“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn…"

(PLO) - Tối 5/12, tại TP Hà Tĩnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới, chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời”.
Chương trình nghệ thuật “Tếng thơ ai động đất trời”. Ảnh: Phan Quyên
Chương trình nghệ thuật “Tếng thơ ai động đất trời”. Ảnh: Phan Quyên
Dự buổi Lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. 
Cùng dự có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; ngài Phôm Ma Xi Phế Na - Công sứ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo người dân trên địa bàn.
Thay mặt lãnh đạo Nhà nước phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tự hào nhấn mạnh: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm “Truyện Kiều”, đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Tại buổi lễ kỷ niệm, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, mối liên hệ chặt chẽ ở tác phẩm của Nguyễn Du đối với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO như: liên quan đến khát vọng hòa bình, thơ ca của Nguyễn Du đầy ắp tình yêu của ông đối với con người và các giá trị nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa. 
Các tác phẩm của Nguyễn Du chứa đựng những tình cảm, lương tri và tình yêu của toàn thể nhân dân Việt Nam khiến cho ông không chỉ là một kho báu văn hóa dân tộc mà còn biết đến như người khai sáng cho nhân loại tới nền hòa bình
Vượt qua thăng trầm lịch sử, “Truyện Kiều” và Nguyễn Du đã sống một đời sống đích thực trong lòng của nhân dân. Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du là dịp bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại. 
Đây cũng là dịp để làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đã xác lập gần 30 kỷ lục quanh “Truyện Kiều”
Đã xác lập gần 30 kỷ lục quanh “Truyện Kiều” 
Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ra trong một gia đình khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 
Sự nghiệp thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du trải dài suốt cuộc đời, có cả thơ chữ Hán (tổng cộng 250 bài) và thơ tiếng Việt (chữ Nôm), có cả Đường thi và lục bát dân tộc, có cả thơ trường thiên và đoản thiên. Với kiệt tác “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã khẳng định được vị trí số một trong nền văn học dân tộc Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh văn đàn thế giới.
“Truyện Kiều” được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Có nhiều giả thuyết về thời gian Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh). Trước đây, Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” sau khi đi sứ, tức là sau năm 1814, nhưng hiện có nhiều giả thuyết cho rằng ông sáng tác “Truyện Kiều” trước khi đi sứ. 
Song dù được sáng tác vào thời gian nào, nhưng sự kiện “Truyện Kiều” ra đời là hiện tượng nổi bật nhất của thời kỳ xuất hiện nhiều truyện thơ nổi danh khác như “Phan Trần”, “Hoa tiên”, “Sơ kính tân trang”.
Truyện dựa theo tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thuý Kiều. Nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và những phẩm chất truyền thống cao quý của người phụ nữ Việt Nam như tấm lòng thủy chung son sắt, sự nết na, thùy mỵ, bản lĩnh và nghị lực, thái độ coi trọng nhân cách, coi trọng sự trắng trong của tâm hồn và thể xác... 
Nguyễn Du ca ngợi tài năng đặc biệt của Kiều, hết sức đời thường, gần gũi, như bước vào trang sách từ chính cuộc đời thực.
Kết thúc “Truyện Kiều”, Nguyễn Du tổng kết bằng hai câu thơ đã trở thành kinh điển “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ. 
Đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho “Truyện Kiều” trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển Việt Nam có được giá trị của một “bức tranh đời,” với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng,” chất chứa trong một trái tim lớn.
Thành công của “Truyện Kiều” là nhờ Nguyễn Du đã chuyển thể “Truyện Kiều” từ một tiểu thuyết của người Trung Quốc sang chữ Nôm - ký tự của người Việt và bằng thơ lục bát - thể thơ của người Việt một cách sống động nhất. Những câu thơ lục bát hay nhất trong kho tàng thi ca Việt Nam đều có trong “Truyện Kiều” và mỗi nhân vật trong ấy đều hiện thân cho những phận người, giai tầng trong xã hội phong kiến đầy đau khổ, bất công nhưng vẫn hiện hữu những tình cảm đẹp. 
“Truyện Kiều” bất hủ đã thể hiện một cách sinh động chủ nghĩa nhân đạo cao cả, lòng thương yêu con người tha thiết, ca ngợi vẻ đẹp thể chất và tâm hồn con người, khát vọng giải phóng họ khỏi sự áp bức, bất công, vươn tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc. 
Tác phẩm của Nguyễn Du cũng luôn gắn bó với lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động, với quê hương Hà Tĩnh cũng như truyền thống gia đình, dòng tộc. Chính vì lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và vùng miền nói riêng nên việc đọc và tìm hiểu “Truyện Kiều” là một “đường tắt” đi vào văn hóa truyền thống Việt Nam, đúng như nhận định của cụ Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn...”.
26 kỷ lục của “Truyện Kiều”
Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã trở thành máu thịt, hồn cốt của dân tộc, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với hơn 35 bản dịch, khiến nhân loại phải đi sâu tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Bản dịch gần đây nhất của các nhà thơ Nga và Việt Nam ra mắt bạn đọc đầu tháng 11/2015, thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của tác phẩm này. 
Trong 10 năm qua, đã có 26 kỷ lục Việt Nam dành cho “Truyện Kiều” và liên quan đến “Truyện Kiều” được xác lập, đó là:
- Tác giả có nhiều sách viết về “Truyện Kiều” nhất Việt Nam - Kỷ lục gia: Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế; thời điểm xác lập: 2/2/2005.
- Kim Vân Kiều Tân Truyện - Cuốn sách dài nhất Việt Nam - Kỷ lục gia: Ngô Trần Hải An; thời điểm xác lập: 2/2/2005.
- Quyển Truyện Kiều viết bằng thư pháp nặng nhất - Kỷ lục gia: Nhà thư pháp Nguyệt Đình; thời điểm xác lập: 14/8/2005.
- Vở cải lương Kim Vân Kiều - Hội ngộ tài năng có thiết kế sân khấu lớn nhất - Kỷ lục gia: Kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn; thời điểm xác lập: 22/2/2007.
- Dàn nhạc trong một vở cải lương (Kim Vân Kiều – Hội ngộ tài năng) có nhiều nhạc công nổi tiếng nhất - Kỷ lục gia: Nhạc sĩ Trần Vương Thạch và NSƯT Thanh Hải; thời điểm xác lập: 22/2/2007.
- Đạo diễn lần đầu tiên sáng tạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong một vở cải lương (Kim Vân Kiều - Hội ngộ tài năng) có đội ngũ diễn viên tham gia đông nhất - Kỷ lục gia: Đạo diễn Hoa Hạ; thời điểm xác lập: 22/2/2007.
- Kim Vân Kiều - Hội ngộ tài năng- Vở cải lương có phục trang nhiều nhất thiết kế cho từng nhân vật - Kỷ lục gia: Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng; thời điểm xác lập: 22/2/2007.
- Kim Vân Kiều - Vở cải lương đầu tiên có giá trị đầu tư cao nhất - Đơn vị sở hữu: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; thời điểm xác lập: 22/2/2007.
- Kim Vân Kiều - Vở cải lương tập trung nghệ sĩ diễn xuất nhiều nhất - Đơn vị sở hữu: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; thời điểm xác lập: 22/2/2007.
- Người viết Truyện Kiều trên đá cuội đầu tiên ở Việt Nam - Kỷ lục gia: Nguyễn Văn Tân; thời điểm xác lập: 11/6/2008.
- Bản hợp xướng viết dựa theo Truyện Kiều dài nhất - Kỷ lục gia: Vũ Đình Ân; thời điểm xác lập: 8/9/2008.
- Bộ bình phong 6 tấm về Truyện Kiều chạm khắc gỗ nghệ thuật - Kỷ lục gia: Kiều Ngọc Hưởng, Nguyễn Đức Duyên; thời điểm xác lập: 18/12/2010.
- Người vẽ tranh lụa về Truyện Kiều đầy đủ và nhiều tranh nhất - Hoạ sĩ Ngọc Mai; thời điểm xác lập: 30/10/2011.
- Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới - tạo nên hiện tượng Tập Kiều - Đơn vị sở hữu: Ban quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh; thời điểm xác lập: 15/12/2012.
- Truyện Kiều - Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất - Đơn vị sở hữu: Ban quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh; thời điểm xác lập: 15/12/2012.
- Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược - Đơn vị sở hữu: Ban quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh; thời điểm xác lập: 15/12/2012.
- Truyện Kiều - Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ - Đơn vị sở hữu: Ban quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh; thời điểm xác lập: 15/12/2012.
- Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hoá Kiều - Đơn vị sở hữu: Ban quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh; thời điểm xác lập: 15/12/2012.
- Kiều Nương cửa Phật - Bài thơ có nhiều cách đọc nhất - Kỷ lục gia: Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế; thời điểm xác lập: 21/9/2013.
- Tác giả nghiên cứu có sách viết về văn hoá Kiều nhiều nhất - Kỷ lục gia: Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế; thời điểm xác lập: 21/9/2013.
- Tác giả nghiên cứu có sách viết về Truyện Kiều nhiều nhất Việt Nam (phá kỷ lục Việt Nam); thời điểm xác lập: 29/8/2015.
- Thi phẩm đã đưa tác giả lên hàng Danh nhân Văn hoá thế giới.
- Quyển truyện thơ duy nhất không viết ra để bói mà được nhân dân dùng để bói, tạo nên có hiện tượng “bói Kiều”.
- Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “vịnh Kiều”.
- Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “lẩy Kiều”.
- Tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất. 
Dự kiến, kỷ lục thế giới dành cho “Truyện Kiều” sẽ được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 31 diễn ra vào tháng 3/2016 tại Việt Nam.

Đọc thêm