô) sẵn sàng phẫu thuật cho anh. Anh ấy đã đăng quy trình chi tiết của hoạt động này lên diễn đàn dành cho những người theo lối sống DINKs. “Tôi ngưỡng mộ anh. Chỉ có chiến binh thật sự mới dám làm điều này”, một cư dân mạng đã viết trong một bình luận trên diễn đàn DINKs.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Hà Á Phúc - nhà nhân khẩu học ở thành phố Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) nói: “Người trẻ ngày nay không có khả năng chịu đựng gian khổ như thế hệ cũ. Nhiều người cảm thấy có con không những không thể chu cấp cho bố mẹ mà còn ăn bám họ. Tốt hơn là nên tiết kiệm nhiều tiền, vào viện dưỡng lão để an tâm hơn hoặc mua bảo hiểm”...

Đọc thêm