Tư pháp tham gia cuộc chơi chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới rồi, tòa án ở Thụy Điển và ở Iran đã có những phán quyết và hành xử khiến cho mối quan hệ chính trị giữa hai nước này trở nên thêm căng thẳng và tồi tệ. Thật ra, ở thời trước khi có những động thái nói trên thì mối quan hệ song phương này vốn đã không được ổn thỏa.
Nhiều người biểu tình phản đối việc thi hành án tử hình đối với Ahmadreza Djalali.
Nhiều người biểu tình phản đối việc thi hành án tử hình đối với Ahmadreza Djalali.

Ở Thụy Điển, tòa án mở phiên tòa xét xử vụ việc một công dân của Iran bị bắt giữ và cáo buộc là “tội phạm chiến tranh”. Người này bị bắt giữ khi đến Thụy Điển năm 2019. Ông ta bị cáo buộc đã tham gia tra tấn và sát hại nhiều người ở Iran vào năm 1988. Có người tự nhận là nạn nhân trong số đó tố cáo người Iran kia ở Thụy Điển. Tòa án ở Thụy Điển chấp nhận thụ lý chuyện tố cáo.

Cơ sở cho việc chấp nhận này là tòa án ở Thụy Điển áp dụng cả cái gọi là “Nguyên tắc luật thế giới”. Theo đó, tư pháp ở Thụy Điển tự nhận về thẩm quyền xét xử cả những vụ việc hoàn toàn chẳng liên quan gì đến Thụy Điển, xảy ra ngoài phạm vi lãnh thổ Thụy Điển và chẳng hề dính dáng gì đến công dân Thụy Điển. Chỉ riêng điều này thôi đã có thể thấy chủ ý làm chính trị thế giới của tư pháp ở Thụy Điển.

Phiên tòa xét xử công dân Iran nói trên kéo dài 89 ngày. Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi phía công tố ở Thụy Điển đòi kết án tù chung thân bị cáo ở phiên tòa, tòa án ở Iran cho biết sẽ thi hành án tử hình vào ngày 21/5 tới đối với Ahmadreza Djalali - một người có cả quốc tịch Iran lẫn quốc tịch Thụy Điển đã bị tòa án ở Iran kết tội hoạt động gián điệp và phán tội tử hình.

Người này bị phía Iran bắt giữ năm 2016 khi đến Iran để tham dự một hội nghị khoa học quốc tế. Năm 2017, người này bị đưa ra xét xử ở một tòa án tại Iran. Phía công tố cáo buộc anh ta hoạt động gián điệp cho Israel. Tòa án ở Iran tuyên án tử hình đối với anh ta. Vợ chồng người này đi khỏi Iran vào năm 2009 và định cư ở Thụy Điển.

Tư pháp ở Iran không công nhận công dân Iran có hai quốc tịch và luật pháp hiện hành ở Iran không cho phép công dân Iran được thôi quốc tịch Iran. Quốc gia có luật pháp quốc gia riêng và luật pháp của Iran đương nhiên có nhiều khác biệt và thậm chí cả mâu thuẫn nữa với luật pháp của Thụy Điển. Nhưng vì bị cáo trong phiên tòa ở Iran có cả quốc tịch Thụy Điển nên vụ xét xử không thể tránh khỏi tác động chính trị và pháp lý đối với Thụy Điển. Có nghĩa là nhờ phiên tòa mà tư pháp ở Iran có thể gây nên tác động chính trị tới mối quan hệ với Thụy Điển.

Ở đây rất khó có thể phân định ai đúng hay ai sai giữa Iran và Thụy Điển. Ai cũng quả quyết mình có lý trong chuyện này. Bên nào cũng có trách nhiệm bảo hộ công dân nên Iran phải lên tiếng khi công dân bị tòa án Thụy Điển xét xử và phán tội, cũng như Thụy Điển phải lên tiếng khi người đã được Thụy Điển cho nhập quốc tịch bị tòa án ở Iran đưa ra xét xử và phán tội tử hình. Cả hai bị cáo trong hai phiên tòa này đều phải ý thức được về những rủi ro pháp lý đối với họ khi tới hai nước.

Những gì xảy ra ở Iran hồi năm 1988 là chuyện chính trị nội bộ ở Iran nhưng tư pháp Thụy Điển lại coi là chuyện của họ. Chuyện cáo buộc hoạt động gián điệp ở Iran cho Israel là chuyện riêng giữa Iran và Israel, nhưng lại liên quan đến người mà Iran không công nhận có quốc tịch Thụy Điển. Nếu như mối quan hệ giữa Iran với Israel và Thụy Điển không trắc trở và đối địch thì sẽ không có chuyện tư pháp làm chính trị như thế này.

Tư pháp hai nước đã chơi cuộc chơi chính trị riêng của họ mà bản thân chính trị không thể chơi được. Ở đây, hai bên “lòng vả cũng như lòng sung”. Thụy Điển xét xử công dân Iran để phía Iran không tử hình công dân Iran được Thụy Điển cho nhập quốc tịch, còn phía Iran dọa thi hành án tử hình để răn đe phía Thụy Điển.

Đọc thêm