Tự sự của nàng lái “máy bay ông già“

Đàn ông lấy một cô vợ hơn một vài tuổi đã bị thiên hạ gắn cho cái mác “phi công trẻ lái máy bay bà già” và đàn bà lấy chồng hơn vài chục tuổi cũng gặp không ít khó khăn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Chiều hôm trước, tôi vô tình gặp lại một cô bạn cũ thời cấp ba. Nghe đâu bạn lấy chồng từ hồi mới tốt nghiệp phổ thông. Cưới bạn, cả lớp chúng tôi không được mời chung vui. Đơn giản vì chồng bạn bằng tuổi bố bạn, bạn sợ tiếng lấy chồng già, sợ chúng tôi chê cười, và bắt đầu cuộc hôn nhân không một lời chúc phúc từ bạn bè. Nàng cưới trong im lặng.
Bốn năm không gặp, bạn vẫn trẻ trung và xinh đẹp như ngày nào. Nếu có khác đi chăng nữa thì chắc là bạn biết chăm chút bản thân nhiều hơn, ăn mặc hợp thời hơn và trầm tính hơn. Chồng bạn là bạn của bố vợ. Họ quen nhau khi ông chuyển công tác về quê bạn để xây dựng nhà máy mía đường. Một ngày, họ trao nhau tiếng yêu với danh xưng chú-cháu. Lắm lúc, bạn thấy có lỗi khi gặp ánh mắt bối rối của cha bạn khi chồng một tiếng cha, hai tiếng cha hay sự ngập ngừng của mẹ khi kêu chồng mình một tiếng con rể. Bạn cũng thương chồng khi phải gọi bạn bằng cái danh xưng của những bậc sinh thành.
Con gái vừa học hết cấp 3 đã vội vàng lấy một ông chồng bốn mươi mấy tuổi, người ngoài nhìn vào cứ tưởng bạn lấy chồng vì địa vị và tiền bạc của ông hoặc vì bạn “trót dại” chứ chẳng ai tin vào một tình yêu nào hết. Đúng là gia đình ông giàu có nhưng bạn lấy chồng vì tình cảm bạn dành cho chồng, vì sự ấm áp trong những cái ôm siết chặt, cái bờ vai vững chãi và cả sự chín chắn trong cách suy nghĩ của ông - điều mà bạn không tìm thấy ở những người bạn trai cùng tuổi chứ chẳng phải một sự lỡ làng “ăn cơm trước kẻng” nào hết.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Cạnh chồng, bạn thấy mình được chở che, an tâm và bình yên lạ. Ông không bao giờ suồng sã, không chấp nhặt những điều vợ chưa đúng. Ông bình tĩnh, điềm đạm, tôn trọng quyết định của vợ và hơn hết, ông không bao giờ coi vợ là một con nhóc mới tập tành yêu đương. Ông chân thành và nghiêm túc trong mọi mối quan hệ và không hời hợt như những cậu trai bạn từng thương. 
Ông biết cách làm cho vợ vui, ông biết chia sẻ những nỗi buồn đang thơ thẩn trong mắt vợ. Ông cho vợ niềm tin về một gia đình nhỏ, có ông, có bạn và những đứa con. Yêu ông, bạn chấp nhận sự phản đối của gia đình, dòng họ, chấp nhận những tiếng chê bai của người đời.
7 năm làm vợ, thỉnh thoảng bạn cũng thấy chạnh lòng khi bạn bè cùng tuổi đang vô tư tận hưởng tuổi thanh xuân, học hành, chơi bời trong khi bạn đã con bồng, con bế, suốt ngày lu bu với công việc, nhà cửa, con cái. Lắm lúc có đám cưới bạn, bạn lén đi một mình mà không có ông, một phần vì bạn ngại với bạn bè, phần nữa là sợ ông không thoải mái. 
Rồi cũng không ít khi nàng tủi thân, òa khóc như một đứa trẻ, làm nũng ông, giận hờn ông vô cớ hoặc vợ chồng to tiếng với nhau chỉ vì những suy nghĩ thiếu chín chắn của ông. Nhưng hình như lúc nào ông cũng là người chủ động làm lành, mặc cho lỗi tại bạn đi chăng nữa. Và hình như, trong 7 năm đó, chưa bao giờ chồng bạn bỏ bê vợ con hay lỡ quên một ngày kỷ niệm nào trong tình yêu của họ dù ông bận tối ngày.
25 tuổi, bạn có hai đứa con, một ông chồng già tâm lý, một cửa hàng áo cưới cho riêng mình, một nhan sắc trẻ trung nhưng không kém phần sắc sảo... trong khi nhiều đứa bạn cùng tuổi với chúng tôi vẫn vô tư thất nghiệp, ế chỏng ế chơ. Bạn cười, đó là sự chọn lựa của bạn, và sự chọn lựa nào cũng phải đánh đổi. Bạn đánh đổi tuổi trẻ, chịu nhiều điều tiếng để đấu tranh cho tình yêu, chấp nhận hi sinh để có được một gia đình hạnh phúc. 
Suy cho cùng, là đàn bà thì ai cũng muốn có một người đàn ông bên cạnh, cảm thông và yêu thương họ. Đàn bà sinh ra là để được yêu thương. Tôi nghe đâu đó nói như thế. Vậy thì nếu bạn tìm được một người đàn ông như thế thì già hay trẻ đâu phải là vấn đề. Đúng không?

Đọc thêm