Niềm tự hào của nước Anh
Nằm ở trung tâm London trên bờ bắc của sông Thames, Tháp London là một công trình lịch sử tầm cỡ, niềm tự hào của người dân nước Anh. Tháp London nổi tiếng thế giới là một trong những di tích lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn nhất. UNESCO đã công nhận tháp London là di sản thế giới vào năm 1988. Thế nhưng, một trong những yếu tố khiến Tháp London khiến dư luận chú ý là câu chuyện về những hồn ma trú ngụ tại đây.
Tháp London đóng một vai trò nổi bật trong lịch sử Anh. Toà tháp từng bị bao vây nhiều lần, và việc điều hành nó được nhận định là quan trọng như điều hành đất nước. Tòa tháp được xây dựng trong suốt 3 thế kỉ, từ thời kì của vua William – Người chinh phục (William the Conqueror, 1027 – 1087) kéo dài đến hết thế kỉ 14.
Theo đó, sau khi Công Tước William xứ Normandy xâm chiếm Anh Quốc vào năm 1066, ông đã cho xây dựng nhiều pháo đài để ngăm đe kẻ thù là dân Anglo-Saxon. Công sự đồ sộ nhất tọa lạc ngay tại London. Nằm ở góc đông nam của tường thành La Mã cổ, pháo đài này trước kia bằng gỗ được xây lại bằng đá tảng và gọi là Tháp Lớn. Tháp có dạng hình vuông, ngang 32 mét, dài 36 mét với chiều cao 27 mét sừng sững vươn lên bầu trời, nó gieo nỗi sợ hãi trong lòng dân địa phương. Sau khi một vị vua cho quét vôi, Tháp được đổi tên là Tháp Trắng.
Tháp Trắng ẩn chứa những bí ẩn tâm linh không thể lý giải. |
Những vua kế vị lần lượt cho xây thêm những ngọn tháp với kích thước khác nhau, hai bức tường dầy và một hào sâu bao bọc xung quanh, khiến công trình này trở thành một trong những pháo đài khó tấn công nhất ở Châu Âu. Nơi đây cũng đã từng đảm nhiệm các chức năng khác nhau một cung điện hoàng gia, pháo đài và nhà tù dành cho các phạm nhân có địa vị cao.
Trong thời nội chiến, phe nào kiểm soát được Tháp xem như chiến thắng, vì Tháp biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Vào thời bình, Tháp là điểm xuất phát của những cuộc diễu hành long trọng trong ngày lễ đăng quang. Khi ngụ ở đấy, vua và đoàn tùy tùng sống trong những gian phòng được trang hoàng lộng lẫy, và vua chiêu đãi khách quý bằng những yến tiệc linh đình. Tuy nhiên, kẻ thù của vua thì không được đối xử như thế.
Từ năm 1.100 cho đến nửa thế kỷ 20, tòa tháp của London được sử dụng như nhà tù dành cho các tù nhân hoàng gia có địa vị cao, chẳng hạn Nữ hoàng Elizabeth I từng bị giam tại đây. Nơi đây còn có một khu vực để hành hình và tra tấn, một kho vũ khí, một kho bạc, một vườn thú, Royal Mint - xưởng đúc tiền của hoàng gia Anh, một đài quan sát, và từ năm 1303 là nơi lưu giữ các vương miện của Vương quốc Anh. Tòa tháp được tìm thấy vào mùa đông năm 1.066, nó là một phần trong cuộc xâm chiếm Nooc-Măng của Anh quốc.
Những hồn ma bí ẩn
Ngày này, Tháp London đặc biệt thu hút du khách với "dòng sông" hoa anh túc bằng gốm ngay dưới chân tháp. "Dòng sông hoa" này được hình thành từ gần một triệu bông hoa anh túc bằng gốm màu đỏ, mỗi bông hoa màu đỏ này tượng trưng cho một người lính Anh. Thế nhưng, bên cạnh những nét đẹp tiêu biểu về kiến trúc, lịch sử, tháp London còn thu hút khách tham quan bởi các câu chuyện kì lạ về "hồn ma trong lâu đài".
Theo đó, người ta nhìn thấy ma lần đầu tại Tháp London là vào thời vua Henry III, khi các công nhân đang xây dựng bức tường Inner Curtain Wall. Hồn ma tức giận của đức Tổng giám mục Canterbury St Thomas Beckett, người mới bị sát hại, đột nhiên xuất hiện và đập tan bức tường mới với cây thập giá của mình biến nó thành một đống đổ nát.
Vua Henry III đã rất lo ngại về sự việc này, vì St Thomas đã bị sát hại bởi những cận vệ phò tá ông nội của ông, tức vua Henry II. Sau khi suy nghĩ kỹ về cách để chế ngự hồn ma, nhà vua quyết định xây dựng nhà nguyện St Thomas Beckett phía trong những bức tường của tháp London, và may mắn thay hồn ma tức tối của đức Tổng giám mục không bao giờ xuất hiện lần nữa.
Những hồn ma luôn vảng vất tại vả tòa Tháp Trắng và Tháp Xanh. |
Tiếp đó là những hồn ma ở Tháp Xanh, nơi những vụ hành quyết đặc ân được thực hiện, tránh xa đám đông chế giễu khi những kẻ phản bội và tội phạm bị xử tử. Phần lớn những người bị hành quyết ở Tháp Xanh là phụ nữ, trong đó có nữ hoàng Anne Boleyn, nữ hoàng Catherine Howard và Lady Jane Grey. Họ đều phải lĩnh bản án bi thảm tại ngọn tháp, và dân chúng thường đồn đại rằng những bóng ma nữ hoàng vẫn quay lại nơi cuộc sống của họ chấm dứt.
Hồn ma không đầu Anne Boleyn thường lang thang qua những căn phòng trong Tháp London. Vào năm 1864, một người lính bảo vệ đã cả gan thách thức hồn ma không đầu, nhưng anh này đã ngất lịm khi trông thấy lưỡi lê của mình có thể đâm xuyên qua hồn ma mà không gây sát thương. Anne Boleyn cũng đã được nhìn thấy trong hàng đầu một đám rước của các lãnh chúa và công nương.
Hồn ma Lady Jane Grey đã được phát hiện vào năm 1957 nhân dịp kỷ niệm ngày mất của bà bởi hai vệ sĩ dưới dạng một bóng trắng trên tường. Người ta cũng nhìn thấy hồn ma người chồng trẻ của bà, Guilford Dudley đang khóc trong tháp Beauchamp. Nữ bá tước 72 tuổi của Salisbury bị xử tử tại Tháp Xanh vào năm 1541, nhưng bà đã từ chối đặt đầu mình lên bệ gỗ và bị đao phủ dùng rìu tấn công tới chết. Hồn ma của bà thường hay trở lại vào đúng ngày mất trong bộ dạng sợ hãi của người phụ nữ bị tên đao phủ cầm rìu rượt đuổi mãi mãi.
Tiếp đó, Tháp Trắng là khu cổ kính nhất tại Tháp London, nơi các tù nhân bị tra tấn dưới tầng hầm. Những hành lang trong tháp bị ám bởi hồn ma có biệt danh là White Lady. Những đứa trẻ đã phát hiện ra hồn ma này khi nó vẫy tay chào chúng ở tòa nhà đối diện. Bảo vệ tại lối vào nhà thờ St John cũng phàn nàn về việc đột nhiên ngửi thấy mùi nước hoa bí ẩn nồng nặc khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi.
Ảnh một trong số Nữ hoàng bị hành quyết tại tòa Tháp Xanh. |
Trong phòng trưng bày bộ giáp của vua Henry VIII, những người bảo vệ cũng mô tả về một cảm giác nặng nề đến ghê người khi đứng trong căn phòng và nó chỉ biến mất khi họ bước ra. Vào một đêm nọ, một người bảo vệ tuần tra tháp cảm thấy dường như đang có ai đó kéo mình ra phía sau và thắt chặt cổ. Ông may mắn chạy thoát về phòng bảo vệ cùng các đồng nghiệp và kỳ lạ thay, dấu dây thắt cổ vẫn còn nguyên như một bằng chứng không thể chối cãi.
Tháp Máu là "nhà" của hai hồn ma hoàng tử bé nhỏ, con trai của Vua Edward IV. Khi vua cha qua đời, những đứa trẻ bị đưa tới tòa tháp để đợi tới ngày người con cả lên ngôi Vua Edward V. Tuy nhiên, trong khi họ đang ở tháp, người chú ruột độc ác Richard III đã cướp lấy ngôi vua và hai hoàng tử biến mất một cách bí ẩn.
Rất nhiều lời đồn thổi xuất hiện cho tới khi người ta tìm thấy 2 bộ xương trong Tháp Máu vào năm 1674, được cho là của 2 hoàng tử. Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy hồn ma của 2 cậu bé ôm nhau khóc trong sợ hãi. Một số người đã cố gắng tìm tới xoa dịu họ, nhưng nhanh chóng trở nên sợ hãi khi 2 đứa trẻ cứ lùi sâu dần vào bức tường rồi biến mất.
Có thể thấy, Tháp London, cùng với những hồn ma của mình đang ngày càng nhuốm màu thời gian. Dù nhiều năm tháng đã qua đi, những người dân Anh vẫn truyền tụng nhau rằng nếu bạn đủ can đảm, hãy đến Tháp London vào một chiều cuối thu, khi gió bắt đầu thổi mạnh và sương giăng đầy trên bãi cỏ. Những hồn ma sẽ xuất hiện im lặng trong bầu không khí u ám đầy chết chóc…
Mặc dù danh tiếng gắn liền với thoà tháp là hồn ma đáng sợ, thế nhưng Tháp London rất phổ biến với các nhà truyền giáo tôn giáo thế kỷ 16 và các nhà văn thế kỷ 19. Trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới, toà tháp lại được sử dụng như là một nhà tù và chứng kiến cảnh hành quyết 12 người đàn ông vì tội gián điệp. Sau Thế chiến thứ hai, thiệt hại gây ra trong suốt cuộc oanh kích Anh Quốc của Phát Xít Đức (Blitz), diẽn ra từ 7/9/1940-10/5/1941, đã được khắc phục và lâu đài được mở cửa trở lại cho công chúng. Ngày nay, Tháp London là một trong những điểm tham quan du lịch phổ biến nhất của đất nước và được hưởng chế độ bảo vệ của một di sản thế giới.