Tự làm quan tài – thú giải khuây “độc” của người già New Zealand

(PLVN) - Không hứng thú với những việc như đan lát thêu thùa hay cắt cỏ, nhiều cụ già ở New Zealand đang chuyển sang sở thích mới: tự tay đóng quan tài cho bản thân. Theo họ, việc này vừa giúp tiết kiệm tiền chi phí mai táng sau này, vừa giúp họ đỡ cô đơn, buồn chán.
Những người già tự tay đóng quan tài cho bản thân như một thú vui.
Những người già tự tay đóng quan tài cho bản thân như một thú vui.

Vừa tiết kiệm, vừa giải trí

Trong khi người già ở các nơi khác trên thế giới tụ tập tại các câu lạc bộ, các trung tâm thể dục hay sinh hoạt tại các câu lạc bộ văn nghệ thì nhiều cụ già tại New Zealand lại đang có sở thích khá độc đáo: lập các câu lạc bộ tự đóng quan tài! Nhiều cụ ông, cụ bà trên khắp nước này đang tận dụng những ngày tháng rảnh rang để cầm búa, cầm cưa tự thiết kế, tự đóng, tự trang trí cho “ngôi nhà” mà họ sẽ an nghỉ sau khi sang bên kia thế giới theo đúng “gu” cá nhân.

Câu lạc bộ người già tự đóng quan tài đầu tiên ở New Zealand do nữ y tá chuyên chăm sóc cho người già Katie Williams thành lập sau khi bà về hưu vào năm 2010. Câu lạc bộ hình thành ngay tại nhà của nữ y tá, theo thời gian, số lượng người tìm đến ngày càng nhiều. Nhiều người đàn ông ở gần đó cũng hăng hái tham gia, khiến cho công việc của họ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hoạt động của câu lạc bộ cũng vì thế mà ngày càng khởi sắc. Khi số lượng người tham gia câu lạc bộ trở nên quá tải so với diện tích của gara, bà Williams quyết định chuyển câu lạc bộ tới một địa điểm đi thuê lớn hơn. 

“Trong số những người già, có rất nhiều người sống trong cảnh cô đơn. Khi đến với câu lạc bộ, chúng tôi không chỉ cùng nhau đóng những chiếc quan tài mà còn tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết mọi người như uống trà buổi sáng, ăn trưa cùng nhau, tổ chức các dạ hội âm nhạc và nhiều sự kiện khác nữa. Thông qua đó, chúng tôi tìm được những người bạn, những niềm vui tuổi già mà chúng tôi luôn mong muốn”, bà Williams cho hay.

Không chỉ giúp người già trở nên bớt cô đơn, câu lạc bộ đóng quan tài do bà Williams khởi xướng còn đem đến lợi ích “nhãn tiền” khác là tiết kiệm chi phí. Theo bà Williams, chi phí để các thành viên trong câu lạc bộ phải bỏ ra để đóng một chiếc quan tài cho chính mình là khoảng 250 USD.

Trong khi đó, nếu đi mua ở ngoài, một chiếc quan tài bình thường có mức giá trung bình là khoảng 3.600 USD. Không chỉ đóng quan tài cho bản thân, các thành viên trong câu lạc bộ còn đóng những cỗ quan tài nhỏ xíu cho trẻ nhỏ để quyên tặng miễn phí cho bệnh viện địa phương phòng khi có những bệnh nhi không may tử vong.

Suy nghĩ tích cực 

Chỉ trong 2 năm, bà Jeanette Higgins (77 tuổi) lần lượt mất đi cả cô con gái yêu quý và người chồng đầu ấp má kề suốt mấy chục năm trời. Cảm giác cô độc và mất mát khiến bà trong suốt nhiều tháng liền luôn thường trực ý định tự tử để được đoàn tụ cùng người thân. Đến một ngày nọ, qua một người bạn, bà lần đầu nghe đến câu lạc bộ tự đóng quan tài.

Sau vài ngày suy nghĩ, bà quyết định tìm đến câu lạc bộ với ý định bắt tay vào chuẩn bị cho hành trình sang bên kia thế giới của mình. Tuy nhiên, sau khi đến với câu lạc bộ, ý định tử tự ban đầu của bà đã dần biến mất, bà không còn nghĩ đến cái chết nữa. Bởi, ở câu lạc bộ, bà không chỉ tìm được niềm vui sống cho bản thân mà quý sinh mệnh của mình hơn. Bà quyết định đóng cho bản thân một chiếc quan tài màu bạc với những kẻ viền xanh và đen để chuẩn bị cho hậu sự.

Ông Colin Barnett cũng là một thành viên của câu lạc bộ cho rằng việc tự tay đóng quan tài là một trải nghiệm đáng để thử. “Khi bắt tay vào đóng chiếc quan tài cho chính bản thân mình, tự tay sơn, trang trí lên đó, bạn sẽ không còn nghĩ nhiều đến cái chết nữa. Tôi thấy việc đối mặt với điều không thể tránh khỏi là cái chết không phải chuyện gì tiêu cực cả. Trái lại, nó đem đến một trải nghiệm đầy xúc cảm và thú vị. Đến nay, tôi cảm thấy vô cùng an yên, sẵn lòng đón nhận sự ra đi bất cứ lúc nào. Chiếc quan tài tôi tự tay làm cho mình cũng đã được để sẵn ở trong nhà, đợi tôi”, ông Barnett vui vẻ nói.

Theo bà Williams, câu lạc bộ của bà có nhiều người dân tộc Maori - một dân tộc thiểu số ở New Zealand, thường sống thành những gia đình lớn với điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Ngoài ra, nhóm đông thứ 2 là những người từng phải đối mặt với khó khăn khi người thân qua đời. “Khẩu hiệu của chúng tôi là khi chưa có người nằm vào đó thì đó vẫn chỉ là một chiếc hộp. Và dù đó chỉ là một chiếc hộp nhưng nó vẫn gắn kết chúng tôi lại với nhau”, bà Williams cho biết. 

Ông Roger Terry và vợ là bà Grace là 2 thành viên lâu năm của câu lạc bộ tự làm quan tài ở Vịnh Hawke. Không mê cắt cỏ, câu cá hay các câu lạc bộ sách, ông bà chỉ chờ đến mỗi thứ 3 hàng tuần để tới câu lạc bộ, để cùng những người bạn già đo đo, đóng đóng. “Chúng tôi có rất nhiều thú vui ở đây. Đến đây, tôi thấy ai cũng trở nên hoạt bát hơn”, ông Roger cho biết.

Còn bà Grace cũng đã tự làm cho mình một chiếc quan tài màu tím hoa cà, được trang trí bằng những bông cẩm tú cầu xinh đẹp. Sau khi làm quan tài cho chính bản thân xong, ông bà vẫn tích cực đến câu lạc bộ để làm những quan tài khác vì mục đích từ thiện hoặc giúp những thành viên khác làm “nhà” cho họ. “Tôi thấy việc này rất có ý nghĩa về mặt xã hội”, bà Grace nhận định.

Mô hình đang được nhân rộng

Từ mô hình ban đầu của bà Williams, câu lạc bộ người già tự làm quan tài đã không chỉ lan tỏa mạnh mẽ khắp New Zealand mà phong trào người già tự làm quan tài cũng đã hình thành ở nhiều nước khác, như Australia. Tại khu vực Ulverstone ở Tasmania, Australia, một câu lạc bộ có tên Câu lạc bộ áo quan cộng đồng cũng đã thu hút được hơn 100 thành viên. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của những người tình nguyện, các cụ già đang tỉ mỉ tự làm quan tài cho bản thân và gia đình. 

Người tổ chức câu lạc bộ Lynne Jarvis cho biết bà đã nhận được tin nhắn và cuộc gọi của hàng chục người từ khắp cả nước nhờ chia sẻ về thiết kế quan tài hay về những bí kíp để có thể mở một câu lạc bộ tương tự. “Có những người đàn ông ở New South Wales hay một số người ở Victoria đã liên lạc với tôi, nhiều người đích thân tìm đến để tham khảo mô hình”, bà cho biết. Thậm chí, có cả những người từ Mỹ, Canada và Anh cũng đã đến với câu lạc bộ của bà.

Giám sát của Câu lạc bộ West Moonah Simon Fraser cũng cho biết ông hy vọng câu lạc bộ của ông sẽ thu hút thêm được nhiều thành viên hơn vào cuối năm. “Cái chết không phải chuyện dễ dàng để mọi người có thể đề cập với nhau. Vì vậy nên tôi nghĩ những câu lạc bộ như thế này sẽ tạo cơ hội tốt để mọi người có thể tán gẫu, tâm sự với nhau về cái chết một cách dễ dàng và cởi mở”, ông Fraser nhận xét.

Đọc thêm