Ly kỳ thế giới cổ vật
Căn nhà 3 tầng nằm ngay mặt đường phía đông quốc lộ 1A của ông Lâm Dũ Xênh vốn rộng rãi, vậy mà giờ đây trừ khoảng 20m2 phía trước của tầng trệt dùng làm nơi kê đơn bốc thuốc, gần như toàn bộ diện tích trống còn lại, từ phòng khách đến cầu thang và ra tận mái hiên nhà phía sau được ông dùng làm nơi để những đồ vật đã tìm, sưu tập.
Nhắc đến cổ vật, đôi mắt ông Xênh bừng sáng khác thường. Ông kể liên hồi những mẩu chuyện vụn vặt, chắp nối về chúng. Như lời ông tâm niệm, mỗi cổ vật là một “linh hồn” đến với ông như là sự “phó thác của tiền nhân”.
Ông Xênh bên những món đồ cổ bằng gốm cách đây hơn 300 năm |
Theo lời ông Xênh, cơ duyên đến với nghề của ông cũng thật lạ. Năm 1976, lúc đang là học sinh cấp 3 tại TP.Đà Nẵng, ông ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. Ấy thế mà, trong một lần tha thẩn bên sông Hàn, ông tình cờ nhặt được tờ báo cũ. Ai ngờ, nó lại thay đổi cả cuộc đời ông.
“Tôi còn nhớ như in tờ báo viết về những pho tượng Phật Đạt Ma cổ. Tôi đọc rồi bất giác nghĩ ước gì mình có được những thứ này. Ước vậy thôi chứ nào dám tin sẽ thành sự thật …”, ông Xênh hồi tưởng.
Thế nhưng, chỉ độ vài tháng sau, trong một đêm mưa gió tầm tã, khi ai nấy cũng nhốt mình trong nhà thì ông nghe tiếng đập cửa gọi tên. Lúc ấy, trời đã khuya, ông bật đèn hé cửa thì nhìn thấy một cặp vợ chồng già mang áo tơi đội nón. Người vợ ôm khư khư một chiếc thùng, bên trong chứa nhiều bức tượng cũ, đặc biệt có một bức Phật Đạt Ma đúng như hình trên tờ báo ông từng xem. Từ đó, ông như bị hút hồn vào thế giới cổ vật, như duyên với thế giới này.
Cũng từ đó, sau những giờ mưu sinh bên quầy thuốc gia truyền do cha để lại, ông Xênh lặn lội khắp trên rừng, dưới biển tìm cổ vật. Cho đến nay, ông Xênh có hơn 10.000 món đồ cổ các loại. Nổi bật là những cổ vật Sa Huỳnh niên đại 2.000 - 3.000 năm.
Khi sưu tầm đồ cổ, có những kỷ niệm ông Xênh luôn muốn nhắc lại mỗi khi ai đó hỏi chuyện. Cách đây khoảng 15 năm, một người khác ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) đến quầy bốc thuốc kể rằng có người ở quê đào được 2 hũ tiền xưa không biết từ thời nào, nhưng được làm bằng kẽm và đồng, nặng khoảng 15kg/hũ.
Thông tin này khiến ông tò mò, vì thế sau khi hỏi địa chỉ cụ thể đã thuê xe ôm đi xuống tận nơi. Với vốn tiếng Hán và chút ít kiến thức về đồ cổ, khi nhìn thấy những đồng tiền được làm từ nhiều đời vua, với đủ niên đại khác nhau đã làm ông mê mẩn. Ông quyết định bỏ ra 2 chỉ vàng mua lại toàn bộ số tiền kia đem về nhà tiếp tục tìm hiểu.
Chỉ về phía những chùm lục lạc tròn đủ kích cỡ khác nhau được xâu thành từng chuỗi treo lủng lẳng sát bờ tường, ông Xênh giảng giải: “Thấy chúng đơn giản và mang hình dáng giống nhau, thế nhưng công dụng của từng loại rất khác nhau. Ở các triều đại phong kiến, lục lạc dùng nhiều vào việc treo trên cổ xe ngựa, chôn theo người chết, treo trong nhà trừ tà ma. Nhưng cũng có loại dùng làm nhạc cụ...”.
Để có số lục lạc gần 3.000 cái lớn nhỏ này, bản thân ông phải mất gần 8 năm trời đi các vùng ở miền Trung mới sưu tầm được, với giá rẻ thì 10.000 - 15.000 đồng/cái, nhưng không ít cái có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/cái.
Tượng người châu Phi bí ẩn |
Tiếp câu chuyện ông Xênh mở khóa cẩn thận cho chúng tôi xem bức tượng người châu Phi có niên đại 2.000 năm. Cổ vật này được một người bạn của ông tặng. Bạn ông lại được một người dân tộc ở biên giới Tây Nam tặng hơn 30 năm về trước.
Theo quan sát của chúng tôi, pho tượng nhỏ, gãy cụt hai cánh tay, dưới chân có xoắn hình đinh vít, tóc xoăn, môi dày, trên hai má khắc hai vạch song song. Theo giới chuyên môn, hàng ngàn năm trước, người châu Phi có thể đã từng đặt chân đến Đông Nam Á. Hiện còn có “hai người anh em” khác của pho tượng nằm trong dân gian mà các nhà khảo cổ, giới chơi cổ vật vẫn chưa tìm ra.
Độc đáo và được ông Xênh quý nhất là bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn. Theo lời ông, giá trị kinh tế của nó không bằng những thứ khác, thế nhưng cái chính là ý nghĩa văn hoá. Bởi lẽ qua các cổ vật này, có thể thấy cách đây trên 2.000 năm, người Việt cổ đã từng sinh sống tại huyện Bình Sơn.
Thà tặng chứ không bán
Ngồi trò chuyện, ông Xênh bảo, cách đây hơn 5 năm, khi nghe tin một người dân ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) tìm thấy một chiếc choé hiếm, ông vội vã đến nơi. Sau khi xem xét và ngã giá, người chủ đồng ý bán với giá 11 triệu đồng. Do không mang theo đủ tiền nên sau khi đặt cọc, ông Xênh quay xe về lấy. Thế nhưng, ngay 11 giờ đêm hôm đó khi trở lại thì người bán đã đổi ý. Phải mất nhiều ngày ăn dầm nằm dề, nhờ một số người xung quanh đến hỏi giúp mới mua được với giá 16 triệu đồng.
Theo ông Xênh, không phải lúc nào việc mua cũng thuận lợi và gặp đồ thật. Chuyện người sưu tầm đồ cổ dày dạn kinh nghiệm bị lừa không phải là ít. Một buổi tối cách đây khoảng 4 năm, khi nghe một người đào phế liệu ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh QuảngNgãi) tìm thấy một đầu thần Chămpa bằng đồng, ông đã đến nơi xem. Săm soi một lúc ông đồng ý mua với giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, bước ra khỏi nhà hơn chục bước, linh tính cảm thấy chuyện chẳng lành, ông đi đến dưới trụ điện cao áp gần đó xem lại thì phát hiện ra là đồ giả.
“Biết là đồ giả nhưng tôi không đem trả lại cho chủ. Bởi lẽ đối với những người sưu tầm đồ cổ, một trong những điều cấm kị nhất là mất uy tín. Hơn nữa làm như vậy thì sau này nếu tìm thấy đồ vật nữa người ta sẽ không gọi cho mình. Vì vậy nhiều người chơi, sưu tầm đồ cổ khi gặp rủi ro đành ngậm bồ hòn làm ngọt”, ông Xênh bộc bạch.
Ngư dân trong vùng khi kéo lưới dính vật gì đó cũ kỹ, người đầu tiên mà họ nghĩ đến đó là ông Xênh. Cứ thấy đồ vật cũ kỹ và có hình dạng lạ mắt, được đào bới hoặc vớt lên từ biển thì họ lập tức mang đến ông Xênh. Có khi là một hũ tiền, khi là vài chiếc chum, những chiếc cối của tàu buôn trên biển. Cơ duyên đó giúp cho ông Xênh có khá nhiều cổ vật được vớt lên từ biển.
Việc mua bán với những ngư dân này có khi bằng tiền, đôi khi chỉ vài thang thuốc bắc tình nghĩa. Nếu vật không có giá trị gì, ông Xênh cũng biểu dương lòng nhiệt tình bằng túm táo tàu về cho mấy đứa nhỏ. Tất nhiên, với cổ vật có giá trị, ông Xênh cũng trả tiền tương xứng cho họ.
Cổ vật trong nhà ông Xênh có nhiều thứ không đụng hàng và có giá cao. Đắt tiền nhất có lẽ là những chiếc ché, trong đó có cái làm từ đời Khang Hy hiện có giá lên đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có nhiều cổ vật khác như chén, dĩa, bình, ly, lu, cối, kiếm, dao... xuất xứ từ nhiều triều đại khác nhau của Việt Nam và cả Trung Quốc. Tất cả đều được ông trưng bày chứ không bán, vậy nên có thời điểm ông trở thành con nợ.
Hũ tiền cổ trong bộ sưu tập của ông Xênh |
“Tôi quan niệm, thế giới cổ vật cũng có linh hồn, họ ủy thác cho mình giữ, mình bán là có tội. Vậy nên có đợt tôi đi vay ngân hàng 100 triệu đồng để mua mấy cổ vật quý. Nợ thì hai vợ chồng cố gắng bốc thuốc để trả, chứ nhất quyết không bán lại đồ cổ”, ông Xênh tâm sự.
Nhà ông Xênh hiện có vài trăm thanh kiếm của nhà Tây Sơn. Ông Xênh đặt trên bàn thờ, gói khăn điều đỏ để phụng thờ. Bảo tàng Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đến đặt vấn đề mua lại nhưng ông quyết định tặng một ít chứ nhất quyết không bán.
Điều đặc biệt, thời gian qua, một số tư liệu mà ông lần tìm được từ huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rất nhiều người sau khi đến xem, muốn mua lại nhưng ông khoát tay từ chối. Sau đó, ông lặng lẽ mang tặng tất cả cho sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng với nghề bốc thuốc bắc, ông Xênh còn được nhiều người dân trong tỉnh biết đến vì tài dịch và viết chữ Hán. Nhiều cán bộ của ngành văn hoá ở huyện Bình Sơn cũng không ít lần nhờ ông giúp. Tại nhà ông, toàn bộ số tiền công mà người dân trả được bỏ vào một chiếc lồng kính để cuối năm đem giúp cho người nghèo.