Có nên thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực?

(PLO) - TANDTC muốn lập TAND sơ thẩm khu vực nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện hiện nay, còn  VKSNDTC lo quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực gặp nhiều khó khăn…
Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang: Vấn đề thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực đã được thống nhất
Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang: Vấn đề thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực đã được thống nhất
Tổ chức TAND sơ thẩm và VKSND khu vực để thu gọn đầu mối, tăng chất lượng hoạt động tố tụng, bảo đảm sự độc lập với chính quyền địa phương, nhưng rất có thể sẽ hạn chế điều kiện tiếp cận những “chỗ dựa công lý” của người dân do TAND sơ thẩm và VKSND khu vực có thể gồm nhiều huyện.
Giải quyết “cái khó” của cấp huyện
Khảo sát của TANDTC và VKSNDTC đều cho thấy thực trạng “quá tải” của Tòa án với khoảng 3.000 vụ việc/năm, trong khi có Tòa án chỉ giải quyết dưới 10 vụ việc/năm, thậm chí không giải quyết vụ việc nào, dẫn đến sự “cùn mòn” chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ. 
Dù vậy, việc tổ chức, bố trí nhân sự lại không khác nhau nên nguồn lực đầu tư bị dàn trải, thậm chí là thách thức lớn trước xu hướng tăng đơn vị hành chính cấp huyện.
Hơn nữa, hiện hơn 80% số vụ việc mà TAND thụ lý hàng năm thuộc thẩm quyền của cấp huyện, kéo theo tỷ lệ án tồn đọng của cấp huyện bao giờ cũng ở hàng “top”: khoảng 80% lượng án tồn đọng của TAND. Do đó, ngay trong Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), TANDTC muốn thành lập TAND sơ thẩm khu vực để khắc phục được những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện hiện nay.
Nhưng VKSNDTC thì cho rằng, tổ chức VKSND khu vực “theo” TAND trong khi cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp vẫn tổ chức theo cấp hành chính (cấp huyện) sẽ khiến quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với việc thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. 
Bên cạnh đó, việc thành lập VKSND khu vực không giảm được nhiều số đầu mối vì những nơi cần thu gom đầu mối lại là những nơi địa bàn rộng, khó khăn cho việc đi lại. Ngược lại ở những địa bàn rộng, thuận lợi như một số thành phố lớn cũng không giảm bớt đáng kể đầu mối vì khối lượng công việc mỗi quận đã rất lớn, nếu sáp nhập nhiều quận vào một khu vực phải có trụ sở mới trong điều kiện các địa phương đã hết quỹ đất.
Đặc biệt, trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, thu nhập của đại bộ phận nhân dân còn thấp, việc thực hiện chủ trương thành lập TAND và VKSND khu vực sẽ làm cho người dân gặp khó khăn trong việc đi lại khi cần liên hệ công việc với TAND và VKSND khu vực. VKSND đề xuất tổ chức VKSND tương ứng với TAND sơ thẩm đặt tại cấp huyện để “tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ, đồng bộ về hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo điều kiện để người dân nhanh chóng tiếp cận với các cơ quan tư pháp, giảm thiểu chi phí của người dân, xã hội và Nhà nước trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc tư pháp”.
“Gộp” vào khu vực để độc lập
Bản thân TANDTC cũng đã dự trù về khả năng việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực có thể gây khó khăn cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án, TANDTC dự kiến đối với những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, hệ thống giao thông liên lạc không thuận lợi và không  phải là nơi đặt trụ sở của TAND sơ thẩm khu vực thì trụ sở của TAND cấp huyện ở những huyện này được giữ làm trụ sở chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực, là nơi thụ lý, giải quyết, xét các vụ việc dân sự trên địa bàn và xét xử lưu động một số vụ án hình sự theo yêu cầu phục vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật hoặc các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương. 
Song với VKSNDTC, tổ chức “chi nhánh” tại các đơn vị cấp huyện không có trụ sở của TAND sơ thẩm và VKSND khu vực “thì cơ sở vật chất và số lượng cán bộ càng dàn trải, tốn kém hơn hiện nay”. Bên cạnh đó, “nếu tổ chức TAND và VKSND theo khu vực với mục đích bảo đảm độc lập với chính quyền địa phương cấp huyện sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện tốt nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn”. 
Việc TAND sơ thẩm và VKSND khu vực có được thành lập hay không còn chờ Quốc hội quyết định khi xem xét Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) tại các kỳ họp trong năm nay. 
Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Trước đây có 500 huyện, điều kiện khó khăn hơn hiện nay nhưng hoạt động của TAND và VKSND vẫn được đảm bảo, nên không thể viện lý do thành lập Tòa án khu vực, giảm đầu mối Tòa án là gây khó khăn cho dân”, mà cần đồng thuận cao với việc thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực. 
Cùng tán thành, bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương - cho biết, việc tổ chức TAND và VKSND cấp huyện hiện theo mô hình khu vực sẽ đảm bảo tính độc lập của TAND và VKSND với chính quyền địa phương, tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ nhờ có nhiều điều kiện cọ xát thực tiễn xét xử, giải quyết các vụ án, nguồn lực đầu tư được tập trung hơn so với việc đầu tư cho hơn 700 đầu mối cấp huyện hiện nay. 
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận thấy “thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực sẽ tránh tình trạng “mỗi huyện một tòa” và để tránh những biến động khi chia tách đơn vị hành chính...                
Tại Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sáng qua (31/3), Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang nhấn mạnh, vấn đề thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực đã được thống nhất, đề nghị các cơ quan chuẩn bị các đề án, dự thảo luật liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, bổ sung các lập luận có cơ sở khoa học và thực tiễn, nâng tầm của các dự thảo luật, chỉnh lý các dự thảo này theo hướng mở, quan tâm, nghiên cứu, cân nhắc kỹ trên cơ sở phù hợp với đường lối của Đảng và Hiến pháp những vấn đề mới phát sinh để hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội.

Đọc thêm