Tủ sách sau lưng chủ tịch xã, người dân có dám mượn?

 Tại một phiên thảo luận về dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật  của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói, đại ý rằng, bà đi cơ sở, thấy nhiều nơi, tủ sách pháp luật đặt ngay sau lưng chủ tịch xã, do chủ tịch giữ chìa khóa. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt dấu hỏi liệu đặt sách ở vị trí như thế, người dân có dám đến mượn, đến đọc không?.
Tại một phiên thảo luận về dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật  của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nói, đại ý rằng, bà đi cơ sở, thấy nhiều nơi, tủ sách pháp luật đặt ngay sau lưng chủ tịch xã, do chủ tịch giữ chìa khóa. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt dấu hỏi liệu đặt sách ở vị trí như thế, người dân có dám đến mượn, đến đọc không?.
Ảnh minh họa.

Đây không phải là vấn đề mới nhưng thực sự đó cũng là một câu chuyện dài mà ngành Tư pháp đã thấy rõ ngay từ những ngày đầu mới có chủ trương xây dựng tủ sách pháp luật. Đành rằng, việc trang bị sách phục vụ cho cả hai nhóm đối tượng là cán bộ và nhân dân song thực tế, nếu tủ sách đặt ở Ủy ban cấp xã thì chỉ có cán bộ dùng là chủ yếu.

Người dân rất ngại khi phải đến “mượn” chính quyền trừ khi họ có việc thật cần kíp liên quan đến pháp luật. Như vậy, tức là hiệu quả của tủ sách pháp luật thực sự chưa được như mong muốn, trong khi hàng năm ngân sách nhà nước ở địa phương dành cho trang bị sách pháp luật nhiều nơi không phải là nhỏ.

Để khai thác tối đa hiệu quả của tủ sách pháp luật, nhiều địa phương đã có nhiều hình thức “cải biên”, từ tủ sách chia ra thành các ngăn sách, túi sách, địa điểm cũng không còn cố định ở trụ sở Ủy ban mà chuyển ra điểm bưu điện văn hóa xã, thôn làng, nhà văn hóa, ấp nhân dân, đình làng, ở cơ quan, trường học, doanh nghiệp.

Bất cứ nơi nào có thể sinh hoạt cộng đồng sẽ có mặt sách pháp luật. Thậm chí, để sách pháp luật không “nằm chết” một chỗ, nhiều địa phương còn cho sách đi lưu động bằng hình thức gùi sách, giỏ sách pháp luật đem tới các ngôi chùa, cụm dân phố, khu công nghiệp…

Tủ sách pháp luật với kỳ vọng sẽ là một kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả, ngay từ những ngày đầu đã dành được sự quan tâm đáng kể của chính quyền địa phương trong đầu tư đóng tủ, trang bị sách. Chỉ đến tháng 8/2008 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng được tủ sách pháp luật ở trên 10 ngàn xã, phường, thị trấn. Sau này, tủ sách pháp luật còn có mặt ở khắp nơi, cơ quan, doanh nghiệp, trường học…

Thế nhưng, bên cạnh những nơi coi trọng việc khai thác sách bắt đầu từ việc đặt tủ sách ở một chỗ hợp lý, thì đúng như Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, nhiều nơi, sách vẫn nằm sau lưng chủ tịch xã, do chủ tịch xã giữ chìa…

Phổ biến pháp luật là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, thiết nghĩ trong điều kiện kinh phí cho công tác này còn nhiều khó khăn thì cần biết “tận dụng” ưu thế của các kênh tuyên truyền và việc này nên bắt đầu từ những điều giản đơn nhất, ví như nơi đặt tủ sách pháp luật.

P.V.

Đọc thêm