Những “kép phụ” nổi bật
Ở mỗi bộ truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung đều xuất hiện các nhân vật phụ, không xuất hiện quá nhiều, nhưng theo miêu tả của ông thì đó đều là những đệ nhất cao thủ. Ví dụ như ở 3 bộ Xạ điêu anh hùng truyện (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký), có các nhân vật Vương Trùng Dương, Lâm Triều Anh, Trương Tam Phong, Độc cô cầu bại…
Trong bộ Thiên long bát bộ là sự xuất hiện của vị tăng nhân quét dọn trong chùa Thiếu Lâm. Ở bộ Tiếu ngạo giang hồ nổi bật cái tên Đông phương bất bại… Trong những nhân vật này, có 3 cái tên được Kim Dung dành nhiều “đất diễn” hơn cả là Vương Trùng Dương, Trương Tam Phong và Đông Phương bất bại.
Vương Trùng Dương là Chưởng môn của Toàn chân giáo, nổi tiếng với chiêu Tiên thiên công. Ông xa lánh nhân gian, sống ẩn dật sau khi đứng dậy chống giặc Kim thất bại. Ở kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, tụ hợp được 5 nhân vật kiệt xuất nhất thời bấy giờ (thiện hạ ngũ tuyệt) là Đông tà Hoàng Dược Sư, Tây độc Âu Dương Phong, Nam đế Đoàn Trí Hưng, Bắc cái Hồng Thất Công và Trung thần thông Vương Trùng Dương.
5 người đấu lẫn nhau để tìm ra người có võ công đệ nhất thiên hạ và giành quyền sở hữu Cửu âm chân kinh. Sau 7 ngày 7 đêm trên Hoa Sơn, Vương Trùng Dương chiến thắng để thành thiên hạ đệ nhất. Di sản mà Vương Trùng Dương để lại chính là 7 đệ tử được gọi là Toàn chân thất tử, cũng là những người có võ công cái thế và chuyên hành hiệp trượng nghĩa.
|
Quách Tĩnh không chỉ là người võ công cao cường, mà còn biết quên mình để bảo vệ giang sơn. |
Với Đông Phương bất bại, vốn là Phó giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo, chấp nhận tự cung (tự thiến) để luyện Quỳ hoa bảo điển. Sau đó, hắn đã dùng mưu phế truất, giam cầm Nhậm Ngã Hành để lên ngôi giáo chủ. Do tự cung, Đông Phương bất bại trở thành ái nam ái nữ, mặc áo như đàn bà, thích trang điểm, thêu thùa và yêu một gã tên Dương Liên Đình và để gã này thao túng Nhật Nguyệt thần giáo, khiến giáo phái bị chia rẽ sâu sắc.
Trong bộ Tiếu ngạo giang hồ, cái tên “bất bại” đã chứng minh năng lực của nhân vật này và trong trận chiến kinh thiên động địa trên Hắc Mộc Nhai, 4 cao thủ đương thời là Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên và Nhậm Doanh Doanh bị đánh tơi tả và chỉ tiêu diệt được Đông phương bất bại nhờ dùng mưu. Lệnh Hồ Xung là truyền nhân của Độc Cô cửu kiếm, tuyệt thế võ công của Độc Cô cầu bại. Trong khi Nhậm Ngã Hành là cựu giáo chủ trong khi Hướng Vấn Thiên chính là Quang Minh tả sứ của Nhật Nguyệt thần giáo với võ công đánh bại quần hùng.
Còn “kép phụ” Trương Tam Phong, đây nhân vật có lẽ được Kim Dung ngầm coi là đệ nhất cao thủ trong tất cả. Ở bộ Ỷ thiên đồ long ký, Kim Dung nói về tiếng cười của Trương Tam Phong khi quán thông được cái lẽ nhu khắc cương trong võ học là: Chính tiếng cười đó đã khai sinh ra một vị đại tông sư trước chưa có ai mà sau cũng không ai theo kịp (tiền vô cổ nhân hậu vô lai giả).
Trương Tam Phong xuất thân từ chùa Thiếu Lâm, với tên Trương Quân Bảo. Sau đó, vì Quân Bảo để lộ võ công thượng thừa nên cùng thầy là Giác Viễn phải chạy trốn khỏi chùa. Trước khi kiệt sức mà chết, Giác Viễn đọc lại toàn bộ Cửu Dương chân kinh cho Quách Tương (sau này sáng lập phái Nga Mi) và Quân Bảo. Sau khi chôn thầy, Quân Bảo lên núi Võ Đang kiếm cái hang luyên tập, ngộ được cái lẽ lấy nhu khắc cương và trở thành cao thủ đệ nhất.
Trong truyện, Trương Tam Phong không mấy khi ra chiêu, cũng chưa từng đấu với cao thủ nhưng sự nổi danh của 7 đệ tử được gọi là “Võ Đang Thất Hiệp” và 2 môn “Thái cực quyền” và “Thái cực kiếm” là đủ để chứng minh trình độ võ công cổ kim hiếm có của ông.
Ai mạnh nhất trong “kép chính”
Với những nhân vật chính, để xét ai là đệ nhất cao thủ trong truyện của Kim Dung là điều rất khó khăn bởi ông không hề đưa ra bất cứ hệ quy chiếu nào. Trong Thiên long bát bộ, theo mạch truyện, ông dành để miêu tả Đoàn Dự, Tiêu Phong (Kiều Phong) và Hư Trúc. Đoàn Dự là Tiểu vương gia Đại Lý, không thích học võ công nhưng vô tình luyện được Lăng ba vi bộ, Bắc Minh thần công và đặc biệt là Lục mạch thần kiếm, là người được Vương Ngữ Yên (cô gái có kiến thức võ thuật uyên bác khẳng định sẽ là đệ nhất cao thủ trong tương lai.
Với Bang chủ cái bang Tiêu Phong thì được thiên hạ gọi là Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung, ám chỉ 2 người võ công cao cường nhất. Tiêu Phong có nội công thượng thừa của chùa Thiếu Lâm, được Uông bang chủ truyền Đả cẩu bổng pháp và Hàng long thập bát chưởng, trong Tụ Hiền trang đã 1 mình đánh lại quần hùng.
Còn Hư Trúc xuất thân là nhà sư Thiếu Lâm, nhờ cơ duyên mà được Tiêu Dao tử truyền nội công tu luyện 60 năm, sau được truyền dạy võ công của phái Tiêu Dao. Trong bộ Ỷ thiên đồ long ký, Trương Vô Kỵ luyện được Cửu dương chân kinh và Càn khôn đại na di của Minh giáo. Sau này chàng còn được Trương Tam Phong truyền 2 bộ Thái cực quyền và Thái cực kiếm.
Nhân vật Dương Quá, cũng là một người võ công thuộc hàng đệ nhất. Chàng học được Độc cô cửu kiếm, lại được 2 tôn sư Đông tà, Tây độc truyền các tuyệt kỹ như Cáp mô công, Lạc anh thần kiếm chưởng…
Trong những bộ truyện ít được biết đến hơn của Kim Dung như Hiệp khách hành, Liên thành quyết, Bích huyết kiếm… cũng xuất hiện những cao thủ võ công kinh thiên động địa. Như Hiệp khách hành là chàng Thạch Phá Thiên. Chàng bị chỉ sai cách luyện công, nhưng vô tình 2 khí âm dương hòa hợp mà nội công cao cường. Sau lại uống Huyền băng bích hỏa tửu, gia tăng nội công.
Cuối truyện, ở đảo Hiệp Khách, chàng lại ngộ được chân lý võ học trong bài thờ Hiệp khách hành, để nội lực tràn đầy dày đặc, hình như có một cỗ vô hình lực đạo thực chất, thật giống như vô cùng vô tận, vĩnh viễn không khô kiệt. Những nhân vật khác như Địch Vân (Liên Thành Quyết), Viên Thừa Chí (Bích huyết kiếm)… cũng đều luyện được võ công thượng thừa.
Các nhân vật nêu trên võ công cực cao, nhưng mỗi người một lộ, một tuyệt chiêu, rất khó đoán định cao thấp. Vì thế, để xét về khái niệm “đệ nhất cao thủ”, ngoài việc võ công cao cường, có lẽ cần tính đến việc dùng võ công đó giúp gì cho dân, cho nước. Nếu xét về những khía cạnh đó, không ai hơn được nhân vật “Anh hùng xạ điêu” Quách Tĩnh.
Quách Tĩnh được Kim Dung miêu tả là người chậm chạp, vụng về, thậm chí là đần độn. Tuy nhiên, ở chàng lại có những đức tính đáng quý như vô tư, chân thật, dũng cảm, hay làm việc nghĩa. Nhân vật này học được rất nhiều loại võ công. Tuổi thơ ở Mông Cổ đã học đấu vật, bắn cung. Được Giang Nam thất quái truyền thụ võ công của cả 7 người; học được nội công phái Toàn Chân. Sau đó, chàng còn bái Hồng Thất Công làm sư phụ và học được Hàng long thập bát chưởng; là người duy nhất học được trọn vẹn bộ "Cửu Âm chân kinh", lại được Chu Bá Thông (sư đệ Vương Trùng Dương) truyền 72 lộ Không minh quyền và thuật Song thủ hỗ bác.
Trong truyện, nhiều lần một mình Quách Tĩnh địch trăm người để bảo vệ thành Tương Dương. Và cũng chính thành Tương Dương đã biến Quách Tĩnh thành hình ảnh mà các anh hùng khác không thể sánh kịp. Chàng đã lãnh đạo quần hùng võ lâm tham gia bảo vệ thành Tương Dương trước sự xâm lăng của người Mông Cổ và đã tử nạn để tận trung báo quốc.