Từ Dự thảo Luật, nghĩ về mô hình giáo dục đại học

 Hội nghị khoa học với chủ đề Nhìn từ Dự thảo Luật Giáo dục đại học nghĩ về mô hình giáo dục đại học Việt Nam vừa được tổ chức trong khuôn khổ  chuỗi sự kiện kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường ĐH Luật TP.HCM.

Hội nghị khoa học với chủ đề Nhìn từ Dự thảo Luật Giáo dục đại học nghĩ về mô hình giáo dục đại học Việt Nam vừa được tổ chức trong khuôn khổ  chuỗi sự kiện kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường ĐH Luật TP.HCM.

Theo PGS-TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM, với định hướng hiện đại trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay, cần quán triệt nguyên tắc: Nếu có những vấn đề gì có thể quy định cụ thể trong Luật thì nên quy định luôn để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Ngoài ra, các vấn đề về giáo dục đại học được quy định một cách chi tiết cũng góp phần khắc phục tình trạng xảy ra trong thời gian qua là văn bản Luật  được ban hành là Luật “ống”, luật “khung”, không thể thực hiện trong thực tiễn. Đó là tình trạng Luật ban hành xong phải chờ Nghị định, Nghị định không thi hành được vì phải chờ Thông tư, thậm chí chờ công văn hướng dẫn...

”Vì vậy, không phải - và không được phép chờ, mà ngay từ thời điểm này, Ban soạn thảo Dự luật đã phải chuẩn bị luôn dự thảo Nghị định” – bà Quỳ đề xuất.

Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng xây dựng mô hình giáo dục đại học của Việt Nam trong thế kỷ 21 cần thỏa mãn ba điều kiện: Không gây xáo trộn lớn đối với thực trạng giáo dục đại học đang tồn tại; Đáp ứng được những đòi hỏi của thời cuộc, tương thích về cơ bản với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; Và, phù hợp với văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội Việt Nam.

Theo TS Qùy, khâu đột phá chính là thu hút nhân lực và nhân tài với ba vấn đề liên quan là cơ chế quản lý, chi phí và bảo đảm đời sống cho người làm giáo dục. Đặc biệt, cần phải có chính sách cụ thể để đãi ngộ, thu hút và “giữ chân” nhân tài cho giáo dục đại học.

 “Nếu nói 5% thành phần ưu tú trong xã hội quyết định sự phát triển của toàn xã hội thì cả 5% đó thuộc trách nhiệm của giáo dục đại học” -  GS-VS. Trần Hồng Quân phát biểu. Vì vậy, xây dựng mô hình giáo dục đại học tiên tiến và một Luật Giáo dục đại học hoàn thiện - là cơ sở của khung pháp lý về giáo dục đại học - chính là góp phần tạo dựng tương lai.

Phong Trần

Đọc thêm