“Truyền thông sẽ giúp ngành du lịch đột phá sau dịch giã”

(PLVN) - “Truyền thông du lịch nên chăng thay đổi, thay vì tập trung vào các chương trình truyền hình hoành tráng và tốn kém mà việc đo lường hiệu quả còn gây tranh cãi thì chúng ta nên tập trung vào các loại hình truyền thông tương tác của số đông”.
Ông Trần Việt Dũng - Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Ngày 13/5/2020, Ban Truyền thông thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam được thành lập tại Hà Nội; với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam về công tác truyền thông, thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ông Trần Việt Dũng - Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề vai trò của truyền thông đối với ngành du lịch nội địa trong giai đoạn hậu Covid-19 tại Việt Nam.

Thời điểm vàng hút khách Việt “ mở hầu bao”

Ông từng nói rằng: “Hoạt động truyền thông cho ngành du lịch nói chung và cho Hiệp hội nói riêng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành trong các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này không?

- Không chỉ là du lịch mà còn các ngành công nghệ, tài chính, chứng khoán hoặc các ngành kinh doanh khác đều ghi nhận đóng góp to lớn của công tác truyền thông và tiếp thị. Các tập đoàn lớn ở Việt Nam như tôi biết đều thiết lập các cơ chế truyền thông và đối ngoại như một hoạt động xương sống trong quá trình sản xuất, kinh doanh của họ.

Ở Vingroup, FLC, VietJet, SunGroup, những doanh nghiệp hàng đầu, truyền thông được xem như mũi nhọn. Trong lĩnh vực du lịch, khi một sản phẩm mới hay một dịch vụ du lịch mới ra đời thì hoạt động truyền thông thường được xác định là mục tiêu tiên phong.

Trải nghiệm công nghệ của cá nhân tôi cho thấy khi người dùng quyết định bỏ hầu bao ra để đi du lịch ở một địa điểm nào đấy thì thông tin điểm đến được tìm kiếm và nghiên cứu trước tiên: đến đâu, ở đâu, đi như thế nào, trải nghiệm được gì, giá cả (giá tour, giá vé…), tuyến đường di chuyển, ẩm thực, chụp ảnh, việc nghỉ dưỡng và các dịch vụ đi kèm... Bộ máy tìm kiếm Google thường có những gợi ý tìm kiếm khi bạn gõ từ khoá lên thanh công cụ của họ, là phục vụ cho các request ấy từ người dùng.

Covid-19 làm cả thế giới “lockdown”, ngành du lịch gần như tê liệt, tổn thất nặng nề. Vì vậy, các chương trình kích cầu du lịch từ Bộ VHTT&DL, các cơ quan quản lý du lịch tại các địa phương, cùng với các cơ quan, đoàn thể, mạnh mẽ nhất phải kể đến hoạt động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, liên tiếp được phát động nhằm kích thích việc du lịch, khởi động và phục hồi lại ngành du lịch nội địa.

Và đây cũng là thời điểm vàng để truyền thông phát huy tối đa sự ảnh hưởng của mình. Tôi nghĩ các chương trình truyền thông vừa qua sẽ khiến người dân chú ý, tìm hiểu xem điểm đến hoặc sản phẩm du lịch nào phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của họ và quyết định “mở hầu bao”.

Hiện, Bộ VHTT&DL đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm hướng tới du khách trong nước. Vậy theo ông, công tác truyền thông cho chương trình này cần đặt trọng tâm vào loại hình truyền thông nào là hiệu quả nhất? 

- Hiện nay, do những ưu thế công nghệ đặc thù là tương tác gần như ngay lập tức và không có giới hạn, hình thức truyền thông qua social media (mạng xã hội) rất hiệu quả, thông qua Facebook, Google, Twitter, Tik Tok…, đặc biệt là Facebook.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện chúng ta có gần 60 triệu tài khoản Facebook, với lượng truy cập, thời gian sử dụng hàng ngày rất lớn. Giới truyền thông có thể tận dụng quy mô to lớn và công nghệ vượt trội này để lan tỏa thông tin du lịch ngắn gọn, hấp dẫn, hữu ích đến đúng đối tượng mục tiêu. 

Chẳng hạn, so sánh với loại hình truyền thông khác, các chương trình truyền hình về du lịch thường phải đầu tư hoành tráng, cần nguồn vốn và nhân lực lớn nhưng chưa chắc chắn mức rating cao, lượng người xem lớn, trừ những chương trình có nội dung đột phá, kênh truyền hình còn bị giới hạn bởi khung giờ chiếu.

 Mạng xã hội đang là kênh truyền thông du lịch phổ biến.

Trong khi, người dùng Facebook có thể truy cập thông tin họ cần bất cứ lúc nào, từ những thông tin đơn giản nhất đến những loại thông tin đa phương tiện. Có những trang fanpage du lịch hoặc kênh Youtube thu hút hàng triệu thành viên, tương tác rất tốt, thậm chí có thể tạo trend, dẫn dắt xu hướng du lịch của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Theo tôi, truyền thông du lịch thời kỳ mới cần nghiên cứu sự tiện ích và lan toả chóng mặt của các nền tảng mạng xã hội thay vì tập trung vào các chương trình truyền hình hoành tráng và tốn kém mà việc đo lường hiệu quả còn gây tranh cãi. Trong vài năm gần đây trên mạng xã hội có những “travel blogger”, với lượng người theo dõi rất lớn trên Facebook, Instagram, Youtube, gây ảnh hưởng nhất định đến quyết định du lịch của người dùng mạng xã hội.

Xu hướng này là tất yếu và không thể đảo ngược khi chúng ta hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hoá. Hiệp hội Du lịch Việt Nam mong muốn, ý tưởng kết nối những “travel bloger” ấy lại, lan toả các thông tin nhanh, chính xác, hữu ích và tin cậy về ngành du lịch. Ngay trên tạp chí điện tử TravelMag.vn của Hiệp hội, chúng tôi cũng xây dựng chuyên mục này và đang mời gọi các ‘travel bloger’ có tiếng tăm tham gia.

Khi công nghệ và truyền thông vào cuộc

Ông có đánh giá gì về những thành tựu áp dụng khoa học công nghệ vào việc quảng bá du lịch, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trong thời gian qua? 

- Các nền tảng công nghệ phục vụ cho du lịch hiện nay đang phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Trong 5 năm gần đây, các ông lớn công nghệ đã tiếp thị những nền tảng “home-sharing” (chia sẻ nhà ở) và “booking online” (đặt trực tuyến) như Airbnb, Agoda, Traveloka… Họ đã thay đổi cách đi du lịch của người Việt và tôi nhấn mạnh đó là xu hướng tất yếu.

Du khách thay vì đi tour truyền thống, hầu hết họ đều sử dụng nền tảng công nghệ để lên kế hoạch và thực hiện các cuộc du hành của mình. Ở Việt Nam, ngày càng nhiều người sử dụng công nghệ “booking online” để thực hiện các quyết định du lịch một cách độc lập. Hầu hết các bạn bè tôi biết đều làm vậy.

Nhưng rất tiếc là Việt Nam chưa có nền tảng riêng, am hiểu địa phương và thói quen tiêu dùng của người Việt đủ lớn để hấp dẫn người dùng. Hiện nay, Việt Nam có Công ty TNHH Luxstay Việt Nam phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động theo cơ chế “home-sharing” là Luxstay. Nói cách khác, đó là một dạng “Uber du lịch” và họ đang phát triển rất nhanh.

Theo tôi biết, năm 2019, họ đã quản lý khoảng 22.500 chỗ ở với khoảng 14.000 chủ nhà, doanh thu gần 20 triệu đô la. Đó là thành công bước đầu rất đáng được chúng ta hoan nghênh, góp phần vào việc gia tăng giá trị công nghệ vào hoạt động du lịch và cạnh tranh sòng phẳng với nền tảng công nghệ của các đại gia nước ngoài như AirBnB. Hi vọng trong tương lai chúng ta cũng sẽ có những công nghệ thông minh góp phần vào việc tăng trưởng đột phá của ngành du lịch. 

Sự phổ biến của Internet và mạng xã hội dẫn đến vấn nạn tin giả hoành hành, gây ảnh hưởng, tổn thất đối với các cơ sở kinh doanh du lịch. Theo ông, có những biện pháp nào có thể hạn chế tầm ảnh hưởng của tin giả?

- Tin giả đang là vấn nạn của toàn thế giới, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Còn ở Việt Nam, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, trong đó hành vi sản xuất, phát tán tin giả đã có chế tài, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng sẽ bị xử lý hình sự tuỳ theo hành vi và hậu quả của việc phát tán tin giả.

Ngay Google hoặc Facebook cũng liên tục update những thuật toán tạo những rào cản kỹ thuật hạn chế tin giả. Song, vấn đề còn nằm ở nhận thức của cộng đồng, ý thức tôn trọng những quyền riêng tư và phẩm giá của con người - những “hành lang mỏng manh” mà người dùng mạng xã hội không thể bước qua.

Truyền thông có vai trò gì để ổn định tâm lý du khách hậu Covid-19?

Truyền thông không thể tác động được gì nếu du khách bất an về Covid-19 và không chi tiêu cho du lịch. Hãy để quy luật tự nhiên chi phối việc đó, trước khi dân chúng quyết dịnh đi du lịch thì họ phải quyết định những hoạt động sinh sống hằng ngày của họ. Tôi nghĩ, kích cầu rất cần thiết và việc thực hiện một chương trình truyền thông bài bản thời điểm này có tác động to lớn để đánh thức ngành du lịch sau mấy tháng ảm đạm do dịch giã.

Tại Việt Nam, chúng ta đã khống chế được các nguồn dịch, tụ điểm lây nhiễm và thành tựu đó ai cũng có thể nhìn thấy. Truyền thông về chống dịch thành công cũng là gián tiếp kích cầu du lịch. Du lịch vẫn sẽ phải phát triển do nhu cầu đi lại, nhu cầu di chuyển và trải nghiệm bất tận của con người. Hơn bao giờ hết, ngành du lịch cần những thông tin đúng, trung thực, khách quan về dịch bệnh, về điểm đến và sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo ông, hoạt động truyền thông về du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất là gì?

- Tôi cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là truyền thông du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về các kênh truyền thông. Về mặt công nghệ truyền thông, hiện nay chúng ta chưa xây dựng được lõi công nghệ đủ sức hấp dẫn kết nối những nhà phát triển du lịch, những công ty tổ chức du lịch và người đi du lịch với nhau mà miếng bánh đó rơi vào tay các nhà công nghệ nước ngoài như tôi nói ở phần trên.

Cần nhớ rằng, doanh thu ngành du lịch Việt Nam năm 2018 được công bố là 26 tỷ USD, trong đó lưu trú chiếm 28%, tương đương gần 8 tỷ USD. Năm 2019, Việt Nam đạt doanh thu ước tính là 35 tỷ USD và doanh thu lưu trú ước đạt 10 tỷ USD. Tỷ trọng chi phí dành cho lưu trú rất lớn và theo số liệu mà chúng tôi nghiên cứu thì chi phí lưu trú chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của ngành du lịch. 

Tôi tin là trong tương lai gần, do những yếu tố về địa lý, biển đảo, khí hậu và văn hoá cực kỳ đa dạng và độc đáo, khi có những đột phá về công nghệ và truyền thông, ngành du lịch Việt Nam trở thành một thị trường độc lập, có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với các nước trong khu vực, cũng như trên bản đồ du lịch thế giới.

Chân thành cảm ơn ông đã chia sẻ ý kiến!