Đại văn hào người Pháp, nhà văn nhân đạo thế giới, Victor Huygo khi viết tiểu thuyết Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà Paris đã xác định rằng, kiến trúc là chữ viết của thời đại khi cái máy in chưa ra đời, lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc ở đó.
“Nhưng trong mọi trường hợp, dù tương lai kiến trúc ra sao, các kiến trúc sư trẻ một ngày kia giải quyết vấn đề nghệ thuật thế nào, đang khi chờ đợi công trình mới, ta hãy giữ lấy kiến trúc cổ xưa. Nếu có thể, hãy giáo dục lòng yêu mến kiến trúc dân tộc cho nhân dân. Tác giả xin tuyên bố, đó là mục tiêu chính của cuốn sách, một mục tiêu chính của đời mình”. Ông đã viết như vậy vào lần tái bản của cuốn sách này vào năm 1832.
200 năm trước, tình trạng “trùng tu, tu bổ” các kiến trúc cổ xưa tại Pháp khiến nhà văn nhân đạo căm phẫn, ông gọi đó là “hành động báng bổ, phá hoại, nghịch đạo” và cương quyết chống lại. Ông “thực sự đau lòng khi thấy nền kiến trúc trung cổ đó rơi vào bất cứ tay ai, thấy cái cách hiện nay bọn thợ vườn đang đối xử với những hoang tàn của nền nghệ thuật lớn đó. Thật xấu hổ cho chúng ta, những kẻ thông minh, đứng nhìn họ làm và chỉ hò hét phản đối suông”.
Thực trạng của nước Pháp những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đối xử với các kiến trúc cổ xưa sao giống ta bây giờ đến thế! Victor Huygô không chỉ gọi những kẻ “trùng tu” đó là “bọn thợ vườn” mà còn những kiến trúc sư tham gia vào “trùng tu” là “tên thợ nề”, không biết trân trọng giá trị nghệ thuật kiến trúc với hành vi “nhổ cả lúa lẫn cỏ dại, như nhau mà thôi”.
Những kẻ phá bỏ công trình kiến trúc cũ để xây mới là “một gã loại đó đang rạch vào giữa mặt Philibe Đơloócmơ (vị kiến trúc sư xây cung Tuylơri)” và công trình mới của gã này “nặng nề, rất trắng trợn, nằm ngang sõng soài trước một trong những mặt nhà tinh tế nhất của thời Phục hưng”.
Thái độ ứng xử đó của nhà văn đương thời đã phần nào khiến những “tên thợ nề”, “bọn thợ vườn”, “một gã nào đó” chùn tay và nhà chức trách phải thực hiện bổn phận của mình. Chính vì thế mà những kiến trúc rất đáng tự hào của Paris cũng như nước Pháp còn bảo tồn đến ngày nay và là tâm điểm thu hút du khách thập phương, làm nên điểm sáng của kinh đô ánh sáng.
Nhìn lại tình trạng “tu bổ”, “trùng tu” các kiến trúc dân gian đình chùa miếu mạo ở ta hiện tại mà đau xót. Không có từ nào phù hợp hơn đối với các hành vi đó là sự phá hoại không thương tiếc. Người ta đã “hạ giải” không chỉ một công trình kiến trúc mà đồng thời hạ giải luôn cả văn hóa, sự tinh tế cùng nghệ thuật chạm khắc, kiến trúc truyền thống mà đáng lẽ ra phải trân trọng giữ gìn.
Một sự “hạ giải” khác, thuộc lĩnh vực tinh thần và lịch sử là “thay tên, đổi họ” các công trình kiến trúc tâm linh lâu đời, trong tiềm thức của cư dân bằng xi măng, cốt thép, bằng những “đổi mới” đến nỗi không thể nhận ra cái cũ nữa. Thậm chí ngay cả cái tên gọi để ghi nhớ sự phát tích hay khởi nguyên của di tích cũng bị thay đổi khiến không ai còn nhớ hoặc hoang mang không biết đúng sai thế nào.
Chúng ta đều biết đến Tướng quân Nguyễn Quang Bích trong vai trò là lãnh tụ Cần Vương chống Pháp. Tên ông được đặt cho các đường phố, trường học tại nhiều địa phương trong cả nước. Thế mà, ở các di tịch lịch sử đền thờ ông tại các căn cứ nghĩa quân ở Cẩm Khê, Yên Lập (Phú Thọ) lại xuất hiện với cái tên Ngô Quang Bích, thậm chí, người ta còn tạc vào cả bia đá cái tên này.
Đây quả là việc làm có lỗi với bậc anh hùng trong cuộc chiến chống xâm lược mà sinh thời, trong các văn bản có bút tích của ông chưa bao giờ xuất hiện họ Ngô cả.
Chúng ta đã có Luật Di sản và một loạt các Nghị định, Thông tư điều chỉnh lĩnh vực này nhưng xem ra trong nhiều sự việc, người ta “hạ giải” luôn cả pháp luật.
Ngày trước, việc tu tạo Chùa Một Cột hoặc Tháp Bình Sơn diễn ra nghiêm cẩn, phục dựng chính xác từng chi tiết, từng mi-li-mét,... không chỉ đứng vững với thời gian mà còn ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân nước Việt. Điều đó cho thấy, quan trọng nhất là thái độ đối với di tích phải hết sức nghiêm cẩn