Giảm thí sinh ảo
Những mùa tuyển sinh trước các trường nghệ thuật với đặc thù riêng rất khó khăn về nguồn tuyển khi tham gia kỳ thi “ba chung”. Những kêu ca chung nhất của các trường đó là nhiều thí sinh có năng khiếu thực sự lại bị rớt bởi điểm môn Văn quá thấp. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh vừa qua, điểm Ngữ văn - môn xét tuyển của các nhà trường đều đã tăng lên. Đơn cử Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, năm 2010 là 4,69 điểm; năm 2011 là 4,63 điểm; năm 2012 là 4,48 điểm, nhưng năm 2013 điểm trung bình là 6,48 điểm.
Ông Lê Văn Sửu- Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Việt Nam, một trong 10 trường thực hiện thí điểm kỳ thi tuyển sinh đại học theo đề án của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, do nhà trường được chủ động về thời gian tổ chức tuyển sinh, không trùng với kỳ thi “ba chung” nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi được cải thiện rõ rệt so với mọi năm. Riêng so với năm 2012, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường tăng 75%. Số lượng thi sinh đăng ký dự thi tăng nên chất lượng đầu vào cũng tốt hơn.
|
Thí sinh các trường văn hóa nghệ thuật thi riêng, không được xét tuyển “ba chung”. |
Cùng quan điểm trên, đại diện ĐH Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, nếu như mọi năm thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh chỉ để lấy điểm sang các trường khác như Tôn Đức Thắng, Văn Lang… thì năm nay thời gian thi vào trường không trùng với các trường khác, thí sinh đăng ký thi vào trường đều là những thí sinh yêu quý trường, đăng ký thi và lựa chọn vào trường ngay từ đầu nên có sự lựa chọn, sàng lọc tốt hơn. Do đó, số lượng thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đạt 975 hồ sơ, tăng 390 hồ sơ (67%) so với mùa tuyển sinh 2012.
Đặc biệt, theo lãnh đạo trường, có em chỉ thi vào một ngành học của trường và đạt điểm rất cao. Năm nay, trường thi tuyển từ ngày 11 - 14/7, có 975 thí sinh thi nhưng chỉ có 165 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Thiết kế đồ họa nhiều nhất với 89 chỉ tiêu. Với số lượng như vậy, điểm chuẩn của ngành này đã lên đến 28, nhiều thí sinh điểm cao cũng không trúng tuyển.
ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh cũng cho hay, trường tăng về lượng và giảm thí sinh ảo khi đăng ký hồ sơ (thí sinh đăng ký thi nhưng không đến thi hoặc không nhập học khi có giấy báo trúng tuyển). Không những thế, việc được tự ra đề thi môn năng khiếu đã tạo điều kiện cho nhà trường biên soạn đề thi phù hợp với trình độ, yêu cầu tuyển sinh.
Và những lúng túng
Tuy nhiên, là năm đầu tuyển sinh nên cả nhà trường, thí sinh và các Sở GD-ĐT còn có nhiều lúng túng. Bởi lẽ, thời gian tổ chức thi kéo dài, gây mệt mỏi, tốn kém cho thí sinh; một số Sở GD-ĐT không nắm vững đề án tuyển sinh riêng của 10 trường VHNT nên không nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh và bắt thí sinh phải trực tiếp đến các trường để nộp. Điều này gây bất tiện cho thí sinh.
Do đó, theo đề xuất của đa số các trường tổ chức thi tuyển riêng, trong năm tới sẽ vẫn tiếp tục thực hiện đề án của Bộ VH-TT&DL. Tuy nhiên, các trường đề nghị Bộ VH-TT&DL, Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những vướng mắc trong việc nhận hồ sơ cho thí sinh.
Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD-ĐT, 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay nếu tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) thì xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi tuyển sinh chung của Bộ. Các trường có tuyển sinh riêng ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn Ngữ văn. Riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.
Như vậy, theo quy định, thí sinh khối C muốn vào các trường xét tuyển riêng phải thi ở một trường khác có khối thi tương ứng, sau đó dùng kết quả để xét tuyển. Tuy nhiên, những thí sinh năng khiếu không thi môn Ngữ văn theo đề chung nên không thể xét tuyển vào các trường thi theo “3 chung” có cùng khối thi. Tình huống này cả Bộ lẫn các trường cũng không đề cập đến cho thí sinh khi họ quyết định tham gia thi tuyển.
Ông Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai đề án thi tuyển sinh riêng trong các trường VHNT. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo, luyện thi, giáo viên tổ chức luyện thi không được chấm thi…
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Các trường nên công khai việc giải đáp vướng mắc của thí sinh trong các cuộc trao đổi và hạn chế các chương trình luyện thi. Cũng theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, những vấn đề trên sẽ được phối hợp tháo gỡ cùng Bộ GD-ĐT trong mùa tuyển sinh 2014.