Vị tướng trung dũng tự thiêu để xin chết thay cho lương dân và binh lính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Võ Tánh hay Võ Tính ( ? – 1801) cùng với Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp được người đời xưng tụng là Gia Định tam hùng. Ông là một danh tướng tài ba, đóng góp nhiều công lao thậm chí cống hiến cả tính mạng mình để chúa Nguyễn giành thắng lợi quyết định trước nhà Tây Sơn.
Cổng vào Khu Lăng mộ Võ Tánh ngày nay tại quận Phú Nhuận, TP HCM.
Cổng vào Khu Lăng mộ Võ Tánh ngày nay tại quận Phú Nhuận, TP HCM.

Cậu bé mê học võ thành bậc danh tướng

Võ Tánh sinh tại làng Phước Tỉnh (huyện Phước An, phủ Phước Tuy, thuộc dinh Trấn Biên, Biên Hòa) sau dời về Bình Dương, Gia Định. Lớn lên trong cảnh chiến tranh Tây Sơn – chúa Nguyễn, Võ Tánh được cho đi học chữ nhưng lại thích học võ. Lớn lên Võ Tánh giàu lòng nghĩa hiệp, lại biết võ nghệ, thường đứng ra tập hợp trai tráng chống lại bọn cướp, bảo vệ thôn làng.

Vì không chịu thần phục nhà Tây Sơn, từ năm 1783 đến năm 1788, ông cùng người anh trai tập hợp lực lượng nổi dậy tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn), tự xưng là Nghĩa quân Kiến Hòa (sử gọi là Kiến Hòa Đạo), giương ngọn cờ Khổng Tước Nguyên Võ (Khổng Tước Nguyên là tên chữ của Gò Công), sau trấn giữ cả vùng Gò Công, quân số bấy giờ đã hơn một vạn.

Nghe tiếng Võ Tánh, Nguyễn Lữ cho người tới chiêu dụ nhưng ông cự tuyệt. Được nhiều người ủng hộ, Võ Tánh tiếp tục chiêu mộ quân binh, mua sắm khí giới, xưng là tướng quân, vừa chống lại bọn cướp bóc lẫn quân Tây Sơn. Khi Nguyễn Ánh ở Thái Lan trở về, nghe tiếng Võ Tánh liền sai sứ giả đem hậu lễ tới triệu. Võ Tánh vốn xem Nguyễn Ánh là chính thống của chúa Nguyễn phương Nam nên sau kéo quân đến ra mắt.

Năm 1788, nhận lời mời của Chúa Nguyễn, Võ Tánh dẫn quân đến Nước Xoáy (Sa Đéc) hội binh, được phong là Tiên phong Dinh Khâm sai Chưởng cơ và được Nguyễn Ánh gả cho công chúa Ngọc Du. Từ đây phò mã Võ Tánh giúp chúa Nguyễn lập được nhiều chiến công hiển hách, uy danh lừng lẫy đứng đầu Tam hùng ở Gia Định.

Năm 1790, Võ Tánh tiến đánh thành Diên Khánh, chiếm được phủ thành, đánh bại tướng Tây Sơn là Đào Văn Hồ. Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Khâm sai Quán soái hậu quân Dinh, Bình Tây tham thắng Tướng quân hộ giá. Khi trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận công kiêm lãnh chức Đại tướng quân.

Vốn là một người tài năng lại giỏi binh nghiệp nên Võ Tánh liên tiếp lập nhiều chiến công. Năm 1797, ông theo Nguyễn Ánh ra đánh vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi và giành chiến thắng trước quân Tây Sơn. Năm 1799, ông lại theo chúa Nguyễn tiến đánh Quy Nhơn, nhiều lần đánh bại quân Tây Sơn, chiếm được thành Quy Nhơn (còn gọi thành Hoàng Đế, nay thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định).

Với tài năng và những chiến công to lớn trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, Võ Tánh được nhiều người xem là nhân vật số một trong Gia Định tam hùng. Nguyễn Ánh đã không tiếc lời khen ngợi ông rằng: “Một vị tướng vĩ đại sánh ngang với các anh hùng huyền thoại. Đó là tài sản quý báu của quốc gia”. Khi Võ Tánh tuẫn tiết, chúa Nguyễn đã sánh ông với các anh hùng huyền thoại như Trương Tuần, Hứa Viễn…

Xin chết thay cho dân và lính

Sau khi nắm được thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn bấy giờ đổi tên thành là thành Bình Định giao cho Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu trấn giữ. Năm 1800, sau khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, đại quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng từ Phú Xuân tiến đến bao vây thành Bình Định.

Quân Tây Sơn đắp lũy chung quanh thành và chia quân bao vây bốn mặt, bố trí thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Năm 1801, chúa Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem đại binh ra tìm cách giải vây cho Bình Định. Quân Nguyễn đã đánh tan thủy quân Tây Sơn tại cửa Thị Nại, đây được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong cuộc chiến tranh Nguyễn – Tây Sơn.

Mộ danh tướng Võ Tánh trong thành Hoàng Đế, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định. Mộ danh tướng Võ Tánh trong thành Hoàng Đế, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định.

Sau trận thủy chiến đại bại, tàu thuyền bị đốt cháy gần hết, tướng Võ Văn Dũng đem tàn quân hợp với Thái phó Trần Quang Diệu để vây chặt thành Bình Định, chia quân trấn giữ các đường tiến đến thành. Chúa Nguyễn tiến quân nhiều lần vẫn không giải vây được thành Bình Định, lúc này trong thành lương thực đã gần cạn kiệt.

Trước tình thế đó, Nguyễn Ánh gửi mật tín lệnh cho Võ Tánh rời thành và rút lui, cốt để cứu ái tướng và đại binh. Võ Tánh cho rằng mọi lối thoát đều đã bị chặn nên nếu rút quân cũng khó thoát khỏi giao chiến ác liệt nên mật thư cho Nguyễn Ánh, khuyên chúa Nguyễn rằng lúc này quân Tây Sơn đang đóng ở Bình Định, lực lượng ở Phú Xuân rất mỏng, chính là thời cơ để chiếm lấy Phú Xuân.

“Nếu cái chết của thần mà đổi lại được thành Phú Xuân, thần cũng cam lòng và thần tin rằng việc đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc cứu mạng thần”, thư Võ Tánh viết. Nguyễn Ánh đọc xong xúc động càng không muốn hi sinh ái tướng của mình. Bấy giờ các cận thần thuyết phục chúa Nguyễn nên vì đại cục mà thực hiện theo lời đề nghị của Võ Tánh.

Chúa Nguyễn sau đó để lại lực lượng nhỏ để đối phó quân Tây Sơn, tăng cường cho đội quân của Võ Tánh khi cần thiết, đồng thời lệnh cho lực lượng thủy binh và bộ binh tiến về hướng Phú Xuân. Bấy giờ, thành Bình Định sau hơn một năm bị bao vây đã rơi vào cảnh hết lương thực, thiếu thốn đủ thứ, quân sĩ phải giết voi, ngựa mà ăn. Có người khuyên Võ Tánh nên rời thành nhưng ông gạt đi, quyết sống chết giữ thành.

Một hôm Ngô Tùng Châu đến vấn kế, Võ Tánh khi đó đã nói với vị phó tướng của mình rằng: “Tôi làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn”. Ngô Tùng Châu cười đáp rằng: “Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi. Tướng quân biết chết theo nạn nước, Châu này không biết làm tôi chết với trung sao?”.

Vị phó tướng trở về mặc mũ áo, hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Võ Tánh ngậm ngùi than rằng: “Ngô quân đã hơn ta một nước rồi!”. Sau khi khâm liệm tống táng phó tướng xong ông gửi thư cho tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng rằng: “Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại”.

Rồi ông nói với quân sĩ: “Ta rồi cũng sẽ chết nhưng để giặc không nhìn thấy mặt ta, ta muốn phóng hỏa tự thiêu”. Ông sau đó ra lệnh cho binh lính chất củi và thuốc súng nơi lầu bát giác, rồi mặc triều phục bước lên. Các tướng sĩ cúi rạp người xuống đất kêu khóc, ông vẫy cho họ lui ra xa rồi phóng hỏa đốt. Bấy giờ tiếng khóc của quân sĩ vang thành, đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801.

Sách “Đại Nam thực lục” ghi chép về cái chết của Võ Tánh: “Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy, chảy nước mắt, lấy lễ mà chôn cất. Tướng sĩ trong thành, không giết hại ai cả”. Chúa Nguyễn sau khi chiếm Phú Xuân đã lập tức gửi quân cứu viện Bình Định. Tuy nhiên, quân Nguyễn vừa tới Quảng Ngãi thì được tin thành Bình Định thất thủ.

Chúa lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định coi sóc gia đình của Võ Tánh và truy tặng ông là Dực Vận công thần Thái úy Quốc công. Bài vị Võ Tánh được đặc cách thờ tại Thế Miếu nơi chỉ dành riêng cho hoàng tộc. Vì không đưa được thi hài Võ Tánh về Gia Định chôn cất, năm 1801 Nguyễn Ánh đã cho làm một hình nhân bằng sáp để mai táng. Ngôi mộ gió Võ Tánh ngày nay nằm ẩn sâu trong con hẻm 19 Hồ Văn Huê (phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM).

Xót thương vị dũng tướng chọn cái chết cho riêng mình để người dân và tướng sĩ dưới quyền được bình yên, người dân Bình Định đã lưu truyền câu hát: Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên – Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm! Còn tại ngôi mộ ông ở quận Phú Nhuận hàng trăm năm qua người dân vẫn truyền tụng những chuyện linh thiêng.

Chính vì tấm lòng với binh lính và thường dân vô tội, mà người đời kính thương Võ Tánh, thờ ông ở nhiều nơi từ miền Trung tới miền Nam.

Đọc thêm