Ngôi đền này gắn liền với truyền thuyết về một trinh nữ tử nạn trên biển được ngư dân địa phương chôn cất và đã hiển linh, được dân tôn thần, lập miếu thờ phụng.
Ra đời từ truyền thuyết
Truyền thuyết kể rằng, Dinh Cô được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, xuất phát từ câu chuyện của một trinh nữ cũng là nhân vật được thờ trong dinh. Cô gái tên là Lê Thị Hồng, tục là Thị Cách, thân phụ là ông Lê Văn Khương, thân mẫu là bà Thạch Thị Hà, nguyên quán tại Tam Quan (tỉnh Bình Định).
Năm 17 tuổi, cô theo cha vào Gia Định buôn bán trên chiếc thuyền gỗ. Khi đi qua vùng biển Long Hải thì chẳng may gặp bão lớn, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào hòn Hang. Dân làng phát hiện đã tổ chức chôn cất cô trên đồi Cô Sơn. Sau đó cô nhiều lần hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, giúp ngư dân nhiều lần tai qua nạn khỏi.
Cho rằng người con gái ấy linh thiêng, dân trong vùng chung công góp sức lập đền thờ nhỏ ngoài bãi biển để hương khói, tôn xưng cô là: “Long Hải Thần nữ Bảo an Chánh trực Nương nương Chi thần”. Ngoài nội dung trên, trong dân gian cũng còn có những lưu truyền khác kể về nhân vật này.
|
Sách “Đại Nam nhất thống chí” từng đề cập đến câu chuyện này: “Ngoài mỏm núi (Thùy Vân) có ngọn Thần Nữ, tục gọi mỏm Dinh Cô, có một đống vừa cát vừa đá, trước kia có người con gái chừng 17-18 tuổi bị bão dạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy, tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ nay vẫn còn”.
Xa xưa Long Hải là vùng đất mới với dân cư thưa thớt, làng chài nghèo khó nên Dinh Cô chỉ là ngôi miếu mái tranh vách đất nằm kề bãi biển. Sau do thủy triều xâm thực nên dân làng đã dời lên chân núi Thùy Vân. Năm Canh Ngọ (1930) điện Cô một lần nữa được dời lên triền núi Thùy Vân ở vị trí hiện nay. Bấy giờ các vị Tiền hiền và nhân dân trong vùng tổ chức quyên góp, xây cất lại Dinh Cô rộng lớn, vững chắc hơn.
Quần thể di tích Dinh Cô gồm đền thờ Cô tọa lạc dưới mõm núi Thùy Vân và khu Mộ Cô nằm trên đồi Cô Sơn, ba mặt giáp biển, cách ngôi điện thờ chừng 1km về phía Đông. Điện thờ Cô gồm ba khối nhà đúc mái ngói nằm liền kề nhau theo chiều ngang của triền đồi. Bên phải Chánh điện là ngôi thờ Tiền hiền Hậu hiền, tiếp đến là phòng trưng bày xiêm y, áo mão của Cô, nơi tiếp khách, văn phòng làm việc của Ban Quản lý…
Lối lên Dinh Cô qua cổng tam quan nằm dưới chân mũi Thùy Vân, trang trí đắp nổi hình rồng và hổ theo quan niệm long hổ hội, phía trên có lưỡng long chầu nguyệt và song phụng chầu. Qua 37 bậc tam cấp là dẫn lên chính điện, có đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, mái uốn cong tương tự đình chùa, nhiều câu đối, câu liễn.
Trong chính điện bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm là bàn thờ Cô (Lê Thị Hồng). Nổi bật với bức tượng Cô cao hơn 0,5 m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến, đội mão gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài.
Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Tiền hiền, Hậu hiền... và các miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát... Tuổi đời trăm năm với nhiều giá trị độc đáo, năm 1995 Dinh Cô đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Độc đáo lễ hội Dinh Cô
Trong năm, Dinh Cô có nhiều lễ cúng vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Tam nguyên (Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Mười), lễ Đoan Ngọ (Trùng Ngũ). Trong đó, quy mô và có ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất là lễ hội Dinh Cô (còn gọi là Lệ Cô hay ngày Vía, ngày giỗ Cô) diễn ra các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch.
Dự lễ hội Dinh Cô không chỉ có người dân trong tỉnh mà còn có cả ngư dân từ Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đến ngư dân Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá… Thậm chí đông đảo du khách từ các tỉnh thành Đông Nam bộ cũng đến với lễ hội vừa mục đích thỉnh cầu, cúng bái và tạ ơn Cô kết hợp tham quan, du lịch.
Các nghi thức chính của lễ hội Dinh Cô gồm lễ thỉnh Long vị Ông Nam Hải, Bà Lớn và bài vị Thần Thành Hoàng về Dinh Cô diễn ra vào sáng ngày 10 tháng 2 âm lịch. Tiếp ngay sau đó là lễ cúng Tiền hiền. Trong buổi chiều cùng ngày là lễ Tụng niệm cầu Quốc thái Dân an theo nghi thức Phật giáo, do các ni cô thực hiện.
Buổi sáng ngày thứ 2 (11 tháng 2) diễn ra các trò chơi truyền thống, lúc này khách thập phương đổ về Dinh Cô ngày càng nhiều. Từ đầu giờ chiều, hàng trăm thuyền ghe của các làng cá trong vùng lẫn các tỉnh thành, được kết cờ hoa lộng lẫy tề tựu về neo đậu và hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức “chầu Cô”.
Ngư dân tin rằng khi ghe thuyền của họ về chầu Cô, nếu trang trí đẹp cũng có nghĩa là bày tỏ lòng thành kính đối với Cô, được Cô phù hộ, giúp đỡ cho thuyền ghe ra khơi bình an và được nhiều tôm cá. Tất cả các thuyền ghe đều ra sức trang trí sao cho thuyền ghe mình đẹp nhất, tạo nên một vùng biển với hàng trăm chiếc ghe trang trí đủ sắc màu.
Buổi chiều là lễ cúng Tiên thường, đây là nghi thức chuẩn bị trước khi bước vào lễ cúng chính thức vào sáng sớm hôm sau. Bấy giờ, người dân và du khách thành kính chiêm bái, dâng phẩm vật lên Cô, từ trầu cau, nhang đèn, giấy vàng bạc, trái cây bánh kẹo đến heo quay, tiền mặt… Họ khấn bái tạ ơn và cầu mong Cô tiếp tục phù trợ cho cuộc sống an lành tốt đẹp, được mùa tôm cá…
|
Khu vực mộ Cô trên đồi Cô Sơn. |
Một trong những nghi thức quan trọng nhất là lễ Nghinh Bà Thủy thần nhập điện diễn ra vào sáng sớm ngày chính lễ 12 tháng 2 âm lịch. Trong nghi lễ này không chỉ Nghinh Bà Thủy thần mà còn có cả nghi thức Nghinh Ông (cá voi) ngoài biển về Dinh. Nghi lễ diễn ra trang trọng với đoàn ghe trên biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, điền phì địa thịnh, bá hộ làm biển nhiều cá, trồng lúa nhiều bông, trồng cây nhiều trái, trồng khoai nhiều củ.
Tiếp đến là nghi lễ cúng Cô với mở đầu là cảnh hát bả trạo tái diễn lao động trên biển, ca ngợi công đức của Bà Thủy thần và Ông Nam Hải phù hộ cho ngư dân, sự giàu có của biển cả và tinh thần đoàn kết của bạn chèo. Lễ vật được dâng lên, các nghi thức cúng bái được tiến hành trang nghiêm, thể thiện lòng biết ơn Cô và ước nguyện của dân làng.
Tiếp đến là lễ Xây chầu Đại bội, với nghi thức chính là khấn niệm trấn tà và cầu cho quốc thái dân an, làng nước yên bình, mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Lúc này có hoạt động hát chầu, vừa để dâng lên Bà Thủy thần và Ông Nam Hải, vừa giúp vui cho dân làng qua lời ca tiếng hát. Xen kẽ chương trình diễn tuồng là múa bông, tam hiền.
Lễ Tống Thánh bắt đầu lúc 0 giờ, cũng là nghi thức cuối cùng. Linh vị Thành hoàng Bổn cảnh, Ông Nam Hải và Bà Thủy thần được rước về lại Đình Thần, Lăng Ông và Miếu Bà. Ngoài nghi thức cúng lễ, lễ hội Dinh Cô còn có các hoạt động như múa lân sư rồng; các trò chơi dân gian và các môn như thi bắt cá, bắt lươn, đập niêu đất, đi cà kheo, thi khiêng cá, kéo co, nhảy bao bố, đua thuyền thúng… diễn ra náo nhiệt, sôi nổi.
Lễ hội Dinh Cô mang nhiều nét đặc trưng, vừa thể hiện tính chất tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân thần (một con người có thật đã hóa thần) và nhiên thần (Bà Thủy, Ông Nam Hải), vừa là lễ hội cầu ngư, thể hiện ước vọng bội thu, được mùa tôm cá của ngư dân… Đây cũng là dịp vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, thưởng thức nghệ thuật sau những ngày lao động vất vả trên biển.