Tục đi lễ Thăng Long tứ trấn của người dân đất Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi khi xuân sang, Thăng Long tứ trấn trong các triều đại phong kiến Việt Nam là nơi diễn ra các lễ hội xuân và đây cũng chính là nơi vua chọn để dâng hương dịp đầu năm cầu cho quốc thái dân an, bốn mùa tươi tốt. Và tục đi lễ “Thăng Long tứ trấn” tốt đẹp đó đã được tiếp nối cho đến tận ngày nay.
Cổng tam quan đền Quán Thánh. (Ảnh: Thanh Tâm)
Cổng tam quan đền Quán Thánh. (Ảnh: Thanh Tâm)

4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch Thăng Long

Tục đi lễ đầu năm của người dân Việt đã có từ rất lâu đời. Họ đến nơi thờ tự để cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới. Hà Nội với lịch sử hàng ngàn năm tuổi cùng hàng ngàn năm văn hiến sở hữu những di tích lịch sử những điểm tâm linh: đình, đền, chùa miếu... Với người dân Hà Nội, Thăng Long tứ trấn là địa điểm đặc biệt mong muốn đến trong những ngày năm mới.

Tứ trấn cũng là nơi thể hiện chiều dày lịch sử người Việt. Thăng Long tứ trấn còn gắn với việc ra đời kinh đô Thăng Long của thời nhà Lý những năm 1010. Thăng Long tứ trấn nổi tiếng với bốn ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Thăng Long tứ trấn là 4 ngôi đền trấn tại 4 hướng của Thủ đô Hà Nội gồm: Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Đền Kim Liên và Đền Quán Thánh. 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ, bảo vệ những vị trí huyết mạch Đông - Tây - Nam - Bắc. Thăng Long tứ trấn còn là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian, kiến trúc của người Việt. Vào những ngày đầu xuân, người dân thường đến dâng hương để cầu may mắn, bình an trong năm mới.

Đền Bạch Mã (tọa lạc ở 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nghĩa đen là con ngựa trắng, được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ (974-1028). Tương truyền, khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long năm 1010, nhiều lần đắp lũy không thành. Một hôm sai người đi cầu thần Long Đỗ, thấy từ trong miếu đi ra một con ngựa trắng. Bằng cách lần theo dấu chân ngựa và xây dựng pháo đài phù hợp, cuối cùng họ đã thành công. Vô cùng biết ơn, nhà vua đổi tên đền thành Bạch Mã và tuyên bố Long Đỗ là Thành Hoàng, tức Đấng mang lại tài lộc cho Thăng Long. Hàng năm, vào ngày 12, 13/2 âm lịch, người dân tổ chức hội đền Bạch Mã với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao…

Đền Bạch Mã. (Ảnh: Thanh Tâm)

Đền Bạch Mã. (Ảnh: Thanh Tâm)

Đền Quán Thánh (đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng được xây dựng vào những năm 1010 để bảo vệ phía bắc Thủ đô ngày nay. Nơi đây thờ Thần Trấn Vũ, người được cho là có công giúp các Vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược, giúp nhân dân chống lại yêu ma, thiên tai. Đây là một nhân vật Đạo giáo quan trọng đại diện cho sao Bắc Đẩu. Theo truyền thuyết, ngày xưa có một con cáo chín đuôi khủng bố người dân. Thế là thần Trấn Vũ từ trời xuống giết cáo. Xác nó chìm xuống đất tạo nên Hồ Tây như ngày nay. Câu chuyện này cũng là lý do tại sao hồ đôi khi được gọi là hồ Xác Cáo. Hàng năm, vào ngày 3/3 âm lịch, đền đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị thần đã có công diệt trừ tà ma, yêu quái mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Đền Voi Phục (tọa lạc tại phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) được xây dựng vào năm 1065 trong triều đại của Vua Lý Thánh Tông, xây bên trong Vườn thú Thủ Lệ ngày nay. Xây dựng trong một đầm lầy đầy bùn vào năm 1065, ngôi đền hiện nay tọa lạc trên một gò đất cao phía nam sở thú nhìn ra một hồ nước rộng lớn xinh đẹp và được bao quanh bởi những khu vườn và nhiều cây cổ thụ xum xuê. Đền Voi Phục thờ hoàng tử Hoàng Chân, còn gọi là Linh Lang đại vương, con vua Lý Thái Tông (1000–1054). Tuy nhiên, ngôi đền đã bị hư hại nặng nề dưới thời thực dân Pháp và được xây dựng lại sau đó. Hàng năm, để tưởng nhớ tới công lao của thần Linh Lang Đại Vương, nhân dân tổ chức lễ hội đền Voi Phục vào các ngày 9, 10, 11/2 âm lịch với sự tham gia của du khách thập phương.

Tam quan đền Voi Phục. (Ảnh: Thanh Tâm)

Tam quan đền Voi Phục. (Ảnh: Thanh Tâm)

Đền Kim Liên (tọa lạc tại số 176 đường Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa) là ngôi đền cuối cùng được xây dựng để bảo vệ phía Nam của Hoàng Thành Thăng Long xưa. Ngôi hộ thành được xây dựng vào năm 1509 để tôn vinh Cao Sơn Đại Vương. Cao Sơn là một trong 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ - thần thoại lập quốc của dân tộc Việt Nam. Chàng nằm trong số 50 người theo mẹ Âu Cơ lên non cao, phò tá Sơn Tinh đánh bại Thuỷ Tinh, đem lại bình yên cho nhân dân.

Kể từ khi được chọn làm kinh đô vào năm 1010, Hoàng thành Thăng Long xưa hay Hà Nội ngày nay đã trường tồn với thời gian nhờ bốn vị thần hộ mệnh thiêng liêng hiện được thờ tại bốn ngôi đền ở bốn trọng điểm kinh thành. Mỗi ngôi đền này là hiện thân của một câu chuyện có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc riêng, đồng thời thể hiện truyền thống thờ cúng hàng nghìn năm của người Việt tại hàng trăm thánh tích trên cả nước.

Đền Kim Liên. (Ảnh: Thanh Tâm)

Đền Kim Liên. (Ảnh: Thanh Tâm)

Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Hà Nội

Đi lễ đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, Xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam Phong tục đi lễ đầu xuân tuân theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa...). Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, thì việc lễ chùa vào mùa xuân vừa là khởi đầu của một năm, vừa là khởi đầu của sự sống. Người thì du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, tìm kiếm giây phút thư thái trong tâm hồn…

Trong cuốn “Hội hè lễ Tết của người Việt”, cụ Nguyễn Văn Huyên cũng chia sẻ việc đi đền chùa đầu năm đã trở thành truyền thống của người Hà Nội. “Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Sau khi đi thăm các đền chùa trở về, và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình. Vì ai cũng muốn yên trí rằng người đầu tiên bước chân vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước (phúc lành), từ chốn của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên”.

Thăng Long tứ trấn là những danh lam, thắng cảnh, tâm linh đặc biệt nên ngoài người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung nơi đây còn thu hút được lượng lớn những du khách nước ngoài tới đây tham quan, vãn cảnh và tìm hiểu những đặc trưng văn hóa đền chùa tâm linh của người Việt. Thăng Long tứ trấn những ngày đầu năm thu hút hàng vạn lượt khách đi chiêm bái đầu xuân.

Truyền thống viếng và dâng hương tại 4 ngôi đền linh thiêng nhất của Thủ đô là truyền thống lâu đời được truyền từ đời này sang đời khác của người dân Hà Nội. Bà Nguyễn Thu Thủy (62 tuổi) cùng các con cháu đi lễ Thăng Long tứ trấn vào dịp tháng giêng. Mọi người không chỉ đến để cầu cho một năm mới mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc hơn mà còn để tỏ lòng thành kính với các vị thần của các ngôi đền cũng như tìm hiểu về lịch sử hoặc câu chuyện của những nơi này. Hòa tâm hồn mình với không gian tâm linh, hít thở hương hoa ngào ngạt, thả mình thư thái trong vườn đền sẽ giúp xua tan mọi căng thẳng, lo toan của năm cũ.

Anh Nguyễn Văn Vũ (35 tuổi, Việt kiều Pháp) từng sống tại phố Hàng Đào (Hà Nội) tranh thủ về quê ăn Tết đã đưa gia đình đi lễ “Thăng Long tứ trấn”. Dù là người con xa xứ nhưng anh Vũ rất hiểu phong tục, tập quán văn hóa, cung cách đi lễ của người Hà Nội. Anh cho hay, viếng những ngôi đền linh thiêng vào dịp năm mới là cách người Hà Nội thành tâm tưởng nhớ về quá khứ, tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân. Theo anh Vũ, anh được các cụ chỉ cách đi lễ tứ trấn sao cho đúng. Theo truyền thống dân gian từ xa xưa, thứ tự đi thăm lễ tứ trấn Thăng Long là đi theo chiều thuận theo hướng trời đất Đông, Tây, Nam, Bắc. Trình tự đi lễ tứ trấn là: Đền Bạch Mã (trấn phía Đông); đền Voi Phục (trấn phía Tây); Đền Kim Liên (trấn phía Nam); Đền Quán Thánh (trấn phía Bắc). Trình tự này cũng phù hợp với quan điểm về phương hướng trong phong thủy và đi đủ để đảm bảo lễ tứ phương.

Trong năm 2022, Thăng Long tứ trấn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. 4 địa điểm này được xem là đại biểu cho văn hóa biểu tượng tín ngưỡng dân gian người Việt. Việc công nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị văn hóa tinh thần của những điểm đến nổi tiếng này tại Hà Nội.

Đọc thêm