Từ thiếu niên nghèo, bỏ học mưu sinh đến tỷ phú giàu thứ 3 nước Pháp

(PLVN) - Tiền thường tạo ra nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả người giàu đều xuất thân từ gia đình giàu có. Có nhiều người nằm trong top những người giàu nhất thế giới xuất thân từ phận nghèo khó...trong đó không thể không nhắc tới tỷ phú giàu thứ 3 nước pháp Francois Pinault. 
Tỷ phú Francois Pinault.

Và với bản lĩnh, sự nỗ lực không ngừng, Francois Pinault đã leo lên trên đỉnh cao danh vọng, được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông tấm gương này cho chúng ta một bài học, rằng với sự quyết quyết tâm, nỗ lực và một chút may mắn, bất cứ ai cũng có thể vượt qua hoàn cảnh của mình và đạt được những thành công phi thường. 

Nói đến tầng lớp thượng lưu Pháp thì không thể không nhắc đến Francois Pinault. Vị tỷ phú này là người sáng lập tập đoàn Kering và quỹ đầu tư Artemis. Ông cũng là một trong những người có tiếng tăm trong giới sưu tầm nghệ thuật. Tính đến tháng 10/2019, tổng tài sản của Pinault vào khoảng 33,4 tỷ USD, xếp thứ 27 thế giới và giàu thứ 3 nước Pháp. Mặc dù vậy, danh tiếng của Pinault còn được biết đến với sự vượt khó làm giàu, bất chấp những khó khăn cũng như thử thách.

Từng bỏ học vì quá nghèo

Pinault có thể nói bắt đầu với con số 0, không tiền, không bằng cấp hay thậm chí bằng tốt nghiệp trung học. Sinh năm 1936 tại miền Tây nước Pháp, gia đình Pinault vốn chuyên làm nghề đốn củi bán lấy tiền. Do hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ bé Francois Pinault đã phải tham gia phụ giúp gia đình làm việc.

Trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm Pháp, Pinault đã biết mang lương thực hỗ trợ cho quân đội đồng minh Anh cư trú gần khu vực nhà ông. Một ngày nọ, ông bị quân Đức bắt và chúng đánh cha ông tàn bạo để bắt một trong 2 người khai ra nơi ẩn núp của quân đồng minh. Dẫu vậy, cha con Pinault không hề hé răng nửa lời. Thời điểm này Pinault mới 7 tuổi và cậu đã chứng tỏ được tiềm năng về một doanh nhân kiên cường, sẵn sàng vượt mọi khó khăn.

Pinault cũng có một thời gian ngắn học tại trường Saint Martin ở Rennes, nhưng ông sớm bỏ học ở tuổi 16, nhưng chẳng phải ông ghét học hành mà là vì xuất thân nghèo khó khiến Pinault bị bạn bè chế giễu, họ coi thường chất giọng miền quê của Pinault. Thêm vào đó, cuộc sống gia đình khó khăn khiến Pinault quyết định tạm dừng học hành để phụ giúp người thân.

Một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới thuộc sở hữu của Francois Pinault.  

Điều đặc biệt trong thời gian này là lý trí của Pinault khi bị dè bỉu về xuất thân và chất giọng. Thay vì xấu hổ, buồn bã hay tủi thân, Pinault lại biến những lời chế giễu đó thành động lực để vươn lên, cũng giống như cậu bé 7 tuổi ngày nào bị Đức Quốc Xã ép hỏi mà vẫn kiên cường phản kháng.

Năm 1956, Pinault gia nhập quân đội, hưởng ứng lời kêu gọi yêu nước đã manh nha từ thuở bé, sau đó trở về tiếp quản công việc buôn bán gỗ của gia đình. Đến khi cha của Pinault qua đời, ông bán công việc kinh doanh này để bắt đầu cuộc đời đầu tư huyền thoại vào năm 1963.

Sau những năm tháng kinh doanh và tích lũy kinh nghiệm, Pinault đã có thể vay tiền ngân hàng và tài sản bản thân để mua các công ty buôn gỗ nhỏ, cải thiện chúng, phát triển lớn mạnh và tiếp tục mua lại những doanh nghiệp nhỏ sắp phá sản khác. Từ đây, Pinault thành lập công ty gỗ “Établissements Pinault” tại Rennes, Pháp. 

Bí quyết của Pinault thời kỳ này là liên tục mua những doanh nghiệp nhỏ, tái cấu trúc và đa dạng hóa kinh doanh để phát triển chúng thành những tập đoàn đa ngành nghề. Định hướng này của Pinault khá thành công bởi nền kinh tế thế giới đang dần khôi phục lại sau chiến tranh và rất nhiều ngành nghề còn bỏ trống.

Ông Francois Pinault trong một sự kiện. 

Năm 1988, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Paris và 2 năm sau đó chuyển sang lĩnh vực bán lẻ. Thời điểm này, ông tiến hành hàng loạt thương vụ sáp nhập với những lần thâu tóm các công ty bán lẻ. Đây cũng là thời hoàng kim của ngành bán lẻ Châu Âu khi hàng loạt sản phẩm mới cũng như sự phát triển về công nghệ khiến người tiêu dùng bị thu hút. Thêm nữa kể từ Thế chiến II kết thúc, người dân đã tích lũy được khoản tài sản kha khá và bắt đầu chi tiêu trở lại.

Năm 1994, công ty này trở thành “Pinault Printemps Redoute” sau khi thâu tóm hãng bán lẻ qua thư La Redoute và Le Printemps - một chuỗi trung tâm thương mại lớn của Pháp. Sau vài năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, công ty của Pinault chuyển trọng tâm sang hàng xa xỉ. Ông mua 42% cổ phần của hãng thời trang Gucci với giá 3 tỷ USD, tiếp đó là mua lại thương hiệu YSL, Boucheron, Balenciaga hay Alexander McQueen. Thậm chí những nhà đấu giá danh tiếng như Christie cũng có liên hệ với Pinault. 

Năm 2005, “Pinault Printemps Redoute” rút gọn tên cho dễ gọi là PPR. Dưới tài chỉ đạo và đặc biệt luôn để mắt đến các thương hiệu mốt xa xỉ, công ty tiếp tục mua lại nhiều thương hiệu nữa và lại đổi tên, thành tập đoàn kinh doanh hàng thời trang cao cấp Kering vào năm 2013- công ty mẹ của các thương hiệu như Gucci hay Alexander McQueen Năm ngoái Kering mới bán bớt cổ phần PUMA để chỉ còn thuần là một tập đoàn bán hàng hóa sang trọng.

Khối tài sản khổng lồ

Có thể nói Pinaul là người có tầm nhìn khi luôn thấy được hướng đi dài hạn của thị trường. Sự kiên cường và nhanh nhạy giúp ông có được những quyết định chính xác. Tuy nhiên, không thể không kể đến động lực làm giàu từ thuở ban đầu khi bị mọi người chế giễu là kẻ nghèo đã giúp ông có được thành công như ngày hôm nay. Tính đến năm 2018, tập đoàn Kering của Pinault đã có doanh số 13,66 tỷ Euro, tương đương 15,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Giờ đây, công ty của François Pinault tiếp tục phát triển, đặc biệt là doanh số tăng vọt cho cả Gucci lẫn Balenciaga. Bên cạnh các sản nghiệp khác như nhà máy rượu vang ở Bourdeaux và tàu du lịch hải hành ở Marseille, Pinault hiện cũng sở hữu vườn nho Château Latour, góp cổ phần vào Vail Ski Resort ở Colorado, và đặc biệt là sở hữu nhà đấu giá biểu tượng thế giới Christie's từ năm 2017. 

Ngoài ra, Pinault được coi là một trong những nhà sưu tập nghệ thuật tư nhân lớn nhất thế giới cũng như đã nhiều năm tham gia vô số sự kiện nghệ thuật, cả công lẫn tư. Ông đi khắp nơi thu thập các tác phẩm lịch sử, cũng như tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại. Pinault sở hữu cả phòng trưng bày nghệ thuật Palazzo Grassi nằm trên kênh đào Venice (Ý), nơi đón tiếp những người yêu tranh khắp nơi đến thưởng lãm bằng thuyền. Bộ sưu tập của ông bao gồm hơn 3.000 tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn 1,2 tỷ USD. Hiện nay, ông là người giàu thứ hai ở Pháp, sau Bernard Arnault, ông chủ tập đoàn LVMH và là người giàu thứ 23 trên thế giới.

Vợ chồng tỷ phú Francois Pinault. 

Năm 1970, tỷ phú François Pinault kết hôn, vợ ông là Maryvonne Pinault. Thời gian gần đây, cặp đôi cũng nhúng tay kinh doanh du thuyền sang trọng, mua lại tàu du lịch Ponant theo ý bà vợ Maryvonne. Pinaults sở hữu nhiều bất động sản ở London (Anh).

Năm 2013, ông mua lại ngôi nhà Bel Air từ nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng quá cố Vidal Sassoon và chính tay bà vợ Maryvonne chọn các đồ nội thất. Mặc dù đã 83 tuổi, Pinault vẫn đang giữ chức giám đốc Artemis S.A., một chân chủ tịch của Christie's và là chủ tịch danh dự của đế chế thời trang khổng lồ Kering.

Có thể nói, để vươn tới thành công như vậy, Pinault cần có một nhân cách cực kỳ cứng rắn và kiên nhẫn. Bởi xuất thân không phải từ tầng lớp thượng lưu nên Pinault phải đối đầu với vô vàn khó khăn, từ giải quyết các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm trợ giúp cho đến đối đầu những gia tộc ngấp nghé tài sản của ông. “Nhiều chuyện thường diễn ra không theo ý muốn của ông ấy. Tuy nhiên Pinault dựng nghiệp từ 2 bàn tay trắng nên ông ấy cũng sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để thành công”, một cựu giám đốc cho Pinault xin giấu tên chia sẻ.

“Pinault giỏi kiếm tiền đến mức khiến mọi người ngạc nhiên. Ông ấy có một giác quan thứ 6 tuyệt vời trước những cơ hội kinh doanh, thời điểm mua bán đầu tư của ông ấy chuẩn đến đáng kinh ngạc. Điều đặc biệt là Pinault chẳng sợ ai hay bất cứ điều gì. Tại Pháp, chẳng có ai dựng nên đế chế hàng tỷ USD tài sản từ 2 bàn tay trắng và không có sự hỗ trợ của gia tộc mà không thực sự giỏi cả”, theo một chuyên gia phân tích ngân hàng ở Pháp giấu tên nhận định.

Đọc thêm