Loài chim huyền thoại bất tử
Truyền thuyết kể rằng, có lần Thần Mặt Trời nhìn xuống trái đất thì thấy có con chim lớn đang tung cánh bay giữa không trung, loài chim này có bộ lông óng mượt màu đỏ tỏa ra những tia óng ánh màu vàng vô cùng đẹp mắt. Thần Mặt Trời mê mẩn và ban cho cuộc sống bất tử. Phượng Hoàng nghe thấy vậy vô cùng hạnh phúc, nó lượn một vòng rồi đập cánh bay vút lên cao, hướng thẳng về phía Thần Mặt Trời mà nói rằng: “Ta sẽ dành tặng tiếng hót trong trẻo này cho Thần, để tạ ơn món quà mà Thần đã ban tặng”.
Thời gian trôi qua, cuộc sống bất tử của Phượng Hoàng cũng trở nên nhàm chán. Chim bị loài người truy đuổi, hòng lấy được bộ lông đẹp tuyệt trần kia. Mệt mỏi vì phải trốn chạy loài người, nó bay theo hướng mặt trời mọc, tìm về phương Đông xa xôi. Một ngày, Phượng Hoàng bay qua nơi sa mạc nắng cháy (vùng Tây Á ngày nay), nơi đây không có loài người sinh sống, nó lại một lần nữa được tự do mà không phải trốn chạy, nó cất tiếng hót trong trẻo làm vui cho Thần Mặt Trời.
Phượng Hoàng sống ở đây, trải qua 500 năm vẫn bất tử nhưng nó đã già đi, tiếng hót không còn trong trẻo và nó không thể bay cao như trước nữa. Nó yếu ớt cầu xin Thần Mặt Trời: “Hỡi Thần Mặt Trời, ngài có nghe ta, hãy cho ta sức khỏe và làm ta trẻ lại như xưa”.
Nhưng cứ gọi mãi, Phượng Hoàng không thấy Thần Mặt Trời lên tiếng, nó buồn chán nên bay về nơi cũ, nơi chứa đầy kỷ niệm của tuổi trẻ. Trên đường quay về, Phượng Hoàng thường đáp xuống những nơi có vỏ cây quế và nhặt nhạnh những mảnh lá khô vương vãi. Đến chặng cuối cùng, Phượng Hoàng đậu trên một cây cọ cao lớn. Trên ngọn cây ấy, nó dùng những mảnh quế khô và lá cây xếp thành hình cái tổ. Sau đó nó đi tìm những dòng nhựa thơm trên thân cây quanh vùng, kết chúng lại thành hình quả trứng rồi đem về đặt lên tổ. Phượng Hoàng nằm trên tổ, cất tiếng hót gọi Thần Mặt Trời: “Thần Mặt Trời, ngài có nghe ta, hãy cho ta sức khỏe và làm ta trẻ lại như xưa”.
Lần này Thần Mặt Trời nghe tiếng, ngài nhìn xuống mặt đất, trên đỉnh núi cao nhất, mọc lên một cây cọ, chú Phượng Hoàng mà ngài từng yêu mến đang nằm đó, khoe bộ lông óng mượt đón lấy những ánh nắng mà ngài ban cho. Đúng lúc đó, một phép màu xảy ra, sau một tia sáng chói lòa, toàn thân Phượng Hoàng bỗng hóa thành vòng tròn lửa, đỏ rực cả vùng trời, ngọn lửa sau tắt dần và Phượng Hoàng cũng theo đó biến mất vào không trung.
Phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn. |
Sau khi ngọn lửa vụt tắt, Phượng Hoàng biến mất để lại một đống tro tàn rơi xuống chiếc tổ, đống tro này cuộn vào nhau rồi dần dần tạo thành hình một chú chim nhỏ, chú chim ngày một lớn dần lên cho đến khi thành hình con Phượng Hoàng ngày nào, Phượng Hoàng một lần nữa tái sinh bằng cách đó.
Phượng Hoàng bèn mổ vỡ quả trứng mà nó từng làm từ những giọt nhựa thơm, rồi vun số tro tàn còn sót lại trên tổ vào quả trứng và hàn nó lại. Nó cất cánh bay lên không trung và cất tiếng hót vang trời. Khi tiếng hót của Phượng Hoàng cất lên, bầu trời bỗng trong xanh, cây cối đâm trồi nảy mộc, gió lên thổi mát vạn vật, thời tiết bỗng chốc trở nên dễ chịu vô cùng. Muôn loài chạy ra khỏi nơi trú ẩn như muốn hòa mình vào ánh sáng mặt trời và hát theo.
Vua của những loại chim đập cánh bay vút lên, nhằm về phương Đông, tới vùng sa mạc. Ngày nay, người ta tin rằng Phượng Hoàng là loài chim sống ở phương Đông. Cứ mỗi 500 năm, nó sẽ trở nên già yếu và bay về phương Tây, nơi có cây cọ và ngọn núi cao nhất, làm tổ từ những mảnh quế và đắp một quả trứng từ những giọt nhựa thơm, cứ như vậy, Thần Mặt Trời sẽ giúp nó tái sinh.
Truyền thuyết này đã tồn tại hàng nghìn năm, bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Roman cổ đại. Chính vì sự bất tử và tái sinh kỳ lạ mang màu sắc thần thánh đó mà Phượng Hoàng Lửa trở thành biểu tượng bất hủ xuyên suốt trong nền văn hoá lịch sử từ Tây sang Đông.
Linh vật kiến tạo nên vũ trụ
Theo thần thoại phương Đông, sau khi vị thần Bàn Cổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn loạn, 4 sinh vật khác đã theo ông tồn tại. Đó là Long (rồng), Ly (kỳ lân), Quy (rùa), và Phượng (phượng hoàng). Đây được gọi là Tứ Linh (4 thần linh), đã hợp sức với thần Bàn Cổ để tạo ra thế giới; sử dụng thần thông của mình để tạo ra ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), tạo ra 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông), 4 hướng (đông, tây, nam, bắc). Trong cuộc kiến tạo thế giới thì Phượng Hoàng làm chủ lửa, mùa hạ, và phương Nam.
Sử ký Trung Quốc có ghi lại rằng vua Phục Hi đã từng nhìn thấy chim Phượng Hoàng. Từ điển điển cố có từ thời nhà Thanh, chim Phượng Hoàng có thật chứ không chỉ là “truyền thuyết”, sống trên những tầng núi rất cao, xa xôi mà con người khó nhìn thấy được. Tôn giáo Á Đông tin rằng, Phượng Hoàng là biểu tượng của ân sủng và đức tin, còn là linh vật quyền uy như Rồng. Các hoàng đế Trung Hoa đặt hình tượng Phượng Hoàng trong cung điện hoặc thêu lên hoàng bào, tượng trưng cho chiến thắng, uy quyền.
Một số truyền thuyết mô tả cơ thể của chim Phượng Hoàng như tương ứng với các thiên thể, với đầu của nó là bầu trời, mắt của nó mặt trời, lưng là mặt trăng, chân là trái đất, và đuôi là các hành tinh. Do đó, Phượng Hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới người và Thần. Thân hình của Phượng Hoàng tượng trưng cho năm đức tính của con người: đầu tượng trưng cho đức hạnh, đôi cánh tượng trưng cho tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ, chiếc lưng tượng trưng cho cách đối nhân xử thế khéo léo, bộ ngực là lòng nhân đạo và lòng trắc ẩn và phần bụng biểu thị sự đáng tin cậy.
Bộ lông sặc sỡ của chim Phượng Hoàng bao gồm 5 màu cơ bản của triết học Phương Đông: vàng, trắng, đỏ, đen, xanh; tương ứng với 5 giá trị Nho giáo là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Phượng hoàng lửa trong văn hóa phương Đông là nguồn cảm hứng mạnh mẽ tôn vinh các giá trị truyền thống. Chim Phượng Hoàng kết nối vũ trụ, thiên nhiên, con người với các nguyên tắc đạo đức truyền thống để trở thành biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, đức hạnh và thần thánh.
Từ việc kiến tạo vũ trụ và tỏa sáng các phẩm chất cao quý, Phượng Hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới con người và Thần. Phượng Hoàng là biểu tượng của đạo đức tốt đẹp và sự thông thái, trí tuệ, những phẩm chất được Thượng đế ban cho con người.
Phượng hoàng ban phước lành cho những người đủ may mắn để gặp chúng và báo hiệu những sự kiện đặc biệt. Chẳng hạn, việc trông thấy chim phượng hoàng khi một vị hoàng đế chào đời, có nghĩa là đứa trẻ sẽ lớn lên trở thành một vị vua đức hạnh – là phước lành tốt nhất cho một quốc gia. Trong lịch sử, chim phượng hoàng cũng đã báo sự xuất hiện của những nhà hiền triết vĩ đại, cho thấy sự xuất hiện của đạo đức và sự ổn định.
Có thể nói, chim Phượng Hoàng gắn với nguồn gốc tạo nên vũ trụ, giữ gìn những phẩm chất đạo đức cao quý gắn kết con người với Thần, tỏa sáng vẻ đẹp rực rỡ chói lọi, biểu tượng cho sự tự hủy diệt và tái sinh. Trước khi tái sinh nó phải trải qua một quá trình đau đớn như một sự thanh lọc hóa thành tro những gom góp trong hàng ngàn năm, và rồi từ trong ngọn lửa thiêu đốt tất cả những gì đã qua, nó hồi sinh trong một chu kỳ sống mới mỹ lệ tươi đẹp hơn. Sư rực lửa huy hoàng của nó trở thành biểu tượng mạnh mẽ dự báo một thời kỳ lịch sử sắp kết thúc, một vị vua anh minh đang lên ngôi và một kỷ nguyên mới đang đến gần...