Và chính những mâu thuẫn xuất phát từ những con người này đã tạo nên sức hấp dẫn cho 2 bộ truyện đặc sắc của Kim Dung là “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu đại hiệp”.
Hoa sơn luận kiếm
Nhắc đến Thiên hạ ngũ tuyệt thì không thể không nhắc đến Hoa sơn luận kiếm. Trong các bộ truyện, Hoa Sơn luận kiếm được nhắc đến 3 lần (hai lần trong bộ “Anh hùng xạ điêu” và một trong “Thần điêu đại hiệp”). Nhưng gần như độc giả chỉ ấn tượng với lần đầu tiên, dù các tình tiết của nó chỉ do những nhân vật trong truyện kể lại.
Khi đó, thiên hạ đại loạn bởi việc tranh giành nhau bộ “Cửu Âm chân kinh”. 5 con người được coi là mạnh nhất võ lâm đương thời đã tổ chức 1 cuộc luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn lạnh lẽo để tìm ra người mạnh nhất và đây cũng sẽ là người được sở hữu “Cửu Âm chân kinh”. 5 cao thủ đó là Đông tà Hoàng Dược Sư, đảo chủ đảo Đào Hoa; Tây độc Âu Dương Phong, chủ nhân Bạch Đà sơn; Nam đế Đoàn Trí Hưng, Hoàng đế nước Đại Lý; Bắc Cái Hồng Thất Công (Bang chủ Cái bang); Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (Giáo chủ Toàn Chân giáo).
Theo lời kể của những nhân vật chứng kiến gồm Chu Bá Thông (sư đệ Vương Trung Dương); Nhất Đăng đại sư (Nam đế Đoàn Trí Hưng sau này đi tu) thì trong mùa đông giá rét, 5 người miệng đàm luận võ công, tay sử chiêu thức khắc địch. Mỗi người một tuyệt kỹ bình sinh. Đông tà có Lạc Anh thần kiếm chưởng, Đàn chỉ thần công; Tây Độc có Cáp mô công; Nam đế có Nhất dương chỉ; Bắc cái có Hàng Long thập bát chưởng; Trung Thần Thông có Tiên thiên công. Sau 7 ngày 7 đêm mới định ra được Vương Trùng Dương là người có võ công cao nhất dù chỉ nhỉnh hơn 4 người còn lại chút ít.
Đỉnh Hoa Sơn nơi Thiên hạ ngũ tuyệt luận kiếm. |
Sau này, còn có hai cuộc Hoa Sơn luận kiếm nữa, với những nhân vật có sự thay đổi. Lần thứ hai là ở cuối bộ “Anh hùng xạ điêu”, chỉ còn Đông tà, Tây độc, Bắc cái và thêm Quách Tĩnh. Lần cuối thì ở cuối bộ Thần điêu đại hiệp. Khi đó Tây độc, Bắc cái và Trung thần thông đã tạ thế. Ba nhân vật được bổ sung vào là Bắc hiệp Quách Tĩnh, Tây cuồng Dương Quá và Trung ngoan đồng Chu Bá Thông.
Ba cuộc Hoa Sơn luận kiếm khác nhau, nhưng dường như nhà văn Kim Dung đã “đóng đinh” cho Thiên hạ ngũ tuyệt chỉ gồm Đông tà, Tây độc, Nam đế, Bắc cái, Trung thần thông bởi những lần sau các cuộc luận kiếm để lại rất ít dấu ấn. Như ở lần thứ 2, việc định ngôi vô địch thiên hạ bị nhạt nhòa bởi điều luật kỳ quặc do chính Hoàng Dung bày ra: Với Đông tà, Bắc cái, ai đánh bại được Quách Tĩnh trong 300 chiêu thì thắng. Sau này Tây độc đột ngột xuất hiện, đánh bại cả 3 người.
Tuy nhiên, rất khó để công nhận y là thiên hạ vô địch bởi võ công của y chỉ là do nghịch luyện “Cửu âm chân kinh” dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Trong khi đó, nhân vật được nhiều người đánh giá là đệ nhất đương thời là Chu Bá Thông thì hoàn toàn không tham dự Hoa Sơn luận kiếm. Ở lần thứ 3 thì sự kiện lại càng thêm nhạt nhòa khi các cao thủ chỉ phân chia thứ bậc qua hiểu biết võ thuật của nhau mà không hề có sự giao đấu.
Như vậy, có thể thấy Hoa Sơn luận kiếm và Thiên hạ ngũ tuyệt tưởng như gắn bó với nhau nhưng quả thật không hẳn như vậy. Và rất khó để nói những nhóm 5 người ở các cuộc luận kiếm lần 2 và 3 là Thiên hạ ngũ tuyệt. Có chăng, những lần sau cũng chỉ tô điểm cho những tình bằng hữu, sự hận thù, ân oán kéo dài triền miên, dai dẳng tưởng như không có hồi kết xuất hiện sau cuộc luận kiếm lần thứ nhất.
Đại diện cho ngũ hành
Đông – Tây – Nam – Bắc - Trung tâm, là 5 hướng, và 5 người trong Thiên hạ ngũ tuyệt đại diện cho năm hướng đó. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu là như vậy dường như chưa đủ. Không nhiều người biết rằng, qua những nhân vật đặc biệt của mình mà Kim Dung thể hiện thuyết âm dương - ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ và sự tương sinh, tương khắc
Theo thuyết ngũ hành và phong thủy, Kim là kim loại, chỉ hướng Tây, biểu tượng màu trắng. Bởi thế từ đầu đến cuối câu chuyện, Tây độc Âu Dương Phong luôn bận cho mình bộ trang phục màu trắng. Không chỉ y, mà ngày cả cháu trai Âu Dương Khắc và đám tì nữ, gia nô cũng luôn mang những bộ y phục màu trắng. Tây độc lại còn là chủ nhân của núi Bạch Đà (núi trắng) và trên tay luôn mang cây gậy bằng sắt. Giọng nói của y cũng được miêu tả giống tiếng kim loại va vào nhau.
Vương Trùng Dương được coi là mạnh nhất trong Thiên hạ ngũ tuyệt. |
Mộc là cây cối, chỉ hướng Đông, biểu tượng màu xanh, ứng với nhân vật Đông tà Hoàng Dược Sư luôn mặc trang phục màu xanh. Chưa kể, Đông tà cũng là chủ nhân của Đào Hoa đảo, với những rừng cây rậm rạp và trong tay luôn cầm cây bích ngọc tiêu (cây sáo xanh làm bằng ngọc). Thủy là nước, chỉ hướng Bắc, biểu tượng màu đen, cũng là ám chỉ nhân vật Bắc cái Hồng Thất công mặt mũi, quần áo đen đúa, nhếch nhác. Chưa kể, cái khéo léo của Kim Dung trong việc vận dụng thuyết ngũ hành đối với nhân vật Hồng Thất Công chính là ở câu “nước chảy chỗ trũng”.
Quả thật, đệ nhất cao thủ, nhưng ông là Bang chủ Cái bang (ăn mày) và tự nhận cũng như được người đời gọi là “lão khiếu hóa” (ông già ăn mày), những người có địa vị thấp (trũng) nhất trong xã hội. Với Nam đế Đoàn Trí Hưng, sau này ông theo con đường tu hành, bận bộ cà sa đỏ, là mệnh Hỏa, chỉ hướng Nam. Chưa kể, sau này chính ông lấy pháp hiệu Nhất Đăng (một ngọn đèn), chính là Hỏa.
Trong khi với Trung thần thông Vương Trùng Dương, ông lập căn cứ ở miền Trung, là mệnh Thổ - đất. Bởi vậy, từ thời còn trai trẻ, để chống giặc, ông từng xây mộ (Hoạt Tử nhân mộ), trước làm căn cứ, sau làm nơi ẩn náu ở sâu dưới lòng đất. Để đánh lừa Âu Dương Phong, ông đã phải giả chết (về với đất).
Năm người trong Thiên hạ ngũ tuyệt đại diện 5 tính cách khác nhau. Với Đông tà thì là người tính tình quái dị, hành sự không theo khuôn phép và coi thiên hạ không ra gì. Tây Độc là kẻ độc ác, xảo quyệt. Nam đế xuất thân là vương gia cao quý. Bắc cái hào hiệp, trượng nghĩa còn Trung Thần thông là người khẳng khái, nhân hậu và giàu lòng yêu nước.
Năm người với những tính cách khác nhau, với những thế mạnh riêng, nhưng tựu trung lại, họ không thoát khỏi cái quy luật tương sinh – tương khắc trong ngũ hành mà Kim Dung đã khéo léo lồng ghép vào trong các bộ truyện. Ví dụ Hỏa khắc Kim và quả thật, trên đời Âu Dương Phong chỉ sợ nhất là Nhất dương chỉ của Nam đế Đoàn Trí Hưng. Vì một chiêu Nhất dương chỉ mà võ công Tây độc bị phế bỏ, phải mai danh ẩn tích ở Bạch Đà sơn 20 năm mới lấy lại được võ công.
Hoặc như việc Thủy sinh Mộc, chính Hồng Thất Công là sư phụ và giúp đỡ rất nhiều cho cả con gái (Hoàng Dung) và con rể (Quách Tĩnh) của Hoàng Dược Sư. Cũng có thể kể đến Mộc khắc Hỏa khi Hoàng Dược Sư chính là người sau đó thâu tóm được Cửu âm chân kinh và giam cầm sự đệ của Vương Trùng Dương là Chu Bá Thông suốt 15 năm trên Đào Hoa đảo.
Như vậy, có thể khẳng định với Thiên hạ ngũ tuyệt, Kim Dung đã vận dụng khéo léo, thể hiện được sự cân bằng, hài hòa trong âm dương – ngũ hành. Và không thể phủ định, những đan xen của hỉ - nộ - ái - ố xuất phát từ Hoa Sơn luận kiếm lần 1 vốn gắn liên với nhóm ngũ tuyệt là yếu tố quan trọng cho sức hấp dẫn của hai bộ tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu đại hiệp”.