Vươn ra những thị trường “khó tính”
Trên thế giới mỗi nước đều áp dụng tiêu chuẩn, qui định riêng đối với các mặt hàng, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm thì càng khắt khe và “khó tính”. Ví dụ tại khu vực châu Á thì Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn công nghiệp và nông nghiệp đặc thù riêng, hệ thống phân phối phức tạp, chi phí xúc tiến thương mại, điều tra thị trường cao; rào cản kỹ thuật đối với hàng thực phẩm khắt khe như quy định giới hạn lượng hóa chất trong từng sản phẩm nông nghiệp; thị hiếu người tiêu dùng tại đây luôn thay đổi.
Tuy nhiên ngay tại thị trường “khó tính” này, một số thương hiệu của Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu và giành được thị phần khá ổn định nếu như có sự điều chỉnh và nghiên cứu kỹ lưỡng các qui định của quốc gia sở tại. Một trong số đó là thương hiệu tương ớt Chin-su của Tập đoàn Masan. Sau quãng thời gian khó khăn ban đầu khi mới bước chân vào thị trường Nhật Bản, tương ớt Chin-su đã có những bước thay đổi và vượt qua khó khăn, chứng minh được sức hấp dẫn của mình khi liên tục gia tăng thị phần. Thị phần của thương hiệu này năm 2019 là 55%, rồi tăng lên 60% trong năm 2020 bất chấp đây là phân khúc cạnh tranh khốc liệt.
Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) không dừng lại ở con số thị phần này. Mục tiêu năm 2030 của tương ớt Chin-su là trở thành 10 thương hiệu tương ớt nổi tiếng nhất thế giới. Vì tương ớt Chin-su nắm giữ trong tay thị phần lớn nên tăng trưởng mảng gia vị hàng năm của Masan là con số rất lớn. Mảng gia vị đóng góp nhiều cho doanh thu và lợi nhuận của Masan Consumer nói riêng và Tập đoàn Masan nói chung.
Bước sang nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng khó kiểm soát hơn, Masan Consumer vẫn không ngừng tăng trưởng, vươn ra chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới, trong đó có thị trường Nhật Bản.
Chinh phục thị trường Nhật
Trước những qui định khắt khe của Nhật Bản, Masan đã có chiến lược chinh phục thị trường khó tính này bằng những tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là đối với sản phẩm tương ớt Chin-su. Ngày 3/8/2019 Masan đã ra mắt tương ớt Chin-su trong Ngày hội Ẩm thực Việt Nam (Vietnam Food Day) tại thành phố Osaka (Nhật Bản).
Đại diện cho nhà nhập khẩu Imai Limited, Tổng giám đốc Jorge Imai cho hay công ty chọn Masan Consumer làm đối tác vì đây là công ty bán hàng tiêu dùng dẫn đầu thị trường Việt Nam. Qua quá trình kiểm tra, công ty đánh giá tương ớt Chin-su khá đậm đà.
Thực khách thưởng thức sản phẩm tương ớt Chin-Su trong khuôn khổ Vietnam Food Day ở Osaka (Nhật Bản). |
Tháng 3 năm nay, tại Triển lãm Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế lần thứ 46 (Foodex Japan 2021) vừa chính thức diễn ra tại tỉnh Chiba (Nhật Bản), tương ớt Chin-su có mặt và đã truyền cảm hứng cho các thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới.
Có thể thấy, việc vượt qua khó khăn và nghiên cứu kỹ lưỡng, điều chỉnh sản xuất mỗi khi muốn gia nhập và chinh phục thị trường nước ngoài là hết sức quan trọng trong câu chuyện của tương ớt Chin-su tại thị trường Nhật Bản và cả ở Việt Nam. Có được điều đó là do Masan là tập đoàn lớn, có đủ nguồn lực và uy tín để vượt qua khó khăn.