Truyện kiếm hiệp Kim Dung - (Kỳ 2): Lâm Bình Chi, đáng thương hay đáng trách?

(PLVN) - Trong bộ tiểu thuyết “Tiếu ngạo giang hồ” của nhà văn Kim Dung, không ít ý kiến cho rằng, nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất không hẳn là “vai chính” Lệnh Hồ Xung, mà chính là nhân vật phản diện  Lâm Bình Chi. Từ một người mang khí phách, hào hiệp, nhưng vì thù nhà, họ Lâm đã trở thành kẻ độc ác, dám xuống tay giết hại cả người vợ luôn toàn tâm toàn ý yêu thương mình. Vì đâu nên nỗi? Và Lâm Bình Chi thật sự đáng thương hay đáng trách?
Lâm Bình Chi từ đáng thương thành kẻ đáng trách.
Lâm Bình Chi từ đáng thương thành kẻ đáng trách.

Từ chàng trai đáng thương…

Kim Dung đã dành những dòng đầu tiên của bộ “Tiếu ngạo giang hồ” để viết về Lâm Bình Chi. Đây là con trai duy nhất của Lâm Chấn Nam, Tổng tiêu đầu Phước Oai tiêu cục tại tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên của Lâm Bình Chi là Lâm Viễn Đồ, người từng xưng hùng xưng bá trong thiên hạ với 72 chiêu “Tịch tà kiếm phổ”. 

Xuất thân trong gia đình giàu có, nhưng ngay từ đầu, Kim Dung đã cho thấy Lâm Bình Chi là một chàng công tử say mê luyện võ. Chàng cũng thể hiện sự nghĩa hiệp khi trong một lần đi săn, đã vô tình giết kẻ ác nhân chỉ để cứu một cô gái bán rượu. Đáng chú ý, Kim Dung miêu tả cô gái bán rượu kia là người có ngoại hình vô cùng xấu xí. Điều đó góp phần thể hiện Lâm Bình Chi không phải là người tham sắc, ra tay trượng nghĩa vì cái đẹp. Cũng từ biến cố này đã dẫn đến những tháng ngày đầy bi kịch của chàng công tử họ Lâm. 

Người mà Lâm Bình Chi sát hại để cứu cô gái lại chính là con trai của Dư Thượng Hải, chưởng môn  phái Thanh Thành, một môn phái cực lớn mà Trần Chấn Nam đã không ít lần phải sắm sửa lễ vật để làm quen. Âm mưu của Dư Thượng Hải vốn là phái nhóm đệ tử (Thanh Thành tứ tú) và con trai đến để nhòm ngó bí kíp “Tịch tà kiếm phổ” của gia đình họ Lâm.

Việc con trai bị giết hại đã trở thành cái cớ để y thanh toán Phước Oai tiêu cục. Sau khi mở cuộc tàn sát Phước Oai tiêu cục, đám đệ tử phái Thanh Thành đã bắt vợ chồng Lâm Chấn Nam tra khảo để biết chỗ dấu bộ Tịch tà kiếm phổ. Trên đường tìm đám người để cứu song thân là những ngày vô cùng vất vả mà cuộc đời chàng công tử vốn được chiều chuộng có lẽ không bao giờ dám nghĩ tới. 

Nhân vật Nhạc San Linh và Lâm Bình Chi trong phim "Tiếu ngạo giang hồ".
Nhân vật Nhạc San Linh và Lâm Bình Chi trong phim "Tiếu ngạo giang hồ".  

Trên quãng đường này, Kim Dung một lần nữa dùng bút pháp của mình để mô tả về chàng Lâm Bình Chi vô cùng cốt cách. Đó là khi bụng đói meo, thấy bên đường có mấy cây nhãn đầy trái xanh, chàng định thò tay định hái nhưng lại nghĩ: Ta là người trước nay vẫn giữ mình trong trắng. Cây nhãn là vật có chủ, không nói với chủ mà lấy ăn là quân trộm cướp và quyết chí: “Chẳng thà ăn xin quyết không làm đạo tặc”.

Cũng vì đói, xin bắp ngô của một mụ nông dân, chàng bị làm nhục, nhưng vì chữ hiếu, chàng đã nghĩ: “Nếu không nhịn được điều nhỏ mọn thì hư đến việc lớn. Ta chỉ cần cứu được cha mẹ, chấn hưng lại Phước Oai tiêu cục. Bây giờ chịu để mụ đàn bà thôn quê này sỉ nhục một phen cũng chẳng hại gì”.

Sau này, Tái Bắc Minh Đà Mộc Cao Phong, một người võ công cao cường đề nghị chàng khấu đầu bái lão làm sư phụ thì chàng cương quyết từ chối bởi cho rằng lão này là người tà môn, lại không có ý tốt với mình. Thậm chí, khi Mộc Cao Phong ấn tay vào lưng Lâm Bình Chi, nhả kình lực để đe dọa, thì với bản tính quật cường, chính tà phân minh, Lâm Bình Chi vẫn quyết không lạy y làm sư phụ. 

Rất may, Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn đến kịp, cứu mạng Lâm Bình Chi. Sau này, chính Nhạc Bất Quần nhận Lâm Bình Chi làm đồ đệ. Được một “chính nhân quân tử” nhận vào “danh môn chính phái”, những tưởng cuộc đời Lâm Bình Chi sẽ rẽ sang hướng khác tốt đẹp hơn. Tuy nhiên cũng chính từ đây, cuộc đời của chàng là một chuỗi bi kịch. Và cũng chính những bi kịch gia đình cùng ranh giới mỏng manh của chính – tà, đã đẩy Lâm Bình Chi trở thành kẻ phản diện. 

… thành kẻ đáng trách 

Ban đầu, khi lên núi Hoa Sơn học nghệ, vẫn là chàng trai Lâm Bình Chi thuần chất, hiền lành, và thậm chí không ít lần bị Nhạc Linh San (con gái sư phụ, cũng là người đóng giả cô gái bán rượu xấu xí được chàng cứu) bắt nạt. Cũng chính sự nghĩa hiệp trong chàng đã thu phục được trái tim của Nhạc tiểu thư. 

Tuy nhiên, bi kịch nối tiếp bi kịch, tất cả chỉ là sự sắp xếp của âm mưu đầy thâm độc của tên ngụy quân tử Nhạc Bất Quần. Việc Lâm Bình Chi gia nhập môn phái, rồi chuyện tác thành cho con gái với chàng, tất cả chỉ là vở kịch của Nhạc Bất Quần nhằm tiếp cận gia đình họ Lâm để chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ. 

Sau này, khi Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San tìm thấy kiếm phổ giấu trong áo cà sa, chiếc áo này đã bị cướp bởi người phái Tung Sơn. Chiếc áo sau về tay Lệnh Hồ Xung nhưng cuối cùng bị Nhạc Bất Quần cướp đi mà không ai hay. Sau này, cũng vì nghi ngờ sư phụ, Lâm Bình Chi đã khám phá ra sự thật và nhặt lại được kiếm phổ sau khi chiếc áo cà sa bị họ Nhạc vứt xuống vực.

Chỉ vì nôn nóng báo thù cho song thân, Lâm Binh đã chấp nhận hy sinh tình cảm nam nữ với Nhạc Linh San để tự cung (tự thiến) nhằm luyện Tịch tà kiếm pháp. Luyện thành bí kíp, họ Lâm đã giết được Dư Thượng Hải cùng Thanh Thành tứ tú và Mộc Cao Phong để báo thú cho cha mẹ. Nhưng cái giá phải trả là quá đắt. 

Về thể xác, chàng trở thành ái nam ái nữ, rồi bị mù và mất đi đôi tay dưới kiếm của Lệnh Hồ Xung, cuối cùng bị giam giữ dưới hắc lao. Nhưng nỗi đau lớn nhất của Lâm Bình Chi chính là trước khi chết dưới kiếm của họ Lâm, Nhạc Linh San vẫn xin Lệnh Hồ Xung chiếu cố cho chồng. 

 

Dù họ Lâm luyện võ mà hai người không có quan hệ vợ chồng đúng nghĩa, nhưng rõ ràng Nhạc Linh San vẫn luôn dành cho Lâm Bình Chi tình yêu thương hết mực. Chính Nhạc Linh San hiểu rằng, không ai khác, chính Lâm Bình Chi mới là kẻ đáng thương nhất. Chỉ có nàng mới cảm nhận được những nỗi đau mà chồng đã phải chịu. Chưa kể, thậm chí Lâm Bình Chi cũng không lường trước những thay đổi tính cách sau khi luyện bí kíp võ thuật. Ngay cả Đông Phương bất bại cũng đã trở nên tàn độc sau khi luyện Quỳ hoa bảo điển đó sao. 

Rút cuộc, dưới ngòi bút của Kim Dung, Lâm Bình Chi cuối cùng cũng trở thành vai phản diện, một tên xấu xa, nhận cái kết cùng cực. Dường như nhà văn đã có phần cay nghiệt với chàng công tử họ Lâm. Bởi ngay cả một nhân vật vốn xấu xa, hiếu dâm, giết người không ghê tay như Vạn lý độc hành Điền Bá Quang cuối cùng cũng trở thành “anh hùng” khi lấy thân mình bảo vệ cho ni cô Nghi Lâm. 

Tuy nhiên, phần nào ông cũng muốn dựa vào chính nhân vật Lâm Bình Chi để truyền đi thông điệp rằng: Ranh giới chính – tà  luôn vô cùng mong manh. Với một bậc chính nhân quân tử, việc báo thù “10 năm chưa muộn”. Giá như Lâm Bình Chi không quá nóng vội trong việc báo thù. Giá như chuyện tình yêu của thiếu gia họ Lâm và thiếu nữ họ Nhạc đơm hoa kết trái. Giá như và giá như… 

Tất nhiên, không có từ giá như nào cả. Ngay cả người như Nhạc Bất Quần cũng không kìm lại được trước sức hấp dẫn của Tịch tà kiếm phổ để xưng bá thiên hạ thì nói gì đến Lâm Bình Chi muốn luyện võ để báo thù nhà. Nói thế để thấy Lâm Bình Chi thật sự đáng đáng trách, nhưng cũng đáng thương. (Còn nữa) 

Đọc thêm