Từ cô gái "vô danh" trở thành người dẫn đầu một phong trào trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tạp chí Time của Mỹ đã vinh danh cô gái đầy nghị lực và nhiệt huyết Greta Thunberg là “Nhân vật của năm 2019”.
Truyền thông xã hội biến Greta thành người có tiếng nói ảnh hưởng về biến đổi khí hậu.
Truyền thông xã hội biến Greta thành người có tiếng nói ảnh hưởng về biến đổi khí hậu.

Mấy ai có thể ngờ rằng một cô bé tuổi teen hết sức bình thường này lại có thể làm được những điều khiến nhiều nhà lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới phải quan tâm đến vậy...

Điều khiến cô học sinh người Thụy Điển Greta Thunberg trở nên đặc biệt chính là nhờ câu chuyện ấn tượng về quá trình cô đấu tranh cho biến đổi khí hậu. Và Tạp chí Time giải thích lý do bình chọn “Nhân vật của năm 2019” đối với nhà hoạt động môi trường nhí này là vì cô bé đã cho thấy vai trò dẫn đầu cho một thế hệ mới.

Trước khi nổi tiếng, Greta Thunberg có gì đặc biệt?

Câu trả lời là chả có gì đặc biệt!

Thật vậy, “Nhân vật của năm 2019” - cô bé 16 tuổi người Thụy Điển là người trẻ nhất được Tạp chí Time bình chọn theo truyền thống đã có từ năm 1927. Thế nhưng, chỉ mới hơn một năm trước, tài khoản Instagram của Greta Thunberg trông không có gì khác thường.

Một vài bức ảnh ở tài khoản xã hội này chủ yếu là ảnh cô chiêm ngưỡng thiên nhiên và dắt chú chó của mình, Roxy, đi dạo vào lúc hoàng hôn, trên tuyết và những cánh đồng bát ngát. Và ngoài một vài bài đăng đề cập đến thách thức biến đổi khí hậu, không có gì khác cho thấy cô bé vài tháng sau đó lại trở thành người lãnh đạo một phong trào toàn cầu của những người trẻ tuổi chống lại biến đổi khí hậu.

Greta được tôn vinh trên bìa tạp chí TIME.

Greta được tôn vinh trên bìa tạp chí TIME.

Lớn lên ở Stockholm, Greta và cô em gái là hai học sinh giỏi. Trên Twitter, Greta từng mô tả mình là “một người đấu tranh biến đổi khí hậu cực đoan 15 tuổi với bệnh tự kỷ” (năm 2019 cô bước sang tuổi 16) - hai điều gắn liền với thế giới của cô.

Giống như những đứa trẻ Thụy Điển khác, Greta học về biến đổi khí hậu và cảm thấy đặc biệt bị đe dọa bởi Bắc Cực đang tan chảy. Nhưng khác với các bạn cùng lứa, cô không thể để cho những lo lắng này trôi đi.

“Lần đầu tiên nghe về hiện tượng hâm nóng toàn cầu, tôi nghĩ rằng điều này không thể là sự thật”, Greta từng viết. Greta nghĩ, nếu có một điều nào đó đang đe dọa toàn bộ sự tồn tại của chúng ta thì chúng ta sẽ không nói về bất cứ điều gì khác. “Ngay khi bạn bật TV, tất cả mọi chương trình sẽ phải nói về điều đó. Các tờ rơi, đài phát thanh, báo chí cũng vậy. Bạn sẽ không bao giờ đọc hoặc nghe bất cứ điều gì khác ngoài đe dọa này”, Greta chia sẻ.

Lo lắng này khiến một vài năm trở lại đây, Greta rơi vào trầm cảm và ngừng ăn. Trong lúc đang bị trầm cảm, Greta cãi lại cha mình chỉ vì ông Svante Thunberg liếc nhìn một chiếc Range Rover. Greta cũng nài nỉ bố mẹ tắt mọi ngọn đèn ở nhà. Dần dần, khủng hoảng tâm lý của Greta đã đánh thức cả gia đình về sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Mẹ Greta - bà Malena Ernman là một ca sĩ opera nổi tiếng quyết định không đi máy bay và quyết định này không hề dễ dàng đối với một nghệ sĩ có công việc gần như vĩnh viễn ở nước ngoài. Gia đình Greta thậm chí ngừng ăn thịt. Sau đó, họ quyết định nói về cuộc khủng hoảng này trong một cuốn sách.

Vào tháng 4/2018, Greta xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên cùng với mẹ trong một câu chuyện đăng trên tờ báo Stockholm Svenska Dagbladet (SvD). Cô nói với tờ báo: “Chỉ những người đã trải qua khủng hoảng mới có thể thấu hiểu được khủng hoảng khí hậu”.

Giới trẻ thế giới hưởng ứng lời kêu gọi đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Giới trẻ thế giới hưởng ứng lời kêu gọi đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Hai tháng sau, SvD tổ chức một cuộc thi yêu cầu thanh thiếu niên viết bài gửi ý kiến về biến đổi khí hậu và Greta là một trong những người thắng giải. “Tôi muốn cảm thấy an toàn. Nhưng tôi không cảm thấy an toàn chút nào. Bởi vì làm sao có thể cảm thấy an toàn khi tôi biết rằng chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử loài người?”, cô viết.

Bài viết của cô được xuất bản cùng với hai bài khác và nó đã trở thành bài viết được chia sẻ nhiều nhất trên mạng trong hai ngày liên tiếp. Có thể nói, chính bài viết trên tờ báo địa phương này đã dự báo những gì có thể sẽ xảy ra.

Carina Stensson, biên tập viên mục Tranh luận của SvD, nói với BBC rằng, một trong những nhà báo trong hội đồng tuyển chọn đã nhận ra tài của Greta từ bài viết trước nhưng thực tế “không ai có thể đoán được” Greta sẽ trở nên nổi tiếng đến như thế. “Chúng tôi không thể ngờ. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng bài viết của cô ấy thực sự hay. Cô ấy giỏi viết lách và cô ấy giỏi hùng biện. Chúng tôi nghĩ rằng có một cái gì đó đặc biệt về cô bé này”.

Bước ra thế giới

Đó là những ngày đầu Greta xâm nhập vào phương tiện truyền thông xã hội, nơi mà giờ đây cô có hàng triệu người theo dõi từ khắp nơi trên thế giới, trở thành tiếng nói cho những người trẻ tuổi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Năm 2018, cô bé bắt đầu biểu tình vì môi trường bằng cách bỏ học hầu hết các ngày thứ Sáu để biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển. Ngày 20/8/2018, Greta đăng một bức ảnh mình ngồi bên ngoài Quốc hội Thụy Điển, phản đối việc Chính phủ không có những hành động quyết đoán hơn đối với biến đổi khí hậu.

Bức ảnh được chú thích: “Trẻ em chúng tôi thường không làm những gì người trưởng thành bảo chúng tôi làm. Mà chúng tôi làm y như quý vị làm. Và vì quý vị không quan tâm về tương lai của tôi. Tôi cũng chẳng thèm quan tâm luôn”. Kế hoạch của Greta là nghỉ học cho đến cuộc bầu cử Thụy Điển vào ngày 9/9 để đấu tranh cho biến đổi khí hậu nhưng ban đầu không ai trong số bạn bè của cô tham gia.

Một bài viết từ tháng 8/2018 trên SvD đã tiên đoán rằng “chẳng bao lâu tất cả các cơ quan truyền thông lớn sẽ đưa tin về cô gái 15 tuổi ngồi bên ngoài tòa nhà Quốc hội để phản đối sự phản bội của người lớn về vấn đề khí hậu”. Quả thực, nhờ các nhà hoạt động môi trường và một số người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội mà lời phản đối của Greta đã vượt ra khỏi biên giới Thụy Điển.

Nhiều nhóm nhỏ trong và ngoài nước dần dà tham gia vào nỗ lực của cô. Đến tháng 9 cùng năm thì câu chuyện của Greta được phổ biến trên toàn cầu, với các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, The Guardian và New York Times đưa tin.

Greta được Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres khen ngợi, được cựu diễn viên và Thống đốc bang California là Arnold Schwarzenegger mời đến tham dự cuộc họp khí hậu hàng năm của ông tại Vienna. “Tôi thích thấy một người trẻ không chỉ phàn nàn mà có một hành động gì đó cụ thể. Cô bé này truyền cảm hứng cho tôi”, Schwarzenegger bày tỏ trên Twitter. Greta phúc đáp: “Có thể tin vào tôi. Hẹn gặp lại!”.

Từ đó, cô bé đã trở thành một tiếng nói có trọng lượng chống biến đổi khí hậu, truyền cảm hứng cho hàng triệu sinh viên cùng biểu tình trên khắp thế giới. Như vậy, cô đã khởi xướng cho một phong trào toàn cầu được nhiều người hưởng ứng với hashtag #FridaysForFuture (Thứ Sáu cho Tương lai). Hồi đầu năm 2019, cô được đề cử là một ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình.

Cũng kể từ đó, Greta chiếm sân khấu tại các sự kiện khí hậu cấp cao quốc tế. Nổi bật như Hội nghị Thay đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc tại Katowice (Ba Lan) vào tháng 12/2018 và Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc tại New York ngày 23/9/2019.

Sự nổi tiếng như cồn của cô gái 16 tuổi đã cho phép Greta huy động những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới xuống đường kêu gọi mọi Chính phủ có hành động thích hợp cho hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Ngày 20/9/2019 - trước Hội nghị Thượng định nêu trên vài ngày, hàng triệu người, đa số là học sinh, tham gia vào một làn sóng biểu tình toàn cầu kêu gọi hành động để đối phó với biến đổi khí hậu. Đỉnh cao của sự kiện ở New York là bài phát biểu của Greta.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, các nhà khoa học đã cảnh báo về các dấu hiệu cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang tăng tốc. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, lượng khí CO2 trong khí quyển từ năm 2015 đến 2019 đã tăng 20% so với 5 năm trước.

Giáo sư Brian Hoskins, Chủ tịch Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, Giáo sư Khí tượng học tại Đại học Reading, cho biết: “Chúng ta nên lắng nghe lời kêu gọi từ các em học sinh”. “Đây là một trường hợp khẩn cấp - cần một hành động giảm nhanh chóng lượng khí thải nhà kính xuống mức 0; đồng thời thích ứng với những thay đổi không thể tránh khỏi của khí hậu”, ông nói.

Hội nghị thượng đỉnh lần này chứng kiến một loạt các sáng kiến từ các doanh nghiệp và các quốc gia vừa và nhỏ. Tại Hội nghị, theo Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres, thế giới đang rơi vào tình trạng khí hậu khắc nghiệt và hành động khẩn cấp là cần thiết. “Thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn chưa phải là quá muộn”, ông quả quyết.

Khoảng 60 nhà lãnh đạo thế giới đã có mặt tại một cuộc họp diễn ra trong một ngày này do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tổ chức. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, đất nước của bà sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính lên đến 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) để chống lại sự nóng lên toàn cầu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các tổ chức quốc tế đã cam kết sẽ phát hành thêm 500 triệu đô la viện trợ bổ sung để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thì nói về những điều “đang bắt đầu xảy ra” ở quốc gia này. “Tổng lượng khí thải của chúng tôi đạt đỉnh vào năm 2006, giờ hơn 80% điện năng của chúng tôi đã đến từ thủy điện và điện gió, và chúng tôi đã bắt đầu một chương trình đầy tham vọng. “Chúng tôi đã giới thiệu trước Quốc hội về dự luật không carbon, mục đích là để đảm bảo New Zealand trong ngưỡng 1,5 độ C của mức nóng lên toàn cầu, nhằm tránh gây ra các thiên tai thảm khốc cho các quốc đảo láng giềng ở Thái Bình Dương”, Thủ tướng New Zealand cho hay.

Ông Guterres trước đó cho biết, các quốc gia chỉ có thể phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh nếu họ đem theo các kế hoạch hành động để cắt giảm lượng khí thải carbon. Nhiều nước đang thúc đẩy ngành nhiệt điện than vẫn có mặt như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ấy, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, không được mong đợi xuất hiện tại Hội nghị - nhưng ông được trông thấy dù chỉ trong phút chốc ở khu vực khán giả. Brazil và Ả Rập Saudi là cũng là hai trong số những nước không có mặt.

Trong bài phát biểu đầy cảm xúc và nhiệt huyết, cô lên án các chính trị gia ỷ lại vào người trẻ để tìm câu trả lời cho biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu mà giờ đây đã trở nên nổi tiếng, cô nói: “Điều này hoàn toàn sai. Tôi đáng lẽ không nên ở đây. Tôi đáng lẽ nên đến trường ở phía bên kia đại dương, nhưng tất cả quý vị lại tìm đến giới trẻ chúng tôi để tìm kiếm hy vọng. Sao các ông, các bà có thể làm vậy chứ?”.

“Các vị đã đánh cắp ước mơ của tôi và tuổi thơ của tôi với những lời lẽ sáo rỗng. Chúng tôi sẽ theo dõi các vị”, Thunberg phản đối và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khẩn trương hành động.

Tiếp đến, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc ở Madrid tổ chức sau đó và ngay trước khi được Tạp chí Time bình chọn, cô thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hãy ngưng dùng “PR sáng tạo” để né tránh hành động thiết thực. “Thập kỷ sau sẽ định hình tương lai hành tinh của chúng ta”, cô nói.

Đối diện với chỉ trích

Mặc dù vậy, không phải ai cũng thích thông điệp của cô bé, nhất là những người có quan điểm bảo thủ. Sự nổi tiếng nhanh chóng của Greta cũng thu hút những lời chỉ trích.

Phản ứng với bài phát biểu của Greta tại Liên Hợp quốc hồi tháng 9/2019, trong đó cô cáo buộc các nhà lãnh đạo thế giới ăn cắp tương lai của giới trẻ, Tổng thống Mỹ Donald Trump năm đó, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu đã đăng trên Twitter: “Cô ấy có vẻ như một cô gái trẻ rất hạnh phúc mong chờ một tương lai tươi sáng và tuyệt vời, nhìn thật tuyệt vời”.

Nhiều người cũng xúc phạm Great, thậm chí còn nói cô tuyên truyền cho Đức Quốc xã. Một số người đã nhắc đến bệnh tự kỷ của Greta trong nỗ lực xem cam kết của cô với việc hành động để chống biến đổi khí hậu là một nỗi ám ảnh đến từ bệnh tật của mình.

Đáp lại, Greta đăng một bài trả lời trên Instagram của mình: “Thật tình tôi không hiểu tại sao người lớn lại chọn dành thời gian để chế giễu, đe dọa thanh thiếu niên và trẻ em đang thúc đẩy khoa học, trong khi họ có thể dùng thời gian đó để làm điều gì tốt. Tôi đoán họ chỉ đơn giản là cảm thấy bị đe dọa bởi chúng tôi”.

Stensson, biên tập viên mục Tranh luận của SvD, thì cho hay truyền thông Thụy Điển cũng bị chỉ trích vì đã cung cấp một diễn đàn cho Greta Thunberg. Nhưng Stensson nói rằng các nhà báo địa phương rất cẩn thận trong việc không thể hiện quá mức một người trẻ như vậy.

Bên cạnh đó, Stensson cũng không tin rằng Greta được cha mẹ hoặc bất kỳ ai khác chống đỡ. Malena và Svante luôn khẳng định rằng cuộc biểu tình bên ngoài quốc hội Thụy Điển là sáng kiến của chính Greta. Ngoài ra, Stensson nói rằng thông điệp của Greta rất khó phản bác: “Thông điệp của Greta rất cơ bản, rất rõ ràng, đó là về trách nhiệm với những thế hệ mai sau”, Stensson khẳng định.

Trước đó, cô cũng đã không đồng quan điểm với Tổng thống Donald Trump, người nghi ngờ khoa học khí hậu và rút lại nhiều đạo luật về khí hậu của Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng gọi cô là “một thiếu niên tốt bụng nhưng không có thông tin đầy đủ”. Thủ tướng Australia Scott Morrison thì từng bày tỏ nghi vấn Greta bị các nhà hoạt động khí hậu khai thác.

Tuy nhiên, sau tất cả những chỉ trích, Tạp chí Time đã bình chọn nhà hoạt động môi trường nhí là “Nhân vật của năm 2019”. Tuyên bố quyết định của Tạp chí Time trên kênh NBC, Tổng Biên tập Edward Felsenthal nhấn mạnh: “Cô trở thành tiếng nói lớn nhất về vấn đề lớn nhất mà hành tinh của chúng ta đối mặt trong năm nay, trưởng thành từ chỗ không ai biết đến dẫn đầu một phong trào thế giới”.

“Truyền thống của Tạp chí Time từ khi bắt đầu bình chon danh hiệu Nhân vật của Năm là công nhận cá nhân mà dù tốt hơn hay xấu đi... đã gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các sự kiện trong năm”, vị Tổng Biên tập Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới lý giải.

Đọc thêm