Tuổi thơ đói khát trong Tử Cấm Thành của Hoàng đế cuối cùng nhà Thanh

(PLVN) - Ít ai biết rằng, đằng sau bức tường đỏ của Tử Cấm Thành, những quy định nghiêm ngặt đã khiến cho Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh không có được một tuổi thơ trọn vẹn...
Tuổi thơ của Phổ Nghi trôi đi trong nỗi cô đơn, đói khát.

Vốn không được sống trong cung từ khi mới sinh ra, Phổ Nghi chỉ thực sự nếm trải những ngày tháng của một Hoàng đế từ khi lên 2 tuổi. Đằng sau những bước tường đỏ của Tử Cấm Thành, những quy định nghiêm ngặt đã khiến cho Phổ Nghi không có được một tuổi thơ trọn vẹn. Dù ông ngồi ở vị trí mà vạn người phải cúi đầu.

Tuổi thơ cô đơn, đói khát

Ái Tân Giác La Phổ Nghi (1906-1967) là vị vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung. Ông lên ngôi lúc 2 tuổi, thoái vị năm 1912 khi Cách mạng Tân Hợi bùng nổ và được Phát xít Nhật đưa lên làm Hoàng đế bù nhìn của Đại Mãn Châu Đế quốc ở Đông Bắc Trung Quốc năm 1934.

Năm 1945, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt và quản thúc, sau đó có góp mặt trong phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh của Nhật. Từ năm 1949 đến 1959, ông được trả về nước và bị Quốc vụ viện Trung Quốc quản thúc, giam giữ vì tội danh bắt tay với quân xâm lược Nhật. Tháng 12/1959, ông được thả và sống ở Bắc Kinh như một thường dân cho đến khi qua đời.

Nhiều người có lẽ vẫn ngỡ rằng, Phổ Nghi hẳn đã rất tiếc nuối những ngày tháng được ngồi trên ngai vàng. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện mang tên “Nửa đời trước của ta”, vị Hoàng đế này đã tiết lộ những sự thật khó tin về cuộc sống được coi là trong mơ của của người kế vị vương triều. Trong đó, thông tin về việc những năm tháng thiếu thời sống tại Tử Cấm Thành ông thường xuyên phải chịu cảnh đói bụng, chưa từng biết được cảm giác của một bữa no khiến nhiều người kinh ngạc.

Những ngày tháng đó được Hoàng đế Phổ Nghi kể lại trong cuốn tự truyện bằng lời lẽ đầy chua chát: “Mặc dù ta ngày ngày đều đói bụng, nhưng cũng chẳng có ai quan tâm. Ta nhớ có một hôm đi Trung Nam Hải, Thái hậu Long Dụ cho người cầm tới bánh bao để làm mồi cho cá. Ta nhất thời không kìm chế được, liền đem bánh bao nhét vào miệng mình mà ăn. Thế nhưng cái đói của ta chẳng những không làm cho Long Dụ thái hậu tỉnh ngộ mà còn khiến bà càng thêm quản lý nghiêm khắc”.

Dù sống trong nhung lụa nhưng tuổi thơ của Phổ Nghi chưa một lần được ăn no (Ảnh tư liệu)

“Bụng đói vơ quàng” có lẽ là đúng nhất để nói về câu chuyện trên của Phổ Nghi khi phải lớn lên với một cái bụng luôn trong tình trạng đói. Thậm chí ngay đến mồi cho cá cũng khiến ông không thể kìm lòng mà nuốt xuống.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị Hoàng đế này còn tâm sự thêm: “Có một ngày, các vương phủ đưa tới cống phẩm cho Thái hậu, dừng ở Tây Trường, bị ta nhìn thấy. Ta dựa vào một loại bản năng, chạy thẳng tới chỗ chiếc hộp đựng thức ăn trong số đó, mở nắp ra nhìn một cái, trong hộp đựng đầy giò muối, ta vừa cầm lên một miếng liền vội cắn...”.

Cứ ngỡ lớn lên trong Hoàng cung đầy nhung lụa, Phổ Nghi sẽ không phải lo đến cái ăn, cái mặc, tuy nhiên, từ câu chuyện cắn vội miếng giò trong số cống phẩm đến ăn cả mồm cá có thể tưởng tượng thấy những ngày tháng tuổi thơ của Phổ Nghi không hề hạnh phúc như nhiều người tưởng tượng. Sống trong Tử Cấm Thành nhưng Phổ Nghi lúc nào cũng chưa được một bữa no, lúc nào cũng thèm khát đồ ăn.

Tại sao Hoàng đế phải bị đói?

Trên thực tế, Hoàng tộc nhà Thanh vốn có xuất thân là những người sống theo lỗi du mục, kiểu sống này đã chi phối rất nhiều tới tập quán cũng như quan niệm về ăn uống, dưỡng sinh của họ.

Trong suy nghĩ của những người thuộc Mãn tộc, ăn no chẳng bằng đói bụng. Theo đó, họ tin rằng để bụng đói sẽ giúp cơ thể thanh sạch, từ đó khiến cho thân thể ngày càng khỏe mạnh, ít bệnh tật. Quan niệm này được Hoàng tộc nhà Thanh gọi bằng cái tên “Dục nhi chi đạo”, nghĩa là cái đạo nuôi dưỡng con trẻ.

Vì vậy, hoàng thất nhà Thanh từ sớm đã hình thành một quy luật bất thành văn: Trẻ nhỏ không được ăn nhiều, thậm chí còn có khi cố ý bị bỏ đói. “Luật rừng” nói trên đến cuối thời nhà Thanh thì đã đạt đến trình độ cao nhất, mà Phổ Nghi với thuở thiếu thời chẳng có lấy một bữa no chính là minh chứng cho điều này.

Chỉ khi sống như một thường dân người ta mới thấy được nụ cười trên khuôn mặt Phổ Nghi.

Năm xưa, bản thân Phổ Nghi từng có một lần phải ăn hạt dẻ để chống đói, không ngờ lại bị Long Dụ Thái hậu phát hiện. Bà liền hạ lệnh hủy bỏ toàn bộ ngự thiện trong ngày, lấy cháo cho Hoàng đế dùng thay bữa chính, nhưng ngay tới lượng cháo cũng bị khống chế nghiêm khắc, tóm lại không được phép để nhà vua ăn no.

Không chỉ Phổ Nghi, người tiền nhiệm là Quang Tự đế cũng trải qua những năm tháng thiếu thời không lấy gì làm khá hơn. Quang Tự khi còn bé đã được Từ Hi dạy dỗ rất nghiêm, nhất là trên phương diện ăn uống. Từ năm nhà vua lên 10 tuổi, vì bữa chính không được ăn no nên chưa tới giờ cơm đã thấy đói, Quang Tự vì vậy mà thường xuyên tới phòng thái giám tìm bánh bao lót dạ.

Điều này có thể lý giải cho việc Hoàng cung vốn không thiếu sơn hào hải vị, tuy nhiên bản thân Hoàng đế và hoàng thất không thể ăn uống thỏa mái theo sở thích của mình. Các Hoàng tử luôn được quản lý một cách sát sao về ăn uống để bảo vệ sức khỏe.

Thế nhưng trên thực tế, Phổ Nghi cũng như nhiều hậu duệ khác trong Hoàng tộc Mãn Thanh lại không hề có được một cơ thể khỏe mạnh dù đã tuân thủ nguyên tắc nuôi dạy trên. Bằng chứng là sau nhiều năm lớn lên trong hoàng cung, Phổ Nghi khi trưởng thành vẫn luôn phải sống chung với căn bệnh dạ dày, mà nguyên nhân chủ yếu là những bữa ăn không đủ no từ khi còn nhỏ.

Không chỉ vậy, đa số các học giả hiện đại đều cho rằng, hầu hết các vị vua cuối thời nhà Thanh đều sở hữu thân thể yếu ớt vốn là do thói quen tiết chế ăn uống từ thuở thiếu thời. Đây rất có thể cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến họ không chỉ mắc nhiều bệnh tật mà còn bị rút ngắn tuổi thọ.

Tuy nhiên, Hoàng đế Phổ Nghi lại có một tật xấu khó nói, đó là 7 tuổi rồi mà vẫn chưa cai sữa, trước bữa ăn đều cần bà vú cho bú sữa. Nhiều khi cung nữ trong cung dù nhìn không quen mắt nhưng cũng chẳng thể nói gì, chỉ đành lẳng lặng mà dung túng, chiều theo ý vua.

Bên cạnh đó, khi Phổ Nghi còn là một cậu bé, ông hầu như không có người bạn nào để chơi cùng, niềm vui duy nhất của ông khi ấy chính là được chơi đùa cùng người em trai Phổ Kiệt.

Hai anh em họ thường tận dụng những lúc không ai để ý để trốn ra ngoài chơi, đây có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ và đẹp đẽ duy nhất mà vua Phổ Nghi được trải qua trong nửa đầu cuộc đời của mình.

Trở thành Hoàng đế khi còn nhỏ, nhưng Phổ Nghi cũng chẳng được chỉ bảo, dạy dỗ cặn kẽ. Việc này khiến cho Phổ Nghi thiếu hiểu biết, không hiểu sự đời, lại cũng chẳng có người đáng tin cậy bên mình.

Một Phổ Nghi trưởng thành trong môi trường như vậy, đã khiến cho ông không có đủ cả sức khỏe, tinh thần có thể chịu đựng được những khó khăn, sóng gió ập đến với mình và triều đại nhà Thanh.

Đọc thêm